Vở diễn khoảng 45 phút, dẫn người xem qua các chương (giá): Chầu Đệ Nhị, Ông Hoàng Mười, Cô Bé Thượng Ngàn; cùng không gian sắp đặt ấn tượng với các tác phẩm vàng mã dân gian như ngựa giấy, voi giấy được thực hiện bởi các nghệ nhân có gia đình ba đời làm vàng mã của đồng bằng Bắc Bộ.
![]() |
|||||
Đạo diễn Việt Tú |
Đạo diễn Việt Tú, người có vẻ rất mát tay với việc đạo diễn sân khấu giải trí có một bước ngoặt đột ngột trong sự nghiệp của mình khi anh dành ba năm tìm hiểu và lên ý tưởng dàn dựng chương trình Tứ Phủ, vừa tôn vinh nét đẹp của nghệ thuật dân tộc, vừa hướng đến phục vụ du khách. Việt Tú đã có buổi trò chuyện với Người Đô Thị nhân dịp lần đầu tiên Tứ Phủ được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Bến Thành, TP.HCM vào tháng 9.
Là một đạo diễn sân khấu cho các chương trình giải trí, ca nhạc, vì sao anh quyết định thực hiện vở hầu đồng Tứ Phủ mang đậm màu sắc tín ngưỡng, văn hóa dân gian; đi giữa những lằn ranh nhận định là tín ngưỡng, tập tục và những gì gọi là mê tín dị đoan?
Không chỉ bạn mà nhiều đồng nghiệp của tôi đã rất ngạc nhiên khi tôi đang từ một người có vẻ rất thời đại trong ngành giải trí lại có một “bước ngoặt” đột ngột như vậy, tuy nhiên sáng tạo một vở diễn như Tứ Phủ là mong muốn của tôi đã lâu, nghệ thuật dân tộc luôn chảy trong con người tôi, và tôi cho rằng thiếu đi nền tảng văn hóa dân tộc chúng ta sẽ không là ai cả trong thế giới phẳng này. Bên cạnh đó mỗi khi đến Hà Nội hay Việt Nam, thứ phổ biến nhất mà du khách quốc tế có thể xem chỉ là... rối nước và rối nước. Ai cũng muốn làm những thứ có sẵn và an toàn về mô hình thu hút du khách. Tôi quyết định thực hiện Tứ Phủ vì không muốn lặp lại và càng không muốn du khách hiểu lầm rằng Việt Nam chỉ có mỗi rối nước là độc đáo. Về “lằn ranh” mà bạn hỏi tôi cho rằng không có lằn ranh nào cả, về mặt bản chất bất kỳ tôn giáo nào cũng dạy người ta điều đúng, sống lương thiện, và cầu nguyện cho những điều tốt lành, không thể đánh đồng các cá nhân lợi dụng tôn giáo để trục lợi cho bản thân và tuyên truyền mê tín dị đoan ảnh hưởng đến tôn giáo. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đệ trình nghi lễ thờ Mẫu của người Việt lên UNESCO để xét duyệt trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Anh cho rằng, về mặt tâm linh, mình là “người được chọn” để thực hiện Tứ Phủ. Cảm nhận về sự “được chọn” này cụ thể như thế nào?
Tứ Phủ đặc biệt hơn tất cả mọi dự án nghệ thuật tôi đã thực hiện từ trước đến nay, vì đây là một dự án nghệ thuật dân tộc mang tính giải trí nhưng lại bắt nguồn từ yếu tố tâm linh. Sân khấu lên đồng làm sao phải hay, phải hấp dẫn nhưng không được phép phạm vào những điều cơ bản của tôn giáo chỉ để đạt được những yếu tố đó. Nói tôi “được chọn” bởi trước tôi không phải không có người tìm cách đưa lên đồng lên sân khấu thậm chí là rất nhiều, nhưng chỉ cho đến khi Tứ Phủ xuất hiện thì người ta mới công nhận rằng có một vở diễn được lấy cảm hứng từ nghi lễ lên đồng trong đạo Mẫu giải quyết được tất cả các vấn đề từ sự nguyên bản của nghi lễ tâm linh, cho tới yếu tố hấp dẫn cần có của một tác phẩm giải trí mà không phạm phải những điều không được phép.
