TS Vũ Thành Tự Anh là người đóng góp ý kiến cuối cùng với tư cách cá nhân. Bình luận về chủ đề thảo luận, ông Tự Anh cho rằng ban tổ chức có lẽ không có ý đồ dựng lại một niềm tin có tính phổ quát, mà cần có độ mở nhất định: “Khi chỉ có một niềm tin duy nhất đúng thì niềm tin ấy chắc chắn sẽ sai”, ông Tự Anh cho rằng không tin vào chính mình là cách dễ nhất để đánh mất niềm tin.
![]() |
TS. Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: Quý Hoà |
Theo ông Tự Anh, để sống không ai không cần tới niềm tin, vì niềm tin là một dưỡng chất quan trọng cho cuộc sống của mỗi người. Niềm tin vừa là cảm tính nhưng đồng thời cũng là lý tính, và chắc chắn là niềm tin không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác theo thời gian, hoàn cảnh…
“Muốn dựng lại niềm tin thì phải tạo dựng các điều kiện để “dưỡng chất” niềm tin tồn tại được”, ông Tự Anh nhấn mạnh trách nhiệm của hệ thống chính trị trong việc gầy dựng lại niềm tin với nhân dân, doanh nghiệp. Trong mối quan hệ này, con đường ngắn nhất để chủ thể đánh mất niềm tin là “nói không đi đôi với làm”.
Từ quan niệm đó, ông Tự Anh quan sát tác động của niềm tin đối với kinh tế. Hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ thông qua sự tương tác giữa người với người. Là một phần của vốn xã hội, niềm tin giúp giảm chi phí giao dịch.
Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, mở rộng cơ hội cho con người. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ không dám thực hiện giao dịch khi không biết chắc đối tác có thanh toán đầy đủ hàng hóa và dịch vụ mà mình cung ứng hay không, hoặc giả phải rất vất vả đòi đủ số tiền. Động cơ khuyến khích doanh nghiệp khi ấy là tư duy ngắn hạn, tâm lý đánh quả… Nguy hại hơn, việc một rừng luật không bảo vệ được quyền lợi chính đáng còn khuyến khích người ta sử dụng luật rừng.
Niềm tin là một nhân tố quan trọng giúp điều chỉnh hành vi. Thế nhưng trót tin vào điều không đúng có thể khiến chủ thể hành xử tiêu cực. Hơn nữa, khi niềm tin đổ vỡ, chủ thể bị tổn thương nghiêm trọng, tất yếu sẽ phát sinh năng lượng tiêu cực. Hệ quả là chủ trương hay chính sách đúng cũng không thể phát huy được khi niềm tin của người dân và doanh nghiệp bị xói mòn.
“Niềm tin bền vững phải đến từ hai phía”, ông Tự Anh chuyển sang mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, chủ đề mà ông đặc biệt quan tâm trong công tác nghiên cứu. Sau hơn ba thập niên Đổi mới, Nhà nước vẫn chưa thực tâm tin thị trường cũng như khu vực tư nhân. Bằng chứng là mỗi khi không kiểm soát được, mỗi khi lúng túng thì Nhà nước lập tức quay trở lại hệ điều hành cũ.
Tuy nhiên, Nhà nước lại rất cần thị trường, cần doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề nằm ngoài khả năng của Nhà nước. Nhưng muốn dựng lại niềm tin thì Nhà nước lại đụng phải bức tường ý thức hệ. Đấy cũng chính là thế lưỡng nan của Nhà nước. Mâu thuẫn giữa ý thức hệ và nhu cầu cải cách thị trường tạo ra sự dùng dằng về mặt quyết sách. Nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng trên dưới 6,5% như hiện nay là nhờ vào sức sống dẻo dai của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, trong điều kiện thể chế hiện nay, lực lượng này lại không thể lớn lên được.
Cải cách nửa vời tất yếu sẽ dẫn đết kết quả nửa vời, ông Tự Anh kết luận.
NS Dương Thụ: “Khủng hoảng niềm tin là một tiến bộ xã hội. Muốn dựng lại niềm tin, phải không tin những gì không đáng tin nữa”.
Bà Phạm Chi Lan: “Hệ thống sợ hãi khu vực tư nhân phát triển đến một mức nào đó sẽ đòi hỏi thêm những quyền khác, chẳng hạn như tham gia vào những quyết sách, thậm chí tiến đến nhu cầu chia sẻ những quyền chính trị”
Ông Huỳnh Tấn Vinh: “Môi trường là vấn đề sống còn. Dù đụng chạm đến nhiều thế lực nhưng Sơn Trà không dính dáng đến chính trị, là cơ hội để cộng đồng biểu đạt ý kiến mà nhiều khi khó thể nói công khai ở nơi khác”
Chị Phạm Thị Hương Giang: “Tôi không kỳ vọng có niềm tin tuyệt đối. Nhưng niềm tin có thể nuôi dưỡng được”
TS Vũ Thành Tự Anh: “Điều doanh nghiệp sợ là sự bất định. Khi không biết ngày mai, ngày mốt sẽ như thế nào thì họ buộc phải thủ, phải co lại, hoặc chạy ra nước ngoài”
Thượng Tùng ghi