mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Dự án Gami: Không chỉ ảnh hưởng đến phố cổ Hội An

 15:46 | Thứ hai, 30/07/2018  0
Nói đến Hội An, là nhớ đến những ngôi nhà và một quần thể phố cổ được bao bọc bởi sông Hoài và đồng ruộng. Hội An còn có vốn di sản phi vật thể với các loại hình nghệ thuật dân gian và tập quán sinh sống của người dân địa phương. Nhưng, đứng trước nhu cầu phát triển các yếu tố mới liên tục xuất hiện, cả vật thể lẫn phi vật thể sẽ dẫn đến những va chạm với cái cũ. Sự va đập ấy, được biểu hiện qua một dự án biến cồn bãi trên sông Hoài thành những mảng bê tông cùng với vở diễn Ký ức Hội An, đã gây ra nhiều tranh cãi trong dân chúng và cả giới chuyên gia bảo tồn, nhà văn hóa...

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, về những giá trị của Hội An, không chỉ là những con phố cổ mà còn là một không gian sống hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên, cũng như khi đón nhận những biểu hiện văn hóa mới, nhưng vẫn phải giữ lại những gì thuộc về một Hội An quen thuộc.

Thưa ông, ông đánh giá sự tác động đến Hội An thế nào khi xuất hiện một vở diễn như  Ký ức Hội An?

Phải nói rằng việc xuất hiện những show diễn như Ký ức Hội An hay gần đây là À Ố show là những sản phẩm mới của du lịch Hội An. Đó là sản phẩm du lịch tinh thần bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống như du lịch biển đảo, sinh thái... điều đó là cần thiết cho du khách khi đến Hội An. Lãnh đạo Hội An từ lâu đã mơ ước có được những show diễn như thế, nhưng điều đáng tiếc là những show diễn này đều đặt không đúng vị trí, địa điểm.

Nếu như những vở diễn này được đặt ở các vị trí sông nước, giãn xa phố cổ thì tốt. Hội An đã dành 120ha đất ở Thanh Hà cho các hoạt động này, nhưng người ta không lên trên đó để tổ chức các chương trình thực cảnh. Như vậy sẽ không ảnh hưởng đến khu phố cổ, không ảnh hưởng đến cảnh quan sông nước thiên nhiên. Cứ tập trung dồn hết vào khu phố cổ trong khi chúng ta đều biết phố cổ Hội An hiện nay đang chịu áp lực rất lớn với lượng du khách hàng ngày.

Vở diễn Ký ức Hội An được trình diễn trở lại vào đầu tháng 7, sau một thời gian tạm dừng để chỉnh sửa nội dung. Ảnh: CTV

Chúng ta đều biết văn hóa của Hội An nói riêng và của xứ Quảng nói chung là văn hóa của những cồn bãi ven sông. Việc đặt một công trình xây dựng lớn trên cồn giữa sông như dự án Gami không chỉ ảnh hưởng đến phố cổ mà còn ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái trong vùng, thậm chí là đến khu sinh quyển Cù Lao Chàm. Việc xây dựng dự án và hoạt động du lịch trên cồn bắp làm ảnh hưởng đến dòng chảy, chất thải của con người đổ xuống sông chắc chắn tác động đến hệ sinh thái. Chưa kể hiện nay để đến được cồn này thì phải qua cầu Cẩm Nam hiện đang quá tải. Nếu phải xây thêm cầu thì sẽ xé nát cảnh quan sông Hoài.

Cho nên với các show diễn như vậy thì về mặt nội dung có thể chỉnh sửa được, còn cái không thể thay đổi được chính là việc để họ xây dựng trên đó vừa gây ảnh hưởng đến cảnh quan, sinh thái vừa gây thêm áp lực cho phố cổ.

Khoảng 10 năm trước, trong một bài phỏng vấn ông Nguyễn Sự, khi ấy là Bí thư thành phố, ông Sự có nói đến những giải pháp khi người Hội An dần bán nhà cổ để chuyển ra ngoài sống làm cho phố cổ không còn người Hội An sinh sống mà chỉ còn người nơi khác đến làm ăn buôn bán, dẫn đến phai nhạt văn hóa của người dân địa phương. Sau 10 năm, chúng ta đã làm gì bên cạnh việc bảo tồn văn hóa vật thể nhưng vẫn đảm bảo những nét văn hóa phi vật thể ấy được giữ nguyên?

