Khi phát hiện gan có tổn thương, tùy theo mức độ và nguyên nhân gây ra tổn thương và diễn tiến của nguyên nhân này, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp.
Thứ nhất là lối sống. Đôi khi chúng ta phải thay đổi như: những người uống bia rượu cần ngưng bia rượu, những người sử dụng thuốc có ảnh hưởng gan phải có những thuốc hỗ trợ giảm bớt nguy hại do thuốc gây ra, những người bị viêm gan cần sử dụng thuốc đặc trị cho virus.
Thứ hai, cần có tiến trình ăn uống, dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi để làm chậm diễn tiến bệnh. Có một số bệnh gan mạn tính không thể ngăn chặn được, nhưng có một số trường hợp có thể giúp ngưng tiến triển bệnh, hay diễn tiến chậm.
Người bệnh cần làm đúng chỉ dẫn của bác sĩ gan mật về sử dụng thuốc, dinh dưỡng, lối sống và tập luyện để bảo vệ gan tốt nhất khi bị tổn thương.
Gan lúc đầu còn tốt, hoạt động mạnh, có thể tái tạo tốt. Nhưng một khi đã bị tổn thương nhiều, hư hại nhiều, khả năng tái tạo không còn nữa thì lúc đó dẫn đến tình trạng xơ hóa. Lúc này vai trò của bác sĩ là làm sao bảo vệ những phần không xơ, đừng để gan xơ thêm nữa, phần đã xơ không để nặng hơn và gây biến chứng nguy hiểm.
Chúng ta không nên chủ quan gan có thể tái tạo mà ỷ y, thờ ơ với lá gan. Bởi chính vì nếu gan hoạt động quá nhiều sẽ dẫn đến những tổn thương không thể thoái lui như xơ gan, ung thư gan.
TS-BS. Lê Thị Tuyết Phượng
(Trưởng khoa Nội tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nhân dân 115)