mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Đi tìm mùa xuân

 09:14 | Thứ năm, 15/02/2018  0
Lịch làm việc sang năm 2018 của tôi gần kín, vẫn chưa thấy thời giờ dành cho việc tôi thích là viết truyện. Những dự án “làm dâu trăm họ” kia, cần “cảm xúc theo đơn đặt hàng” buộc tôi phải tìm xem khán giả muốn gì, nhất là những khán giả có khả năng mua vé vào xem. Bỗng nhớ thế kỷ trước, một tờ báo đặt viết bài cho Tết, tôi chọn tựa Đi tìm người yêu, xem khán/độc giả như tri âm với mình. Bài bị chê buồn, trôi dạt qua nhiều báo, đến lúc in được thì chủ bút bị kiểm điểm và sau đó phải viết thư xin lỗi độc giả vì đã “lỡ” phổ biến một bài đầy tiêu cực cho thấy chúng ta không hề có tự do sáng tác!

1. Đã có một thời, để khán giả đừng thụ động, chúng tôi bày trò cho người xem được tham gia vở diễn, thay đổi những đoạn kết “vô hậu” thành “có hậu” với mong ước ngoài đời họ cũng bày tỏ thái độ sống tích cực với ý thức phản biện hơn.

Giờ thì các game show bùng nổ, như Andy Warhol đã tiên đoán vào năm 1968: “Trong tương lai, mọi người sẽ nổi tiếng trong 15 phút” (In the future, everyone will be famous for 15 minutes). Quả vậy, giờ chỉ một cái nhấp chuột, từ các ngôi sao đến các khán giả vô danh có thể không cần tới 15 phút để được nổi tiếng, bất chấp tiếng thơm hay tai tiếng. Quần chúng vô danh không chỉ có dịp chường mặt với đời trong phần diễn mà còn có cách thể hiện mình trong những trận mưa lời khen hay ném đá cho ai đó mà họ quan tâm.

Các sáng tác vẫn chưa được tự do hoàn toàn, nay lại thêm vòng kim cô lợi nhuận của đồng tiền định hướng khiến thị hiếu người xem bị xấu đến mức báo động, mà để nâng cấp thị hiếu không phải là chuyện một sớm một chiều và vài cá nhân nào làm nổi.

Bà Phương Khanh đang tái diễn động tác kéo violon, cách đây 75 năm bà là diễn viên đầu tiên của vở kịch thơ Tục lụy

2. Trong một chuyến đi sang Toronto - Canada, tôi được gặp bà Phương Khanh, nhũ danh Văn Thị Trâm, nữ diễn viên đầu tiên của vở kịch thơ Tục lụy do Thế Lữ chuyển thể từ vở thoại kịch cùng tên của Khái Hưng.

Cụ bà năm nay đã 94 tuổi, nhưng sức khỏe ổn định và trí nhớ thì rành rọt từng bài nhạc câu thơ không những trong vở kịch thơ ấy mà còn trong những bài thơ bà cụ đọc được thuở nhỏ trong Nam Phong Tạp chí.

Vở kịch đầu tiên của Việt Nam là Chén thuốc độc của Vũ Đình Long vào năm 1921 nhưng mươi năm sau hoạt động diễn kịch vẫn mang tính cách nghiệp dư, thường bán vé với mục đích từ thiện đến độ Thế Lữ phải hô hào trên tờ Ngày nay: “Sân khấu phải là một mỹ đài để cho người nghệ sĩ thi thố tài hoa. Những tài tử phải là những con cưng của toàn thể khán giả. Đi xem kịch không phải như trước chỉ để nghe vở mà còn xem cả nghệ thuật của người sắm vai”.

Phải thêm hơn chục năm nữa, nhóm kịch của Thế Lữ (đổi tên từ Tinh Hoa), lúc thăng, lúc trầm, khi Hải Phòng, lúc Hà Nội. Quanh ông có những cộng sự nổi tiếng như Đoàn Phú Tứ, Lê Thương (tác giả ba bài Hòn Vọng phu), Vũ Đình Liên (tác giả bài thơ Ông đồ)...; trang trí được chăm chút bởi hai họa sĩ nổi tiếng là Tô Ngọc Vân và Lê Thị Lựu.

Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, Pháp tăng cường kiểm duyệt, nhóm kịch bị theo dõi, Thế Lữ phải về sống nhờ với Thạch Lam trong căn nhà tranh ven Hồ Tây. Đến năm 1942, ông đi cầm miếng đất của mẹ cho được 500 đồng, góp vốn với bốn “chiến hữu” nữa, để có một ban kịch chuyên nghiệp lần đầu tiên ấn định mức thù lao cho tác giả, diễn viên và các thành viên khác.

Tục lụy là vở kịch đầu tiên ra mắt mùa kịch 1942-1943. Gia đình bà Phương Khanh gốc miền Nam, ông nội Văn Đức Ngôn, chủ một nhà máy làm diêm hộp. Ở trong căn biệt thự đường Cổ Ngư (sau này thành Đại sứ quán Tiệp Khắc) từ bé, bà đã được học violon song song với học chữ. Khi chị của bà là Kim Bình kết hôn với nhạc sĩ Mai Văn Chung, chị xin mẹ cho bà lúc đó 14 tuổi được tham gia dàn nhạc của chồng mình. Nhạc trưởng nói với mọi người là “con bé ấy chắc nhịp, bọn Tây thua hết”.

Lưu Hữu Phước phổ nhạc cho Tục lụy, chỉ huy dàn nhạc là Nguyễn Xuân Khoát và Mai Văn Chung. Sau khi thử vai nhiều người, đạo diễn Thế Lữ xin chuyển cô nhạc công lên sàn diễn đóng vai chánh Nhã Tiên cùng với Diễm Tiên và Thi Tiên là Kim Bình và Kiều Vinh, một hoa khôi đất Hà thành bấy giờ.

Ở tuổi này, bà vẫn khảy mandolin cho tôi nghe và múa hát những lời thơ nhạc cách đây 75 năm. Ông đã mất, nhưng ánh mắt lấp lánh khi kể lại mối tình độc nhất đời mình, cho thấy dường như trong bà vẫn còn nguyên vẹn những tình cảm của “thuở ban đầu lưu luyến” ấy.

Ông cũng là con nhà thế gia, mẹ là ái nữ của một bà phi của vua Khải Định. Hai bà mẹ biết nhau nhưng mãi đến khi bà là diễn viên, ông chen mua vé, rách đến hai cái áo sơ mi, chỉ mua được vé 5 đồng, ngồi tít sau cùng, ông nhờ mẹ mình sang gặp mẹ bà, xin phép cho được tìm hiểu nhau, hai bà mẹ cho phép họ đi chơi riêng, mới thật sự là biết mặt. Bà bảo đã đi đàn, đi diễn cho bao khán giả rồi, nhưng đi cạnh nhau vẫn còn run lắm cơ, tay không dám nắm, chỉ nhớ là chẳng được đi lâu, đúng mấy khắc giờ là phải cùng về. 

Các sáng tác vẫn chưa được tự do hoàn toàn, nay lại thêm vòng kim cô lợi nhuận của đồng tiền định hướng khiến thị hiếu người xem bị xấu đến mức báo động, mà để nâng cấp thị hiếu không phải là chuyện một sớm một chiều và vài cá nhân làm nổi.

3. Lập gia đình khi “Em vừa 18”, chia tay nghề đàn lẫn nghiệp diễn, cô diễn viên Phương Khanh không tham gia các vở sau của ban kịch Thế Lữ như Khóc lên tiếng cười, Lọ vàng, Đồng bệnh (của Khái Hưng) và những vở của Vi Huyền Đắc như Kim tiền, Ông Ký Cóp, Kinh Kha, Lệ Chi Viên. Cô không chứng kiến vở Kinh Kha lấy đề tài Tần xâm lược Yên bị cấm sau đêm ra mắt, đoạn kết vở Kim tiền có cảnh công nhân nổi dậy chống chủ bị cắt bỏ. Cô cũng không cùng với ban kịch từ chối diễn những vở kịch tuyên truyền do chính quyền đưa xuống và nói “Không” với việc Pháp đòi treo hình thống chế Pétain trên sân khấu.