Trong ba năm toàn tâm toàn ý nghiên cứu hầu đồng, đạo Mẫu, anh đã nghiên cứu những gì để chuẩn bị cho sự xuất hiện Tứ Phủ?
Không phải tự nhiên tôi nói rằng mình “được chọn”. Trước khi đi đến quyết định thực hiện Tứ Phủ, tôi hoàn toàn là người ngoại đạo, hoàn toàn không có chút kiến thức nào về nghi lễ và cũng không bao giờ nghĩ mình có thể thực hiện được dự án này. Về sự nghiên cứu, tôi luôn đề cao tính thực tế nên trong suốt ba năm tôi luôn cố gắng tìm đến các đồng thầy, các thanh đồng lâu năm, các nghệ nhân dân gian để tìm hiểu và được chỉ dạy. Với một buổi lên đồng từ xa xưa cho đến ngày nay người ta cầu xin nhiều thứ, chứ không chỉ là cầu mưa thuận gió hòa. Như tôi đã nói, ai dựa vào tôn giáo để trục lợi cá nhân người đó tự chịu trách nhiệm, mà trách nhiệm đáng sợ nhất là phải trả nghiệp cho thánh, thần. Việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi không chỉ tồn tại trong đạo Mẫu mà tôn giáo nào cũng có và nó xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Xem trình diễn trên sân khấu và phần sắp đặt ở sảnh trưng bày có thể nhận ra sự chăm chút cho từng khâu. Anh đã dụng công như thế nào cho âm nhạc, trang trí sân khấu, cảnh trí, phần biểu diễn hình thể, trang phục?
Tôi quan niệm thế này: nhìn ra xung quanh, ví dụ nước Nhật, từ những thứ nhỏ bé như là uống trà chẳng hạn mà người ta còn có thể biến được thành một thứ đạo (trà đạo), trong khi dân tộc chúng ta có rất nhiều điều tuyệt vời nhưng lại không được chăm chút, vì vậy tôi đem quan điểm của mình vào cách dàn dựng Tứ Phủ. Như bạn thấy trong suốt gần 10 phút của phần đầu tiên, hai người hầu dâng trang nghiêm lên xuống đều tăm tắp trên sân khấu tạo ra cảm xúc cho người xem, nhưng đằng sau đó là hàng trăm chi tiết phải nhớ, tập đi tập lại ba tháng trời chỉ cho riêng 10 phút, ngay cả các hầu dâng ở điện phủ khi đến xem ra về họ nói rằng họ sẽ điều chỉnh cung cách để phần khăn áo được trang nghiêm hơn. Hay bộ vàng mã trang trí ngoài sảnh, tôi không chấp nhận bất kỳ vật liệu hay cách làm nào không phải nguồn gốc dân gian, ngay cả khi người thực hiện là một nghệ nhân đã rất có kinh nghiệm. Về phần diễn viên chính, cái khó của tôi không phải là chỉ cho họ diễn, mà làm cho họ hiểu quan điểm khác biệt của mình, vì nhiều yếu tố đa phần những diễn viên khi biểu diễn lên đồng hay bị lẫn giữa phần vũ đạo hiện đại với phần vũ đạo dân tộc, đặc biệt là bộ chân, có rất nhiều động tác vũ đạo nếu nhìn kỹ không khác gì điệu rumba, hay cha cha cha, đó là sự ảnh hưởng vô thức, nếu sơ sài thì sự khác biệt đó không lớn, nhưng nếu kỹ càng chi tiết này vô cùng quan trọng, vì nếu sai ở điểm này là sai về cơ bản.
