Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.
Trong phiên chất vấn Thủ tướng chiều 18.11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh, nhũng nhiễu làm khó người dân và doanh nghiệp khá phổ biến.
“Cử tri có nói đường rộng cũng ăn, đường hẹp cũng ăn, cho làm cũng ăn, không cho làm cũng ăn, nhà cao cũng ăn, cắt gọn lại cũng ăn, họ vận dụng luật một cách mềm dẻo và thật hợp lý để ăn”, đại biểu Trí nói.
Cũng theo đại biểu này, Thủ tướng thì nóng bỏng quyết liệt nhưng “tình trạng trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn rất rõ, rất phổ biến ở các tỉnh thành, các bộ, ngành. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo mà Thủ tướng cam kết.
“Xin Thủ tướng cho biết những biện pháp cụ thể hữu hiệu để làm giảm, ngăn chặn được triệt để vấn nạn trên?”, đại biểu Trí đặt câu hỏi.
Trước đại biểu Trí, nhiều đại biểu cũng chất vấn Thủ tướng về giải pháp xử lý tình trạng tham nhũng hiện nay. Theo đại biểu Thích Thanh Quyết, thời gian qua các cơ quan của Trung ương, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư đã quyết liệt chỉ đạo chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao, được nhân dân cả nước đánh giá cao.
“Nhưng đấy mới chỉ là phần trên còn phần dưới biến động không nhiều, nhiều khi họ hoạt động theo kiểu mới kín đáo hơn. Thực tế phần dưới mới là phần sát dân. Mới là phần gây rất nhiều bức xúc, nhũng nhiễu cho dân, bởi vì các cụ hay nói quan tham, lại nhũng, có nghĩa là quan thì tham, lại phải nhũng”, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.
Đại biểu đã đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp nào mang tính đột biến, mang tính tổng hợp để chống tiêu cực, tham nhũng đang nghiêm trọng đe dọa đến sự tồn vong của chế độ ta hiện nay.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng chất vấn Thủ tướng về những vụ đại án liên quan đến tham nhũng, buôn lậu, cờ bạc, đặc biệt lạm dụng quyền lực thời gian qua tuy đã được phát hiện nhưng chậm xử lý hoặc xử lý không nghiêm. Phải chăng có vùng cấm đối với các đối tượng liên quan đến các vụ án này.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước ta không cho phép "chìm xuồng" các vụ án tham nhũng tiêu cực, cờ gian, bạc lận hay những hiện tượng nhân dân lên án.
“Chúng tôi cũng nói rằng không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải công khai kết quả trước Quốc hội trước khi kết quả xử lý nhất là vụ án đã được xử”, Thủ tướng nói.
Về giải pháp để ngăn chặn vấn nạn tham nhũng, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng, làm sao tinh thần “không thể, không nên và không có” tham nhũng.
Bên cạnh việc giáo dục cán bộ, công chức, giám sát việc tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trước hết là các cơ quan trung ương, các cơ quan ở địa phương cần làm gương mạnh mẽ vấn đề này.
“Chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội, Trung ương là lần này chúng ta phải tính toán việc xem xét, nâng lương cho cán bộ, công chức. Đây là cũng biện pháp cần thiết trong tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra”, Thủ tướng nói. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực.
Trước đó báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận...
Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cho biết thời gian tới Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch. Trong nội dung này, Chính phủ xác định đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Chính phủ cũng sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm...
N.Mạnh