Ban kịch Thế Lữ tan rã trong lặng lẽ, miếng đất nhà vĩnh viễn không chuộc lại được nhưng đó vẫn là ban kịch chuyên nghiệp của tư nhân đầu tiên quy tụ được nhiều văn nhân và nghệ sĩ có danh tiếng và trình độ cao.

4. Tìm ở đâu, mùa xuân, nếu trong mình tắt ngúm thanh xuân? Tôi nên nói “Không” với những gì để còn dành thời giờ sáng tác cho mình khi đã ở cái tuổi mà lợi danh nhẹ hơn bụi mỏng.

Không về xem được Tiên Nga do một nhóm tư nhân trong nước đổ tiền, tài, tâm ra thực hiện, nhưng nghe được nhiều phản hồi tích cực, vẫn nghe ấm áp lắm dù đang là ngày lạnh nhất trong năm. Nhớ mấy năm trước, Thành Lộc, Đức Trí và tôi gặp nhau ở Sài Gòn, tôi vừa đóng vai Sương Nguyệt Anh lúc bị mật thám Pháp cấm tờ Nữ giới chung xong, mới đưa được vài câu của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vào Nhà hát Thành phố, chỉ ước gì tụi mình kéo được ít nhiều khán giả trẻ đến rạp để xem vở xong, họ bớt thờ ơ với cuộc sống chung quanh. Rồi lúc viết, hai chữ Biển Đông bật ra mà không hề ý thức.

Tác giả trong một chuyến thăm bà Phương Khanh ở Canada

5. Vẫn còn là một soạn giả được một số nhà sản xuất tin tưởng, tôi không thể không xem và tham khảo nhiều phim, sách gợi cảm hứng cho mình.

Những ngày cuối năm, tôi chọn trúng hai bộ phim viết về tuổi học trò nhưng nhắc nhiều đến cái chết. Phim Andante của Hàn có nhân vật chánh mang tên Kim Bom (Bom là mùa Xuân trong tiếng Hàn) bị ung thư. Lớp học có giờ Chuẩn bị cái chết bằng cách cho học sinh nằm trong quan tài với “di ảnh” của mình, nghĩ xem mình cần gặp ai trong phút cuối này, cùng chọn câu ghi trên bia mộ mình.

Kim Bom còn xin làm nhân vật chánh trong trò tổ chức lễ tang giả tưởng để chia tay trong tiếng cười với các bạn cùng lớp. Phim kia là 13 Reason Why của Mỹ - chắc nhiều bạn trẻ có xem. Trước khi tự tử ở tuổi 17, Hannah để lại 13 cuốn băng cho 13 người mà cô cho là có tác động ít nhiều tới quyết định của mình. Bộ phim gây nhiều tranh cãi vì có nhiều cảnh gây sốc.

Điều thú vị là Selena Gomez được mời làm vai chánh nhưng cô gái 25 tuổi này đã chuyển sang làm nhà sản xuất chánh để nhường cho tân binh Katherine Langford, 21 tuổi. Phần tôi, khi đi tìm, tôi nhận ra vấn đề không phải ở số tuổi ít nhiều. Hy vọng rằng trong những ngày sắp tới, tôi sẽ được làm việc với những tâm hồn xanh ngát thanh xuân, bất chấp tuổi đời mấy lần “Em chưa 18” để chúng ta không phải vất vả đi tìm. 

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Minh Ngọc

(Austin, Texas (Hoa Kỳ) -2018)

(Bài viết đăng trên giai phẩm Người Đô Thị Tết Mậu Tuất 2018)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.