mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Bàn tròn: “Hà Nội mở rộng – mười năm nhìn lại”:

Giao thông phía tây Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải

 14:44 | Thứ bảy, 04/08/2018  0
Nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào Hà Nội cũng có nghĩa Hà Nội phải đảm đương toàn bộ hoạt động của một tỉnh phía tây của thủ đô, do thế hệ thống giao thông phía tây trở nên đặc biệt quan trọng trong “cơ thể Hà Nội mở rộng”. Nhưng không chỉ đang chịu lụt lội nặng nề, giao thông phía tây cũng thường xuyên ùn tắc trầm trọng. 

Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi - quận Thanh Xuân giờ cao điểm. Ảnh: VNexpress

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nút giao thông từ ngoại thành phía tây vào vùng lõi đô thị, các chuyên gia giao thông đưa ra những ý kiến khác nhau.

Theo ông Đinh Quốc Thái (chuyên gia  giao thông độc lập): “ Sau 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các dự án phát triển hạ tầng giao thông khung, đối với những tuyến đường vành đai, những tuyến đường liên khu vực phía tây của Hà Nội chưa có nhiều chuyển biến và chưa được hoàn thiện.

Điển hình như quốc lộ song song với QL32, tuyến đường song song với trục Hồ Tây Ba Vì cũng chưa được xây dựng, tuyến đường song song với quốc lộ 6 (tuyến Lê Văn Lương kéo dài) mới dừng ở Dương Nội chưa kéo dài xuống tới  thị trấn Xuân Mai, hay tuyến đường song song với quốc lộ 1 cũ cũng mới chỉ dừng ở mức độ quy hoạch; tuyến đường trục phía Bắc nối từ KĐT Văn Phú đi xuống Phú Xuyên mới chỉ dừng lại ở Km 12-15. Tức là hệ thống đó vẫn chưa được  kết nối như theo quy hoạch cũ từ thời còn tỉnh Hà Tây”.

Vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện chen chúc nhau từng cm trên đường Lê Văn Lương. Ảnh Vietnamnet

     Trước tình trạng ùn tắc giao thông triền miên tại các trục đường giao thông hướng tâm nằm ở phía Tây thành phố, ông Phạm Thế Minh (Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải) nhận định: “Áp lực giao thông ngày càng gia tăng trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Láng Hạ, Tây Sơn, Giải Phóng, Quốc lộ 32…vào các giờ cao điểm sáng và chiều là do bản thân quy hoạch của Hà Nội cũ cũng chưa hoàn chỉnh, đến khi mở rộng địa giới hành chính thì quy hoạch đó lại chưa được điều chỉnh hợp lý.  Đó là chưa kể trước khi hợp nhất, Hà Tây cũng đã duyệt hàng loạt dự án (xây các khu đô thị mới, các khu khu công nghiệp... - PV) nên rất cần phải điều chỉnh lại quy hoạch giao thông. Nếu như ngay từ khi làm quy hoạch thủ đô đã thể hiện rõ rõ ràng từng khu chức năng với đầy đủ hạ tầng văn hóa, xã hội ở mỗi khu vực, cũng có thể làm giảm bớt các dòng di chuyển. Sự thực mả nói  là sau 10 năm qua thì giao thông thủ đô vẫn chưa được cải thiện chút nào cả, tình trạng tắc nghẽn tại một số vùng phía tây tôi thấy còn trầm trọng hơn, rối rắm hơn”.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nút giao thông từ ngoại thành phía tây vào vùng lõi đô thị, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến (nguyên Vụ trưởng Vụ hạ tầng kỹ thuật- Bộ Xây dựng) cho rằng: “Khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, bộ máy chính quyền của phần lớn các sở ban ngành chuyển về trung tâm Hà Nội đã tạo nên áp lực học hành đi lại và áp lực dịch chuyển (của khối người này) từ Hà Tây cũ về Hà Nội. Bằng chứng là sau 10 năm sáp nhập mới chỉ có 2-3 sở, ban ngành chuyển ra các khu vực quận mới phía tây như Hà Đông, Cầu Giấy …

Thêm nữa, do những bất cập trong quá trình thực hiện theo quy hoạch và quản lý quy hoạch nhiều dự án xây dựng đã không tuân thủ quy định diện tích đất dành cho giao thông đã phê duyệt.”

Ùn tắc trên đường Tố Hữu- nơi hiện đang có nhiều chung cư mới tiếp tục được xây dựng. Ảnh Dân Trí

Không đồng tình với quan điểm này, theo TS. Nguyễn Hồng Sơn (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội) nêu lý do khác: “Nguyên nhân của ùn tắc tại các trục hướng tâm ở phía tây thành phố không hẳn do sáp nhập. Vì một số đơn vị có dịch vụ hành chính nhiều như Sở Kế Hoạch và Đầu tư đã bố trí nhiều điểm giao dịch trên địa bàn Hà Nội, mà do sự phát triển bất động sản “nóng” ở khu vực phía tây đã làm gia tăng số lượng dân cư khu vực này quá lớn. Đơn cử là sự phát triển hàng loạt các dự án chung cư cao tầng nằm dọc 2 tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi…”

Có lẽ với chừng đó ý kiến nhận định về tình trạng đã, đang và sẽ còn tiếp tục ùn tắc đến “nghẹt thở” tại cửa ngõ giao thông phía tây Hà Nội là chưa đủ. Bởi thực trạng hệ thống giao thông phía tây thủ đô cần một nghiên cứu rộng và sâu hơn trên tất cả các mặt như: quy mô các dự án phát triển khu cư trú mới, các khu công nghiệp, dịch vụ mới, cùng sự gia tăng dân số, khả năng cung cấp việc làm, đáp ứng nhu cầu sử các dịch vụ tại chỗ... để giảm bớt dòng người từ phía tây di chuyển vào vùng lõi Hà Nội.

Không có nghiên cứu nghiêm túc, bài bản thì không thể có chính sách đúng. Và không có chính sách đúng, kịp thời,thì giao thông phía tây Hà Nội vẫn chỉ càng lún sâu hơn vào tình trạng tắc nghẽn không lối thoát.

Thành phố Hà Nội đã hoàn thành 223km đường xây mới, hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn như Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy… hoàn thành 9 cầu vượt nhẹ tại các nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Diện tích dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị tăng trung bình hàng năm 0,28%; năm 2017 đạt khoảng 9,2%. Số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 điểm (năm 2009) xuống còn 37 điểm (năm 2017).

Lê Minh (thực hiện)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.