Theo thông tin từ Hội Chữ Thập Đỏ (CTĐ) Quảng Bình, trong trận lũ lụt tuần qua, toàn tỉnh đã có 22 người chết và mất tích, 77.504 hộ bị ngập lũ, 59 hộ và 4 phòng học Trường Mầm Non Võ Ninh bị tốc mái.
Riêng huyện Quảng Ninh có 8.100 nhà, 34 phòng học bị ngập gây hư hỏng nhiều trang thiết bị, 1 trạm y tế (xã Lương Ninh) bị ngập nặng. Hàng nghìn người dân vẫn đang thiếu thốn lương thực, nước sạch và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Nhu yếu phẩm cứu đói hiện là ưu tiên số 1 đối với người dân vùng lũ miền Trung. Ảnh minh họa: Zing
Anh Cầu - PCT Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình - Phụ trách điều tiết các chương trình cứu trợ nhân đạo của Hội cho biết: hiện nay việc tiếp cận để cứu trợ các điểm thiệt hại nặng còn rất khó khăn. Anh thông tin: để an toàn tuyệt đối thì từ thứ ba,18.10, các đoàn có thể đến thực hiện công tác cứu trợ.
Anh Cầu cũng lưu ý thêm, trong vài giờ tới 2 cơn bão Sarika và Haima mạnh cấp 13 (và dự kiến còn cao hơn thế) sẽ tiếp tục đổ bộ vào một số tỉnh miền trung. Cuộc sống của người dân nơi đây chắc chắn sẽ tiếp tục rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất vì nhà cửa và tài sản tiêu tan. Thông qua báo chí và mạng xã hội, được biết nhiều tổ chức cá nhân trong nước đang có nhiều hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bị lũ ở miền Trung. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực trong thời điểm này.
Theo anh Cầu, cứu trợ khẩn cấp là rất cần thiết, nhưng rất cần quan tâm lưu ý cách sắp xếp vận chuyển, trao tặng hàng cứu trợ sao khoa học, kỷ luật, hiệu quả. Các nội dung dưới đây là những điều thực sự cần chia sẻ lúc này, khi các đoàn cứu trợ tập thể và cá nhân sắp sửa khởi hành đến vùng vừa bị thiệt hại nặng nề do lũ.
Nội dung cứu trợ trước mắt:
Nhu yếu phẩm cứu đói hiện là ưu tiên số 1. Gạo, mì, lương khô là các mặt hàng hay được nghĩ đến. Nhưng cần lưu ý: các lần lũ lụt trước có thời điểm người dân vùng lũ “bội thực mì gói”. Việc nấu nướng trên nóc nhà là rất khó khăn. Các loại thực phẩm sau đây rất hữu ích trong hoàn cảnh hiện nay của bà con vùng lũ: thịt và cá đóng hộp (còn hạn sử dụng); nước sạch đóng chai 1/2 lít; viên lọc nước, bộ dụng cụ lọc nước, dầu gội diệt khuẩn. Thuốc chữa bệnh thông thường và quần áo cũng là những thứ rất có ích sau khi qua cơn đói.
Tiền mặt trao tặng các gia đình có người chết, quá nghèo khó là điều rất tốt. Nếu bên cạnh các vật phẩm được tặng như các hộ khác, các hộ này được tặng thêm 1 triệu tiền mặt sẽ giúp họ xoay sở tốt hơn.
Lúc này cũng rất cần sự trợ giúp của các đoàn y tế, thầy thuốc kết hợp trao tặng quà nhu yếu phẩm với khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh sau lũ rút. Các phương pháp phòng chống, diệt khuẩn luôn rất quan trọng. Đây là lúc cần đến sự hỗ trợ thiết thực của các đơn vị, tổ chức, nhãn hàng bảo vệ chăm sóc sức khỏe.
Đối với học sinh vùng lũ, hiện trạng lặp lại sau mỗi mùa lũ là “Dịch bỏ học”. Vì trường lớp ngập bùn lầy. Vì cặp sách, tập bút trôi theo dòng lũ. Để học sinh vùng lũ nhanh chóng được đi học trở lại, đây là lúc rất cần đến nhiều công sức của lực lượng Tình Nguyện Viên. Sơn tường, dựng cổng, đóng bàn ghế, các chương trình tiếp sức đến trường, học bổng đồng hành, tặng khẩn cấp sách vở và dụng cụ học tập.
