mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Đừng để người nghèo “khô máu”

 11:29 | Chủ nhật, 11/07/2021  0
Sài Gòn áp dụng quy định chống dịch theo Chỉ thị 16 là điều cần thiết khi số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng nhanh, khó kiểm soát. Nhưng dù nói ra hay không, chúng ta cũng có chung mối băn khoăn: khi sinh kế không còn, hoạt động cứu trợ từ thiện tạm ngưng, gói cứu trợ của nhà nước chưa biết khi nào đến tay, thì người nghèo sẽ lấy gì để sống trong thời gian giãn cách?

Thời gian này, nhiều người quan tâm tới hoạt động thiện nguyện tại Sài Gòn quan tâm đến trường hợp quán cơm Nụ Cười 1 (Phường 14, Quận 5). Chuyện “không thuận” xảy ra với quán cơm từ thiện này vào sáng 10.7.2021, cơ quan chức năng phường đã đến yêu cầu quán tạm đóng cửa, cho rằng trước đó - vào ngày 9.7 quán vẫn hoạt động, trái với các quy định trong Chỉ thị 16.

Người đến nhận những suất ăn miễn phí trong lúc khó khăn tại quán cơm Nụ Cười 1 luôn đảm bảo nguyên tắc 5K. Ảnh: Nguyễn Tập


Theo thông tin từ những người tổ chức, thì nhà bếp của quán sẽ đỏ lửa phục vụ suất cơm miễn phí cho người nghèo trong suốt thời gian giãn cách, đảm bảo điều kiện an toàn, hướng dẫn bà con xếp hàng nhận cơm phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn theo đúng quy định.

Nói cho ngay, người lao động nghèo cũng biết phận mình, đầy tự trọng. Họ đến nhận những suất ăn miễn phí trong lúc khó khăn, bà con đã đảm bảo nguyên tắc 5K, trong trật tự và từ tốn.

Câu chuyện này gây tranh cãi trên trang Facebook của một nhà báo, khi có người cho rằng chẳng may người nghèo “đi lang thang”, bị nhiễm bệnh thì thêm khổ. Nhưng nhiều người thương cảm thì cho rằng, nếu để họ ở nhà không có cái ăn, thì chết vì đói sẽ đến trước khi nguy cơ bị virus xâm nhập.

Câu chuyện khó ngã ngũ.

Từ góc độ quản lý, rõ ràng chính quyền địa phương cũng đang phải gánh chịu những áp lực trách nhiệm trong thời gian này. Chưa nói, có những “khoảng mờ” trong Chỉ thị khi đi vào thực tế được áp dụng và diễn giải theo những hướng trái ngược nhau.

Quận 5 đã có quyết định khá “uyển chuyển”: sẽ để quán cơm từ thiện Nụ Cười 1 hoạt động trở lại. Ảnh: NC


Trở lại câu chuyện quán cơm Nụ Cười 1. Được biết sau sau những tác động và phản biện từ nhiều phía, Quận 5 đã có quyết định khá “uyển chuyển”: sẽ để quán cơm từ thiện này hoạt động trở lại. Và để an toàn trong công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, cán bộ phường sẽ tham gia cùng tình nguyện viên của quán trao các phần cơm tới tận tay cho người nghèo được địa phương lên danh sách.

Qua câu chuyện này có thể thấy cách xử lý linh động để vừa đảm bảo công việc từ thiện của một quán cơm trên địa bàn được liên tục, vừa bảm bảo các quy định giãn cách là một cố gắng. Nhưng điều đó sẽ làm gia tăng thêm áp lực cho phường, quận sở tại. Trong khi, một việc đơn giản là chỉ cần cởi mở với hoạt động thiện nguyện để các tình nguyện viên có thể đảm đương hoàn toàn công việc thì chẳng phải địa phương sẽ nhẹ gánh hơn để chuyên tâm lo cho tốt công tác phòng chống dịch?!

Từ đây, có thể thấy rộng hơn, việc làm tình nguyện viên giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong tình hình giãn cách cần được thừa nhận, thậm chí cần khuyến khích trong các quy định giãn cách xã hội. Làm từ thiện phải được công nhận là lý do “ra đường chính đáng” để các tình nguyện viên, nhà hảo tâm có thể cùng với chính quyền lo lắng cho người nghèo trong tình thế cấp bách.

Chính quyền ở nhiều đô thị trên thế giới đã rất khó khăn để tìm kiếm những giải pháp uyển chuyển đảm bảo an sinh cho người nghèo trong bối cảnh buộc phải giãn cách kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Có nhiều cuộc bạo động, xung đột cũng đã diễn ra tại Nam Mỹ vì lệnh giãn cách khiến người dân nghèo rơi vào suy kiệt.

Mới đây, trong đợt bùng phát dịch bệnh đang diễn ra, tại Malaysia đã có một cách làm để nguồn lực từ thiện và hỗ trợ an sinh đến được với người nghèo: người nghèo sẽ ở nhà và treo cờ trắng trước cửa cho người khác biết mình đang khó khăn, cần được trợ giúp (có thể đây cũng là một gợi ý để chính quyền các địa phương bị giãn cách tại Việt Nam tham khảo).

Tình nguyện viên, nhà hảo tâm cần được khuyến khích làm công việc của họ - hỗ trợ cho người yếu thế, người nghèo đang bị tổn thương, thiếu thốn bởi giãn cách trong đại dịch. Nguồn lực xã hội này sẽ góp sức cùng với chính quyền phòng chống dịch một cách hiệu quả, nhất là ở những quốc gia đang phát triển, điều kiện an sinh xã hội chưa được chu đáo và đầy đủ.

Giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong tình hình giãn cách xã hội như quán cơm Nụ Cười 1 cần được thừa nhận, thậm chí cần khuyến khích trong các quy định giãn cách xã hội. Ảnh: NC


Sự việc quán cơm Nụ Cười 1 là một điển hình để nhà chức trách cần xem lại những ảnh hưởng của Chỉ thị giãn cách tác động lên nhóm người yếu thế, cần hỗ trợ của chính sách an sinh kịp thời và các hoạt động từ thiện dân sự.

Với Sài Gòn, văn hóa chia sẻ và tương thân tương ái trong hoạn nạn cũng là một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Không nên để những câu chữ hành chính xơ cứng hay những diễn giải chủ trương máy móc triệt tiêu, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn cấp bách như hiện nay.

Đừng để người nghèo phải “khô máu” vì thiếu cái ăn.

Nguyễn An Nam

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.