mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Dân chủ tín thác

 03:48 | Thứ hai, 12/03/2018  0
Việc tước giải đã trao cho bà Aung San Suu Kyi oan hay không oan hãy khoan bàn tới, chỉ bằng hành động này, những giải thưởng đó đã chứng minh tính nghiêm khắc của nó, rằng tôi luôn dõi theo bạn, rằng giải thưởng chúng tôi trao cho bạn là sự tín thác của chúng tôi đặt lên cả sự nghiệp của bạn, chúng tôi gửi gắm hy vọng vào bạn và mong bạn không có bất kỳ hành động nào gây thất vọng.

Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters

Viện bảo tàng US Holocaust Memorial Museum hôm thứ Tư (7.3) ra thông báo rút lại giải thưởng Elie Wiesel Award trao cho bà Aung San Suu Kyi hồi năm 2012, với lý do bà Suu Kyi đã không có tiếng nói mạnh mẽ trước sự ngược đãi người Rohingya của chính quyền Miến Điện.

Thông báo được đưa ra trước ngày Quốc tế Phụ nữ chứng tỏ trong địa hạt của đấu tranh cho nhân quyền không có chỗ cho sự kiêng nể và ánh hào quang sáng trên đầu nhà đấu tranh dân chủ không phải được thấp bằng năng lượng vĩnh cửu.

Từng một thời là con cưng của cộng đồng đấu tranh nhân quyền quốc tế, nhận vô số giải thưởng danh giá, trong đó có giải Nobel Hòa Bình. Trong cảnh giam cầm, bà Suu Kyi đã cho thế giới thấy sức mạnh của sự đấu tranh bền bỉ để mang đến sự tự do cho quê hương Miến Điện của bà. Nhưng khi bắt đầu nhận lại quyền lực với chức Cố vấn nhà nước (quyền ngang với Thủ tướng) dường như bà càng lúc càng mất điểm trong mắt những người từng tung hô mình.

Năm ngoái, thành phố Oxford tước mất giải thưởng Freedom of the City trao cho bà hồi năm 1997. Và tương lai, có lẽ sẽ có thêm những ủy ban trong quá khứ từng trao giải thưởng cho bà tuyên bố lấy lại. “Kẹo không dành cho trẻ hư”.

Không ít trường hợp trong lịch sử thế giới đã chứng minh, anh hùng dân tộc ban đầu có thể trở thành kẻ độc tài ngay sau đó. Quyền lực đôi khi thể hiện được sức mạnh tha hóa con người của nó và giải thưởng, ánh hào quang, những ưu đãi chỉ là khoảnh khắc tôn vinh con người, nó chỉ đạt đến tính trường cửu chừng nào người được tưởng thưởng cố gắng dùng phần đời còn lại để chứng tỏ mình xứng đáng hưởng được nó.

Cái quan định luận là đúng trong trường hợp này, nhưng đồng thời nó cũng thể hiện sự bạc bẽo của mình. Trên thực tế, các giải thưởng nhân quyền đã góp phần khuếch vang tiếng nói của những nhà đấu tranh dân chủ, đó là nguồn trợ lực để họ biến những lý thuyết đấu tranh của mình trở thành hành động hiện thực khi họ có quyền lực để chứng tỏ lý thuyết ấy.

Việc tước giải đã trao cho bà Suu Kyi oan hay không oan hãy khoan bàn tới, chỉ bằng hành động này, những giải thưởng đó đã chứng minh tính nghiêm khắc của nó, rằng tôi luôn dõi theo bạn, rằng giải thưởng chúng tôi trao cho bạn là sự tín thác của chúng tôi đặt lên cả sự nghiệp của bạn, chúng tôi gửi gắm hy vọng vào bạn và mong bạn không có bất kỳ hành động nào gây thất vọng.

Aung San Suu Kyi vẫn sẽ là tiếng nói đấu tranh ôn nhu mà mạnh mẽ của thế kỷ qua trước những áp lực của cường quyền, nhưng giờ bà không còn là kẻ bị giam lỏng với những tư tưởng tiến bộ, bà đã có quyền lực và thế giới, nhất là người dân Miến Điện trông chờ bà sử dụng quyền lực ấy thế nào.

Huỳnh Trọng Khang

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.