Những thông tin đăng trên chuyên trang sức khỏe mắt Allaboutvision mới đây có thể giúp người bệnh cườm khô thêm hiểu biết, hạn chế sai lầm và rủi ro trong lựa chọn liệu pháp, chủ động tìm được cơ sở điều trị, bác sĩ phẫu thuật và loại kính nội nhãn (IOLs) nào phù hợp nhất với mắt.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân là người thích hợp nhất để đưa ra lời khuyên trước phẫu thuật. Ảnh: TLBV
Tham khảo ý kiến người quen, hàng xóm
Dưới đây là những nội dung người bệnh nên hỏi bạn bè, hàng xóm hay người quen đã từng điều trị cườm khô, để có thông tin nhận định cơ sở điều trị có tốt hay không:
Nhân viên y tế chỗ phòng khám họ từng điều trị có thân thiện, hỗ trợ bệnh nhân suốt quá trình điều trị hay không? Chi phí điều trị có được giải thích minh bạch cho bệnh nhân? Phẫu thuật viên có giải thích cặn kẽ về phẫu thuật cũng như các biến chứng có thể xảy ra trước và sau phẫu thuật cho bệnh nhân? Kết quả phẫu thuật xong như thế nào? Nếu kết quả không tốt thì nguyên nhân do đâu? Sau phẫu thuật có các chính sách theo dõi hỗ trợ bệnh nhân tái khám khi cần thiết không?...
Hỏi bác sĩ chuyên khoa mắt
Không phải bác sĩ nào cũng chính tay thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân, tuy nhiên bác sĩ khám cho bệnh nhân là người nắm rõ tình trạng bệnh lý, cũng như am tường kiến thức y khoa, sẽ là người thích hợp nhất để đưa ra lời khuyên trước phẫu thuật cho bệnh nhân.
Người bệnh nên chủ động trao đổi với bác sĩ khám cho mình các nội dung: Tiên lượng trước phẫu thuật ra sao? (Trước phẫu thuật đáy mắt cần được thăm khám kỹ để tiên lượng sau phẫu thuật một cách trọn vẹn); Tư vấn loại kính nội nhãn (IOLs) nào thích hợp nhất với trình trạng của người bệnh? Các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị? Tình trạng kinh tế, bảo hiểm y tế, mức độ bệnh lý của người bệnh nên điều trị ở đâu là tốt nhất?
Một cơ sở y tế mà ở đó bác sĩ có chu trình khám bệnh đầy đủ và nhiệt tình tư vấn kỹ lưỡng sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân phẫu thuật.
Bác sĩ đang chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi vào mổ cườm khô. Ảnh: Phan Kiên
Hỏi phẫu thuật viên
Buổi gặp gỡ trực tiếp bác sĩ phẫu thuật của người bệnh là rất quan trọng. Hãy dành thời gian để hỏi lại tất cả các câu hỏi liên quan tới điều trị hay thắc mắc có trước đó:
Người bệnh có thể hỏi kinh nghiệm điều trị của phẫu thuật viên; Lấy giấy viết và ghi chú lại những việc phải làm chuẩn bị trước phẫu thuật; Đừng bỏ sót, hỏi về thông tin cho thời gian hậu phẫu của người bệnh (Phẫu thuật viên có trực tiếp theo dõi sau mổ cho người bệnh không, hay bác sĩ khác? Các chính sách theo dõi và điều trị sau đó ra sao?). Một cở sở điều trị tốt sẽ luôn có một kết hoạch theo sát bệnh nhân trước, trong và sau khi điều trị phẫu thuật.
Bên cạnh đó, trước khi bước chân lên bàn phẫu thuật, người bệnh cũng cần có một tâm lý thoải mái nhất.
Kết quả điều trị cườm khô phụ thuộc vào việc người bệnh có biết cách lựa chọn cơ sở và bác sĩ điều trị thích hợp không. Ảnh: TLBV
Nên chọn kính nội nhãn nào?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể (cườm khô) không chỉ nhằm “xóa mù”, ngày nay bệnh nhân còn có các lựa chọn khác nhau để giúp sau phẫu thuật không phải mang kính. Vậy nên, có hiểu biết về kính nội nhãn (IOLs) sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong các lựa chọn đúng đắn.
Đơn tiêu: Là loại kính đặt nội nhãn được bảo hiểm y tế chi trả, IOLs đơn tiêu thường giúp người bệnh đạt được thị lực nhìn xa rất tốt như lái xe, đi đường… Tuy nhiên người bệnh cần phải mang thêm kính gọng sau phẫu thuật để hỗ trợ các hoạt động nhìn gần (đọc sách, dùng điện thoại, may vá, xỏ kim…)
Một số bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ phẫu thuật chỉnh thị lực sau phẫu thuật thành 1 mắt nhìn xa và 1 mắt nhìn gần rõ để không phải mang thêm kính sau phẫu thuật. Điều này cũng đồng nghĩa người bệnh chỉ đạt được thị lực một mắt.
Đa tiêu: Sinh ra khi nhu cầu được “giải thoát” khỏi kính gọng mà không phải lựa chọn chỉnh theo “thị lực một mắt” bằng kính đơn tiêu, IOLs đa tiêu là loại kính cao cấp hơn, có tác dụng giúp bệnh nhân có thể vừa nhìn xa và nhìn gần. Tuy nhiên, loại kính này thường không được bảo hiểm y tế chi trả, và chi phí của kính cũng cao hơn so với kính đơn tiêu.
ThS-BS. Nguyễn Lê An
(Khoa Mắt, Bệnh viện quận Phú Nhuận, TP.HCM)