mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Đổ nát đã trở nên quen thuộc?

 22:18 | Thứ tư, 09/11/2016  0

Một hàng cây bị cưa cụt ngọn, cưa khúc, một số được “bứng dưỡng” (trên danh nghĩa là thế!) và một số khác, được chất đống làm gỗ. Những súc gỗ lăn lóc trên vỉa hè, lá xanh xõa đầy một góc công viên.

Chỉ trong vài hôm, một phần mảng xanh công cộng nữa lại bị xóa sổ nơi thành phố này.

Thế nhưng đã khác với mọi lần. Dân Sài Gòn không còn cảnh tập trung ngó cây đổ, không còn nước mắt ngậm ngùi, báo chí cũng không còn nói nhiều, kêu gào về chuyện đốn hạ cây xanh nữa. Có vài mẩu tin trước đó trên vài ba tờ báo lớn đưa rất vắn gọn nguyên nhân cây bị đốn hạ, số lượng bị đốn, chấm hết.

Quang cảnh ngày 12.10.2016 tại công viên 23 Tháng 9. Ảnh TTO

Vậy mà đâu khoảng hai năm trước, những cây xanh cổ thụ ở trên đường Lê Lợi bị đốn từng gây bùng nổ thông tin. Truyền thông nháo nhác. Giới nghiên cứu môi trường, đô thị, di sản lên tiếng phản biện. Đến khi mấy gốc cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng nằm trong tầm ngắm, sinh viên xuống đường bảo vệ cây, treo khăn tang cho cây. Còn dân tình thở than đến vài tuần mới nguôi ngoai.
Nhưng giờ không còn cảnh đó. Hay nói cách khác, sự kiện cưa cây những buổi sáng giữa tháng 10 ở công viên 23 Tháng 9 diễn ra khá êm đẹp. Nó chỉ gây tò mò với vài người dân đi dạo trong công viên.Có mấy ông già đưa máy lên chụp ảnh, mấy du khách dừng lại ngó nghiêng, rồi đi.

Như không có gì nghiêm trọng.

Cách đó chừng một cây số, là Thương xá Tax cũng đang trong quá trình đập phá, dọn dẹp. Trên báo, trên mạng có vài bức ảnh đặc tả cảnh đổ nát từ bên trong. Hình ảnh cầu thang, cửa sổ, phòng ốc đang dần biến dạng. Và sẽ biến mất hoàn toàn. Không còn nhiều tiếng thở than như khi mới có quyết định giải tỏa trung tâm thương mại trăm tuổi giữa trung tâm này. Những bức ảnh đặc tả khô khan và có bề trần trụi cho thấy mọi lời bình cay đắng không còn có một ý nghĩa nào nữa. Điều cơ bản là những thứ đó không ngăn nổi những đổ nát đang diễn ra được gán cho mục đích phát triển. Người Sài Gòn đang quen với những đốn hạ, đổ nát thế này, vì không tìm cách cố quen với nó thì cũng không còn cách thế nào khác. Một khi số phận di sản đô thị được đặt trong tay những trọc phú và người nắm quyền lực chứ không phải là những chủ nhân đúng nghĩa - người dân.

Một lịch sử của đốn hạ và đổ nát đang diễn ra vào thời kỳ này, nhân danh phát triển. Một tuyến metro thuận lợi cho người dân đi lại trong tương lai lẽ ra sẽ biết cách tôn trọng khoảng xanh, nếu những nhà thiết kế thông minh và ý tứ coi trọng môi trường. Một cao ốc 40 tầng lẽ ra sẽ là một biểu tượng vô giá nếu như biết cách tránh can thiệp vào vùng lõi di sản trung tâm để quá khứ và tương lai, kinh tế và văn hóa không triệt tiêu nhau trong một đô thị phát triển. Tương lai sẽ không quét sạch quá khứ nếu những người nắm giữ vận mệnh đô thị hiện tại biết kiến tạo nhịp cầu nối kết những giá trị bền vững xuyên thời gian.

Lịch sử của đốn hạ và đổ nát, đau đớn thay, đang trở thành bình thường. Người ta đau không thèm la, buồn không thèm than thở, xót không thèm chia sẻ, giận không thèm phản kháng. Vì người ta luôn biết mình bị đặt vào một trò chơi bất bình đẳng, mọi phản ứng không thay đổi được cục diện (nếu có, tốn trăm bút mực cũng chỉ giữ lại một bộ thảm gạch cũ rồi đây biết đâu sẽ chỏi nhịp chua chát trong một cao ốc hiện đại phủ kiếng!).

Bóng dáng của di sản, số phận của di sản rốt cuộc chỉ còn lại trong những bức ảnh ố vàng màu thời gian và nhạt phai dần trong tâm trí từng thế hệ thị dân. Lịch sử của đổ nát và đốn hạ, khốn thay, đâu chỉ nằm trong đống xà bần hay gỗ xẻ ngổn ngang kia, mà nằm ngay trong mỗi lòng người đắc tội với quá khứ, đầu hàng trước thực tại, day dứt, vô hồn bước về phía tương lai.

Khi đổ nát, đốn hạ đã được nhào nặn thành quen trong lòng dân chúng, đó sẽ là thời cơ để những hành xử máy móc, trọc phú tiếp tục cào xé lịch sử ra bán ve chai, đục khoét di sản đổi lấy phát triển hào nhoáng, không cần phải đắn đo, toan tính hay tự vấn.

Khi những kho tàng sổ địa bạ cũ - tiểu sử của những di sản vật thể giúp nối kết với quá khứ đã bị đốt cháy hay bị phù phép thay tên đổi chủ, thì việc đốn hạ một cái cây lâu năm hay ngôi nhà cổ đâu còn là chuyện lớn!

Nguyễn Vĩnh Nguyên

 

» Xót xa không gian công cộng

» TP.HCM: Điều tra vụ nhiều cây xanh bị đầu độc

» Nghe lá rơi dưới chân mình

» Tài sản quốc gia: của ai, vì ai?

» Chặt cây đường Tôn Đức Thắng: Cây xanh là di sản, không thể đốn bừa

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.