![]() |
Thành phố cần những hình ảnh đẹp, yên bình như thế này. Ảnh: Lê Quân - Zing |
Không khí chào đón ngày lễ ấy rộn ràng suốt nhiều năm có lý do chính đáng: chấm dứt chiến tranh đồng nghĩa với chấm dứt sự hủy diệt, đồng nghĩa với mở ra cánh cửa hòa bình để sống còn, để phát triển. Đất nước đã đi qua 20 năm đầu tiên sau chiến tranh với vô vàn khó khăn do sự cấm vận kinh tế, do chiến tranh gây hấn ở biên giới Tây Nam và chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía bắc. Và, cả do sự hạn chế, ấu trĩ, lúng túng trong cơ chế quản lý trước yêu cầu của nền kinh tế thị trường mà xã hội tất yếu phải trải qua.
Rồi, bằng sự thôi thúc mạnh mẽ của cuộc sống và yêu cầu không thể dừng lại của người dân, những khó khăn cao như núi đã được từng chặng vượt qua. Cuộc sống vật chất của người dân ở nhiều nơi trong nước đã được cải thiện. Cầu và đường, trường học và bệnh viện, viễn thông một chiều và đa chiều đã nhiều hơn và đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Nhưng cũng rồi, bằng một cách nào đó, nạn tham nhũng, nạn cửa quyền, nạn xem thường quyền tự do theo luật định của người dân, nạn cấu kết bè cánh từ trên xuống dưới để trục lợi, nạn gian dối... cũng tăng lên trong gần 20 năm qua (tưởng như không thể cưỡng được, không thể dừng được) theo sự tăng trưởng nhất định của đời sống vật chất.
Chính vì thực tế ấy mà rất nhiều người đã nghĩ đến, không phải mới đây, về các giá trị đích thực của tháng Tư - một hình ảnh của sự thống nhất đất nước, của chấm dứt chiến tranh, của khởi đầu hòa bình dài lâu. Chắc chắn, đó là những giá trị to lớn không thể phủ nhận. Nhưng, nếu chỉ bằng lòng với các giá trị ấy, thậm chí ăn bám vào các giá trị ấy để rồi bỏ qua hoặc chậm quan tâm tạo dựng và bảo vệ các giá trị quan trọng, thiết yếu khác của xã hội như quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền tự do lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ di sản... thì cũng chắc chắn khiến cho các giá trị to lớn đã được khẳng định của tháng Tư bị tổn hại. Vụ công an huyện và Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh mới đây khởi tố sai luật đối với chủ quán cà phê Xin chào (vì chậm đăng ký kinh doanh) tuy không phải hi hữu trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, nhưng lại gây ra bức xúc cao độ trong dân chúng bởi thông điệp mà vụ việc truyền đi trong xã hội.
Thông điệp đó là: người dân và doanh nghiệp sẽ rơi vào tâm lý rất sợ chính quyền, sợ những áp đặt quản lý theo mệnh lệnh hành chính - kể cả khi trong các mệnh lệnh ấy chứa đựng những yếu tố vô lý, sai luật! Một xã hội đè nặng tâm lý ấy dứt khoát không thể là một xã hội lành mạnh mà chúng ta muốn hướng tới. Con người sống cần cái ăn, cái ở, cái mặc; nhưng lại vẫn rất cần, quá cần một niềm tin vào công lý, công bằng, sự trung thực để làm điểm tựa trong cuộc sống nhiều rủi ro, bất trắc này.
Chẳng thế mà nhiều vị có chức trách trong nhiều lĩnh vực đã đăng đàn nói về câu chuyện liên quan đến công bằng, công lý mà người dân đang rất quan tâm ấy. “Rõ ràng đây là một vụ hình sự hóa vấn đề đăng ký kinh doanh, làm xấu đi môi trường kinh doanh” (TS. Lê Đăng Doanh), “Bản án nào cũng phải đạt được độ tâm phục, khẩu phục. Nhưng với vụ án này, chưa xử đã thấy tâm không phục rồi” (Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình), “Nếu vụ này chủ quán cà phê Xin chào thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người dân đều có thể đi tù” (Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), “Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, lấy lại niềm tin cho nhân dân, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả người dân, doanh nghiệp” (Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP.HCM).
Tin tức về những cá nhân có sai phạm trong vụ quán cà phê Xin chào đang bị xử lý kỷ luật, thật may, như một cái phanh giữ lại được phần nào niềm tin của dân chúng đang tuột dốc. Mà, niềm tin vào đất nước mình như một nơi đáng sống cũng là một giá trị cần tạo dựng, gìn giữ của tháng Tư.
Thanh Nguyễn
» Đảng lãnh đạo, nhưng nếu làm trật thì phải chịu trách nhiệm giải trình
» Bà Phạm Chi Lan: Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây?
» Tướng Lê Văn Cương: Không nước nào kìm hãm Việt Nam như Trung Quốc
» Bài học yêu nước từ một doanh nhân
» ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: 'Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền, cả biển sâu'