mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Dự thầu cao tốc Bắc - Nam: xuất hiện nhiều nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc

 10:16 | Thứ ba, 09/07/2019  0
Ban quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải nhận được hồ sơ của 10 nhà đầu tư, liên danh dự thầu cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, trong đó có 7 đơn vị từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Liên quan đến việc xây dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam,  Vnexpress đưa tin, hôm qua (8.7) Ban quản lý dự án 6 thuộc Bộ Giao thông Vận tải tổ chức sơ tuyển chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Đây là hai dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn: Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An) và Diễn Châu - Bãi Vọt (Hà Tĩnh). 

Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài gần 50 km, tổng mức đầu tư khoảng 8.380 tỷ đồng, gồm 2.550 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 49 km với tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng, gồm trên 8.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là vốn nhà đầu tư.

Ngoài ý nghĩa kinh tế, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, chưa kể dự án đường sắt cao tốc Bắc -Nam mà bộ GTVT chuẩn bị trình, còn được xem như trục xương sống, liên quan mật thiết đến an ninh - quốc phòng hướng phòng thủ phía Đông. Ảnh minh hoạ: TL

Theo Vnexpress, trong 60 ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (từ 9.5), đã có 39 nhà đầu tư mua hồ sơ thầu của hai dự án và đến nay Ban quản lý dự án 6 nhận được hồ sơ của 6 nhà đầu tư, liên danh dự thầu cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, trong đó có 4 đơn vị từ Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ban quản lý cũng nhận được hồ sơ của 10 nhà đầu tư, liên danh dự thầu cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, trong đó có 7 đơn vị từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Đại diện Ban quản lý cho biết, tổ chuyên gia sẽ chấm sơ tuyển trong khoảng 3 tháng, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho hai dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.

Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sử dụng phương pháp chấm điểm hồ sơ theo thang điểm 100. Cụ thể, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án 10 điểm.

Ngày 22.11.2017, Quốc hội đã có nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt, đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, báo cáo tại tại phiên họp của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Nhật, cho biết chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới 8 dự án BOT tuyến cao tốc Bắc Nam... Chủ đề này ngay lập tức được dư luận quan tâm. Đã xuất hiện những tiếng nói cất lên ở nơi này nơi kia, nhắn nhủ những nhà lãnh đạo đất nước cần hết sức cẩn trọng, cần tham vấn đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, bao gồm cả những chuyên gia độc lập, lắng nghe thêm nguyện vọng của nhân dân. Bởi lẽ, ngoài ý nghĩa kinh tế, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, chưa kể dự án đường sắt cao tốc Bắc -Nam mà bộ GTVT chuẩn bị trình, còn được xem như trục xương sống, liên quan mật thiết đến an ninh - quốc phòng hướng phòng thủ phía Đông.

Trong bài viết "Ba câu hỏi cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam", chuyên gia kinh tế Phạm chi Lan đặt vấn đề: :"Liệu việc tiến hành xây dựng đường cao tốc Bắc Nam vào lúc này đã thật cấp thiết chưa; giữa đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc cái nào cấp thiết hơn; hoặc làm 654km này có cấp thiết hơn, hiệu quả hơn so với làm một số con đường để giải quyết vấn nạn nghẽn mạch giao thông (do chỉ được đầu tư quá ít) đang kìm hãm sự phát triển của đầu tàu kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng nông nghiệp quan trọng nhất nước - đồng bằng sông Cửu Long?"

Đề cập đến nguồn lực để làm cao tốc Bắc - Nam, cụ thể là nỗi băn khoăn khi thấy xuất hiện thông tin chỉ nhà thầu Trung Quốc mới quan tâm dự án này, thậm chí một tập đoàn Trung Quốc muốn tham gia đầu tư làm toàn bộ con đường này, bà Lan nêu ý kiến: "Dân ta không thể chấp nhận trao cả con đường xương sống của đất nước hay bất cứ đoạn nào của con đường vào tay kẻ đến từ một quốc gia không ngừng muốn biến đất đai, biển trời của ta thành một bộ phận trong vành đai, con đường của họ, không ngừng quấy nhiễu cuộc sống của nhân dân ta. Dân ta đâu có lạ gì những thủ thuật từ nhiều dự án họ đã làm ở nước ta, như bỏ thầu thấp rồi nâng vốn lên gấp hai-ba lần, kéo dài thời gian thực hiện, sử dụng kỹ thuật, thiết bị, vật tư chất lượng thấp, đưa lao động của họ sang làm và tìm cách ăn đời ở kiếp tại nước ta, rồi hệ quả về môi trường và tệ tham nhũng khi làm với họ...".

Trong bài viết "Dự án cao tốc Bắc - Nam: Rào cản nội lực và nỗi lo nhà thầu Trung Quốc" đăng tải trên Người Đô Thị, ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đã chỉ ra một số bất cập về hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam. Hay những góc nhìn khác của một nghệ sĩ lên tiếng bày tỏ những lo ngại trong việc lựa chọn đối tác cho dự án có tầm quan trọng này và quan điểm của một nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế học tại Hoa Kỳ.

T.H

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.