mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Góc quán hoài niệm

 11:41 | Thứ bảy, 15/10/2022  0
Chúng ta sống nhiều bằng hoài niệm hơn chúng ta nghĩ, và có lẽ vì thế mà chúng ta thấy những góc quen bình dị của mình bỗng đẹp hơn.

Buổi sáng thức dậy, điện thoại tin tin thông báo dung lượng máy đã gần cạn, muốn xài tiếp phải mua thêm hoặc xóa bớt. Nếu ký ức con người cũng được lưu và vận hành như trong một cỗ máy thì dễ dàng biết bao, có thể rõ khi nào cần dọn dẹp bớt những hoài niệm, biết ký ức nào cần cất giữ, ký ức nào cần xóa đi. Như mùa này trên đường phố Sài Gòn, chắc nhiều người ước giá có thể quên những ngày tháng dài của năm ngoái. 

Nhưng thôi, con người đâu phải làm bằng các vi mạch. Nên thứ duy nhất bạn có thể xóa, chắc chỉ là bộ nhớ của máy móc mà thôi. Vậy là ngồi xem lại các dữ liệu đã lưu, những hình ảnh đã chụp. Nhiều tấm không nhớ chụp ở đâu, lại có những tấm chần chừ mãi không biết nên giữ hay nên xóa.

Susan Sontag viết trong cuốn On Photography: “Những bức ảnh là một cách giam cầm thực tại... Người ta không thể sở hữu thực tại, người ta có thể sở hữu hình ảnh - người ta không thể sở hữu hiện tại nhưng người ta có thể sở hữu quá khứ”. Và nếu thế, phải chăng việc xóa ảnh cũng là xóa bỏ quá khứ, cũng như đã làm một thực tại từng hiện hữu biến mất. Nếu thế thì trách nhiệm đặt lên vai người chụp ảnh lớn biết bao, đặc biệt là khi đối tượng mà họ chọn chụp, kỳ thực, đã biến mất hoàn toàn. 

Theo một số tư liệu Sài Gòn, quán cà phê Thái Chi trước 1975 từng là chốn quen của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nhạc sĩ Anh Việt Thu, nhà thơ Phạm Lê Phan… ghé uống cà phê sáng. Ảnh: HNVĐ


Như một tấm ảnh tôi chụp trước một quán cà phê cóc. Gạch lát tường màu xanh đã phai ít nhiều, trông xa như một ngôi nhà cẩm thạch, đính thêm một cái gương bát quái treo trước cửa. Không mái che, không bảng hiệu, không gì thông báo cho khách lỡ bước đi qua biết rằng đây là một quán cà phê ngoài chính những vị khách kiên nhẫn của nó. Những ly cà phê bất động trên bàn (bàn ở đây nhiều khi là ghế) và cả tiếng đập nước đá lách cách không đều nhưng vang, hệt một loại mã tín hiệu thông báo cho những đứa con của hoài niệm tìm đến. 

Bởi ngồi trong quán cà phê đó là ngồi trong hoài niệm, quán xa xưa từng thuộc về những huyền thoại hè phố Sài Gòn, là lịch sử nhưng chẳng bao giờ được ghi chép bằng văn tự, chỉ tồn tại như một chuyện kể, truyền từ người này sang người khác, cho đến khi người cuối cùng còn nhớ về nó. 

Tên quán cà phê nhiều hoài niệm ấy là Thái Chi. Bạn sẽ hẳn tò mò, và nếu như một thói quen của người hiện đại, cái gì không biết thì tra Google, có thể bạn sẽ thất vọng vì nó không trả về nhiều thông tin hữu dụng nào, như địa chỉ quán, hay xuất hiện trên ứng dụng đồ ăn thức uống, hay được khen chê đánh giá, gắn sao nọ sao kia. Tuyệt nhiên không có. 

Vậy mà nó đã tồn tại từ trước 1975, sau mấy bận biến thiên vẫn nằm yên trên đường Nguyễn Phi Khanh. Dù bà chủ đã qua đời, nhưng lớp hậu sinh vẫn duy trì quán và lấy y tên cũ nay đã thành thương hiệu. 

Quán nhỏ, có gác nhưng vẫn nhỏ. Khách ngồi khép nép bên nhau, rôm rả chuyện vụn vặt đời thường. Có người già, có người trẻ nhưng ít khách vãng lai. Ai đến quán đều biết mặt nhau, thi thoảng còn góp chuyện vào một chủ đề bất chợt nào đó. Hay ai đó đem đến một hộp bánh rồi chia nhau ăn, bất chấp thân sơ quen lạ. Có cảnh giành nhau trả tiền đúng chất “made in Vietnam”. Đôi khi cãi nhau, nhiều lúc ồn ào, và mấy lần trầm mặc theo thứ nhạc rất có gu của chủ quán. 

Quán vắng thì ngồi trong nhà, trời dịu thì tràn cả ra vỉa hè cho mát. Đường vắng ít xe, nên cũng chẳng mấy khi phiền lụy chuyện khói bụi. 