Việc bảo tồn vốn văn hóa phi vật thể là tư liệu hóa bằng cách ghi âm, quay phim, chụp ảnh... để nghiên cứu phát huy những hoạt động văn hóa “sống” rồi đưa vào trình diễn để có thể bảo tồn và phát huy. Trước hết việc bảo tồn ấy là dành cho cộng đồng và sau đó để du khách được trải nghiệm. Tất cả những phong tục tập quán, nghi lễ cúng kính, ẩm thực... còn được lưu giữ trong cộng đồng, tất nhiên những thứ này không thể nào y nguyên như cũ mà phải được điều chỉnh theo sự đi lên của cuộc sống trên nền tảng những cái đang có.

Trong quá trình phát triển đương nhiên phải có sự thay đổi, không thể duy trì mãi một cộng đồng dân cư bản địa trong phố cổ được. Chúng ta đều biết lịch sử Hội An là lịch sử của sự hòa nhập giữa các cộng đồng dân cư đến từ khắp nơi, đó là quá trình của việc toàn cầu hóa, đô thị hóa. Hội An từ 400 năm trước đã gắn liền với quá trình hội nhập dân cư, hội nhập kinh tế, và tiếp theo là hội nhập văn hóa. Di sản chúng ta đang có hiện nay là di sản của quá trình hội nhập dân cư trước đây.

Ngay đến như Luật Di sản cũng không thể áp dụng được ở Hội An vì luật này chỉ áp dụng chung cho các di sản không có người sinh sống...

Ông Nguyễn Chí Trung

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có các chính sách để những cộng đồng dân cư mới hòa nhập và trở thành người Hội An trong tương lai, kể cả những người nước ngoài đến sinh sống tại Hội An. Bởi theo luật thì không thể cấm người ta đến cư trú hay làm ăn trong phố cổ, nên cần có những quy định đi kèm với sự phát huy những nét hay đẹp của văn hóa bản địa để những cộng đồng dân cư mới này hòa nhập vào Hội An, như Hội An đã làm được hàng trăm năm trước. Chúng ta không thể bảo tồn Hội An bằng cách đóng cửa được.

Thưa ông, thời gian qua đã có những tranh cãi, thậm chí là lo lắng về tình trạng bê tông hóa cồn bãi ảnh hưởng đến di sản Hội An, dự án Gami cũng đem đến cho Hội An những yếu tố mới về văn hóa mà vở diễn Ký ức Hội An là một ví dụ. Vậy quan điểm của ông thế nào?

Trước hết, phải nói rằng vở diễn này là một hình thức biểu diễn nghệ thuật xưa nay Hội An chưa từng có. Dưới góc độ nghệ thuật lẫn nội dung thì còn rất nhiều thứ phải chỉnh sửa. Về mặt nghệ thuật thì bản thân tôi không thể đánh giá vở diễn này hay hoặc dở, nhưng về nội dung thì rõ ràng phải có những chỉnh sửa ở nhiều chi tiết để phù hợp hơn.

Vừa qua chúng tôi đã ngồi lại với chủ đầu tư, đạo diễn của chương trình để tham gia góp ý về âm nhạc, nội dung, đạo cụ... nhằm chỉnh sửa cho vở diễn sát với logic lịch sử. Chúng tôi đã góp ý, còn việc đạo diễn họ sửa đến đâu là chuyện của họ. Cũng phải tôn trọng họ vì nghệ thuật phải có tính hình tượng hóa, biểu trưng hóa.

Từ hôm góp ý đến nay, ông đã xem lại vở diễn này chưa?

Tôi vẫn chưa được xem lại vở diễn này sau khi góp ý. Tôi được biết tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập một hội đồng giám định nghệ thuật đối với Ký ức Hội An. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hội An cũng đang mời nhiều anh em có chuyên môn trong hoạt động văn hóa và quản lý văn hóa tham gia giám định lại vở diễn. Còn góp ý thì đã góp ý rồi, tiếp thu như thế nào thì sắp đến chúng tôi phải xem lại vở diễn mới có đánh giá. Hội đồng nghệ thuật sẽ có kết luận chính thức.

Chi tiết nào cần phải chỉnh sửa nhiều nhất đối với vở diễn này?

