mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Dấu hiệu cảnh báo trẻ nhiễm Covid-19 chuyển nặng

 17:27 | Thứ năm, 09/09/2021  0
“Con trai tôi 9 tuổi bị mắc Covid-19 nhưng được y tế cho điều trị tại nhà. Thường thì trẻ bị bệnh Covid-19 trong bao nhiêu ngày? Các dấu hiệu cảnh báo bệnh của trẻ trở nặng là gì?” - Hoàng Anh (TP.HCM) 

Khi để trẻ điều trị tại nhà, nghĩa là trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ, nó sẽ giống như cảm cúm thông thường, do đó không cần quá lo lắng. Chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ diễn tiến nặng, cha mẹ cần biết triệu chứng để theo dõi. Đặc biệt, nên chú ý dinh dưỡng, uống đủ nước và tâm lý của trẻ.

Khác với người lớn, khi trẻ bị nhiễm Covid-19 cho dù không triệu chứng, nhưng sau 2-6 tuần sẽ gặp hội chứng tổn thương đa cơ quan, biểu hiện bao gồm: sốt 3 ngày trở lên, đỏ mắt, rát ở da, khó thở, thở mệt, tiêu chảy, đau bụng, tay chân lạnh,… Do sau giai đoạn nhiễm Covid-19, cơ thể trẻ đáp ứng với tình trạng trên bằng cách tăng tình trạng viêm, tăng cytokine và gây tổn thương các cơ quan. 

Ảnh minh họa: TL


Khi đưa vào bệnh viện, bác sĩ sẽ chẩn đoán dễ dàng và hiện hầu hết trẻ khi điều trị đều đáp ứng với việc sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nặng phải điều trị ECMO do đến trễ. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng nguy hiểm, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Giai đoạn nặng ở trẻ cũng giống như người lớn thường là 5-10 ngày khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Triệu chứng trẻ chuyển nặng cần lưu ý đó là đo SpO2 thấy chỉ số nằm ở ngưỡng 93-95%, đặc biệt dưới 93% và có các biểu hiện nặng như tím tái, thở co lõm lồng ngực, thở gắng sức, mệt mỏi.

Hiện, có khoảng 15.000 trẻ F0, nhưng đa phần đều được chăm sóc ở nhà hoặc tại cơ sở tập trung, các bệnh viện tầng 2, tỷ lệ tầng 3 chỉ hơn 10 trẻ. Ở người lớn sẽ có các gói thuốc A, B, C, nhưng ở trẻ em không có nhiều gói thuốc chia như vậy.

Thuốc ở trẻ em cần chuẩn bị giống như gói thuốc A là thuốc hạ sốt (sử dụng tùy theo cân nặng mỗi trẻ), vitamin, bổ sung vitamin D để phòng thiếu hụt,…

Ngoài ra, tôi không khuyến khích sử dụng gói thuốc B tại nhà vì kháng đông bằng đường uống được chống chỉ định ở trẻ em dưới 18 tuổi, kháng viêm cũng vậy. Tất cả các thuốc này phải được sử dụng và theo dõi của bác sĩ.

Hiện, các bệnh viện Nhi không quá tải, do đó khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, khó thở, đo SpO2 giảm dưới 95% thì phụ huynh nên đưa trẻ tới bệnh viện.

Cần nói thêm, thừa cân, béo phì là một nỗi lo lớn nếu trẻ chẳng may nhiễm SARS-CoV-2. Hiện, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều trẻ bị thừa cân, ví dụ 10 tuổi đã nặng 100 cân, thậm chí 6, 7 tuổi đã đạt 40 cân. Những trẻ này khi nhiễm bệnh sẽ có dấu hiệu tổn thương phổi nặng.

Do đó, khi chăm sóc trẻ, quan trọng nhất là phụ huynh phải theo dõi trẻ kỹ và cận thận hơn. Nếu thấy con khó thở, than mệt, vã mồ hôi, thở gắng sức,… thì nên đưa đến bệnh viện khám. Bên cạnh đó, để làm giảm nguy cơ huyết khối cho trẻ thì cha mẹ nên cho con vận động thay vì nằm một chỗ quá lâu như đi bộ trong nhà, tập ngồi nên đứng xuống. Ngoài ra, cũng cần uống nhiều nước để không cô đặc máu

PGS-TS-BS. Phùng Nguyễn Thế Nguyên

(Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1; Phụ trách Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.