Thuyết phục các diễn viên, nghệ sĩ tham gia vở diễn có khó không, đặc biệt là với nữ diễn viên chính?
Thuyết phục họ tham gia vở diễn không khó, nhưng thuyết phục họ từ bỏ những thói quen xưa cũ hàng chục năm đã ăn sâu vào máu, trở thành thói quen diễn xuất của mình mới là thách thức. Các diễn viên tham gia Tứ Phủ trước đó đã từng biểu diễn không biết bao nhiêu buổi về lên đồng, chầu văn, giờ đây phải tập lại từ đầu một thứ họ cho rằng đã biết quá rõ giống như một cực hình vậy. Hàng trăm câu hỏi, không biết bao nhiêu lần phản ứng, tại sao lại phải làm như vậy, ngay cả điện phủ cũng có cần phải kỹ hay chi ly như vậy đâu. Từng chi tiết nhỏ, sai một chút là tập lại quần quật, có nhiều lúc muốn cho diễn viên được nghỉ ngơi về sớm, cố tình nhắm mắt lại không nhìn họ tập, nhưng khi mở mắt ra thấy sai một chi tiết lại cắn răng tập lại, một năm trời cho chỉ bốn mươi lăm phút. Tới giờ phút này tôi thực sự biết ơn, họ đã làm được một việc ý nghĩa đó là vì tin vào triết lý của tôi mà thay đổi bản thân, bỏ qua cái tôi của những nghệ sĩ kinh nghiệm để cùng hợp tác và có được vở diễn Tứ Phủ như hôm nay.
Từ trái: Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier, nhà thiết kế thời trang Kenzo, đạo diễn Việt Tú sau một buổi diễn ở Hà Nội
Trong suốt thời gian qua, Tứ Phủ đã được khen ngợi, được diễn thường xuyên ở Hà Nội, nhưng đọng lại, đâu là điều khó khăn của anh với dự án này?
Khó khăn nhất của tôi với dự án này sau khi đã vượt qua cửa ải nghệ thuật chính là thuyết phục được các đại lý tour du lịch đưa khách đến xem. Có dấn thân vào làm mới có kinh nghiệm, tôi thấy sự sáng tạo, dám làm không chỉ cần thiết trong nghệ thuật mà cần thiết ở bất kỳ công việc nào. Trong suốt một năm qua tiếp xúc với các đại lý du lịch, tôi phát hiện ra rằng tâm lý đám đông tồn tại ở mọi lúc mọi nơi, dân làm du lịch vẫn hay nói rằng họ thực sự thiếu những sản phẩm văn hóa dân tộc để lựa chọn cho khách du lịch khi đến Hà Nội, Việt Nam, nhưng khi có sản phẩm mới tâm lý “cơm tối, rối nước” cho an toàn đã dẫn đến việc du khách đôi khi trở lại lần thứ hai vẫn không có cái mới để xem, chỉ đến khi một vài đại lý lớn đưa khách tới, tình hình mới thay đổi.
Vì sao anh chọn ba chương (giá) này trong tổng số 36 giá của nghi thức lên đồng để đưa vào Tứ Phủ?
Ba giá tôi chọn dựa trên sự tư vấn của các thanh đồng có kinh nghiệm, mang ba sắc thái khác nhau. Giá Chầu Đệ Nhị mở màn khăn áo lộng lẫy, tinh tế, trang phục đẹp. Giá Ông Hoàng Mười, đàn hay, hát hay, lãng mạn. Giá Cô Bé Thượng Ngàn tưng bừng, rực rỡ tràn ngập cánh hoa hồng và lộc tán tạo ra sự ngạc nhiên thích thú và sự tương tác với khán giả, ai về cũng có lộc mang theo. Sau này khi dựng tiếp tục các phần tiếp của Tứ Phủ, tôi cũng sẽ chọn lựa các giá theo nguyên tắc này.
Trâm Anh
Ảnh: Nhà hát Việt cung cấp