Rồi quán cũng dời đi, chuyển sang địa chỉ khác. Không biết rồi sẽ là lần thứ mấy trong đời của cái quán cà phê mang tên Thái Chi. Tôi nhớ quán cà phê đó. Đôi khi người ta đã khởi sự nhớ rồi thì lại tuôn ra nhiều chuyện, như khi tôi nghĩ về quán cà phê trên con đường nhỏ (như một cái gạch nối gắn hai con đường tấp nập xe cộ ở hai đầu) tôi lại nhớ bức tranh cũ vẽ tích Tàu Võ Tòng đả hổ treo ở quán. Kỷ vật duy nhất từ thời còn “quán cũ”, vật đổi sao dời quán cũ chuyển đi, tranh lại treo nơi quán mới, như một chỉ dấu để khách vốn quen biết nhận ra đây là “thương hiệu” thân thuộc. 

Nơi mới chẳng giống nơi cũ. Cách bài trí khác, diện mạo bên ngoài cũng khác. Nhưng những người già bán cà phê ấy không để ý làm gì đến lớp áo, cốt sao cà phê rang vẫn ngon, vẫn nhớ rõ khách thường uống loại cà phê gì, đường sữa, đắng ngọt, gia giảm thế nào để chỉ cần vừa ngồi xuống ghế thì có ngay ly cà phê mà trong đầu bạn đang nghĩ tới. Bức tranh Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương vẫn treo ở đó. Như thứ quý báu nhất mà người ta sẽ cứu, sẽ đem theo khi rời khỏi con tàu sắp chìm. 

Ở một góc phố yên tĩnh khác ngay giữa quận Nhứt, một quán nhỏ nổi tiếng hơn Thái Chi, sau mùa dịch, đã tuyên bố đóng cửa. Cái ki-ốt be bé bán sữa, trên vỉa hè rộng gần công viên tiện bề cho khách tập thể dục buổi sáng ghé qua, hay cho ai đã quen cái vị sữa ở đâu cũng thế và không quý hiếm gì, nhưng phải chính những đôi bàn tay ấy múc, ngồi đúng những cái chỗ ấy thì mới ngon. 

Chúng ta sống nhiều bằng hoài niệm hơn chúng ta nghĩ, và có lẽ vì thế mà chúng ta thấy những góc quen bình dị của mình bỗng đẹp hơn. 

Những ly cà phê bất động ở quán Thái Chi và cả tiếng đập nước đá lách cách hệt một loại mã tín hiệu thông báo cho những đứa con của hoài niệm tìm đến. Ảnh: Quang Diệu


Sống ở đất Sài Gòn, sẽ sớm quen thôi cái chuyện ngã tư này từ có quán bún bò nay lại là cửa hàng điện thoại; chỗ này lúc trước cho thuê sách, giờ đây là tiệm đóng giày… Italo Calvino trong Những thành phố vô hình đã kể về một thành phố “nơi không còn ai chịu nổi nghề nghiệp mình làm, cha mẹ, nhà cửa, cuộc sống nợ nần, kẻ mình phải chào hoặc kẻ phải chào mình, ngày ấy, toàn thể mọi người quyết định dời sang cái thành phố đang chờ mình gần đấy, trống không và như mới” và “thành phố lặp lại cái cuộc sống y như nhau của nó, di lên dời xuống trên những ô cờ trống. Cư dân trở về để xướng lên cũng những cảnh diễn ấy với các diễn viên đã được thay thế; thể hiện lại cũng những lời thoại ấy với những nhấn nhá được kết hợp một cách đa dạng; luân phiên há miệng ngáp giống nhau”. Và có lẽ đó là bản chất chung của mọi thành phố, không ngừng thay đổi, thế chỗ, lấp đầy, liên tục vận động.

Có lần tôi tự hỏi, vị khách quen nào đó của quán Thái Chi, chợt một ngày tìm đến hỏi thăm và nhận ra rằng không ai biết cái quán thân thương của mình cả. Cứ như thể mình là người lưu giữ ký ức, kẻ cuối cùng còn nhớ về một tồn tại. Thái Chi. Tên một quán cà phê hay tên một người đàn bà, một người đẹp ngày xưa như trong thơ Villon, để rồi thảng thốt: “Nhưng đâu rồi những bông tuyết ngày xưa?”. 

Lâu rồi tôi chưa ghé lại Thái Chi, không biết sau một mùa dịch giã, quán còn đó hay đã dời đi, hoặc tệ hơn đã đóng hẳn. Có những người bạn cũng lâu rồi không gặp. Hay những mối quan hệ đã đổ vỡ theo thời gian. 

Nhưng thi thoảng tình cờ đi trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngó sang lối Nguyễn Phi Khanh, cái chỗ nhỏ nhắn ngày xưa từng là một quán cà phê. Tôi lại thấy như từng khuôn mặt cũ ấy, như thể thời gian không đổi, như thể chưa có gì xảy ra… Tất cả thuộc về cái phần đời thanh thản và yên bình. 

Huỳnh Trọng Khang

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.