Các chi tiết về logic lịch sử là điều đầu tiên phải được chỉnh sửa để phù hợp với cảm nhận của mọi người về Hội An. Tiếp đến là các làn điệu dân ca phải thay những giọng Bắc để ra được làn điệu xứ Quảng. Đối với y phục cũng cần chỉnh sửa cho phù hợp hoặc vị trí của các nhân vật trong vở diễn phải có sự thay đổi.

Ví dụ: trước đây người ta để Huyền Trân công chúa sang sông để Chế Mân đón lên voi nhưng chúng tôi góp ý sửa lại là Chế Mân sang sông để rước công chúa. Hoặc những thực cảnh về mối quan hệ giữa các cộng đồng thương nhân từng ở Hội An, kể cả y phục cho phù hợp và gắn với con người Hội An thế kỷ đó.

Được biết vở diễn này khi đưa về trình diễn ở Hội An chưa được thông qua sự góp ý của những người có chuyên môn tại đây, vì sao?

Đó là bởi họ đã không chịu làm đúng trình tự khiến dư luận rất xôn xao khi vở diễn ra mắt. Vở diễn do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch thành phố Hà Nội cấp phép nhưng trong quyết định đó cũng có ghi rõ là tham vấn ý kiến của các cơ quan thẩm định địa phương. Theo tôi được biết, vở diễn này ban đầu định phục vụ cho quan khách Hội nghị APEC nên muốn triển khai nhanh, vì vậy bỏ qua bước thẩm định nội dung và nghệ thuật của địa phương, dẫn đến sai quy trình như đã nói. Đúng quy trình là sau khi có giấy phép biểu diễn thì tỉnh lập hội đồng thẩm định để góp ý cho vở diễn thử rồi mới cấp phép trình diễn công chúng. Nhưng nói cho cùng thì vở diễn có tồn tại hay không vẫn nằm ở công chúng, họ không đón nhận thì chỉnh sửa thế nào cũng không thể tồn tại được.

Công chúng ở Hội An mà vở diễn này nhắm tới vẫn là du khách quốc tế. Tuy nhiên, họ thì không thể nào hiểu được bản sắc văn hóa của Hội An lẫn Việt Nam, nếu đưa cho họ một hình dung sai thì càng tai hại hơn. Ông có nghĩ vậy không?

Đương nhiên công chúng ở đây chính là du khách đến Hội An và có cả người địa phương. Họ không thể hiểu rõ về văn hóa như những người làm chuyên môn. Do đó trách nhiệm của những người làm quản lý là phải có định hướng nội dung. Còn nghệ thuật phải được công chúng chấp nhận. Cũng phải nói rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa địa phương là đã buông lỏng quản lý nên mới tạo ra nhiều dư luận như vậy. Cũng không thể đổ hết cho tỉnh Quảng Nam, vì diễn ra trên địa bàn Hội An thì Hội An cũng phải chịu trách nhiệm.

Phải giữ lại những gì thuộc về một Hội An quen thuộc. Ảnh: Kiếng Cận 

Trong buổi diễn đầu tiên có mời tất cả các cơ quan chuyên môn ở Hội An, nhưng vẫn để vở diễn xuất hiện mà không rà soát lại quy trình cấp giấy phép. Khi họ phát hành giấy mời mà không kiểm tra xem đã có giấy phép trình diễn chưa thì theo quan điểm cá nhân tôi, đó là sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý văn hóa.

Ông có thấy hiện nay phố cổ Hội An đang bị khai thác đến cạn kiệt? 

Điều đó thì rõ ràng. Đó là do chưa bắt kịp được nhu cầu phát triển. Năm rồi Thủ tướng cũng có về nhắc nhở nhiều lần và Hội An với tỉnh Quảng Nam cũng đang làm, đó là phải có một cơ chế đặc thù cho Hội An. Đó là phải có quy chế quản lý và đặc biệt là phải có quy hoạch.

Cơ chế đặc thù cho Hội An là gì? Nếu Hội An là một đô thị bình thường thì đã có các luật Cư trú, Đầu tư... điều chỉnh, nhưng Hội An lại là một di sản sống nên khó mà áp dụng những luật này hoàn toàn như nơi khác. Ngay đến như Luật Di sản cũng không thể áp dụng được ở Hội An vì luật này chỉ áp dụng chung cho các di sản không có người sinh sống... 

Trung Bảo thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.