Nội dung cứu trợ lâu dài:
Sau cứu đói và ngăn dòng bỏ học sau lũ là đến vấn đề mưu sinh. Hoa màu, trâu bò đều chết cả do lũ. Việc hỗ trợ xây nhà, cho vay vốn kinh doanh sản xuất, cấp con giống, cây giống sẽ là tối quan trọng ngay sau lũ rút. Trồng gì, nuôi gì là điều cần tư vấn của các chuyên gia và cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.
Đây là lúc các hoạt động như hội thảo bàn về kế mưu sinh, chương trình ca nhạc gây quỹ tương trợ cần đẩy nhanh tiến độ và giảm đến mức thấp nhất chi phí sản xuất để có tiền nhiều hơn cho sự cứu giúp đồng bào vùng lũ.
Phối hợp và giám sát hoạt động cứu trợ vùng lũ:
Nhà nước và xã hội đã vào cuộc chung tay cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung. Giai đoạn này cũng rất cần sự giám sát gắt gao của giới truyền thông. Nỗ lực này là nhằm răn đe, giảm thiểu đến mức thấp nhất sự tắc trách, sự ăn chặn, cắt xén chính sách cứu trợ đến từ các nguồn công và tư.
Đề cập đến việc truy cứu trách nhiệm của những đơn vị thủy điện như Hố Hô là không sai, thậm chí cần thiết. Nhưng liều lượng và cách thể hiện ngôn từ cần được xử lý đúng mức để dân chúng không bị phân tâm mà xao lãng việc cứu trợ và chia sẻ yêu thương. Nếu phải tạm ngưng vài ngày "phán xét" cũng là cách để cho sự tử tế có cơ hội phát triển.
Tại mỗi địa phương, Hội CTĐ được giao là đầu mối chính cho hoạt động cứu trợ và tổ chức này sẽ có khả năng liên kết với Đoàn, Hội tại địa phương để có thể huy động nhiều nhân sự triển khai. Tốt nhất là thông báo và phối hợp với CTĐ địa phương nếu các nhóm cá nhân muốn tự tổ chức đi cứu trợ. Các nhóm nhỏ liên kết với nhau và phối hợp với CTĐ địa phương là cách giúp giảm thiểu sự tốn kém không cần thiết về nguồn mua hàng và phương tiện vận chuyển, kể cả việc đảm bảo di chuyển an toàn cho đoàn cứu trợ. Đây là cách thiết lập các mối quan hệ xã hội tốt đẹp trên cơ sở tự nguyện cống hiến, chia sẻ yêu thương.
MC Phan Anh ủng hộ đồng bào miền Trung 500 triệu đồng
Trong hôm nay, 17.8, nam MC Phan Anh sẽ bay vào Đà Nẵng thu gom đồ rồi tặng quà bà con Quảng Bình-Hà Tĩnh trong ngày 18 và 19-10.
Trên trang cá nhân, MC Phan Anh đăng thông tin anh cùng gia đình đã chuyển 500 triệu đồng giúp đỡ đồng bào miền Trung. Mục đích của Phan Anh muốn cùng tất cả mọi người hỗ trợ khẩn cấp ít nhất 1.000 hộ dân - những xã bị thiệt hại nặng nề nhất tại 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Anh viết: “Dự kiến mỗi hộ dân 500.000 đồng, nửa cân ruốc và gói làm sạch nước. Theo thông tin các bạn phóng viên chia sẻ thì các hộ dân đã quá nghèo rồi, chẳng còn gì. Gạo đã có chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 2.000 tấn. Nên mình nghĩ cơm cũng cần đồ ăn. Ruốc là thích hợp nhất. Nhiều nơi than vụ mì gói lắm nên mình sẽ không tặng mì gói, mà chắc cũng sẽ có một số đơn vị tặng. Ngoài ra mình đang liên hệ để có thể mua được gói bột làm sạch nước, bà con chỉ cần hòa vào nước, sau 30 phút sẽ có nước sạch để dùng”.
MC Phan Anh và số tiền anh đã kêu gọi ủng hộ được
Chỉ trong một thời gian ngắn, đến sáng 17.10, số tiền MC nổi tiếng huy động được qua tài khoản của mình đã là gần 2,2 tỉ đồng. Nam MC cho hay chiều tối 17.10, anh và một vài người bạn sẽ bay đi Đà Nẵng, thu gom đồ rồi di chuyển đến tặng bà con Quảng Bình (ngày 18) - Hà Tĩnh (ngày 19), việc trao quà tối đa sẽ thực hiện ở 3 xã. Trong đợt đầu tiên, MC và những người bạn đồng hành sẽ chỉ hỗ trợ khẩn cấp cho bà con khó khăn, đợt 2 (vào đầu tháng 11), sẽ là chương trình hỗ trợ chuyên sâu đến bà con. (Theo Y.Anh - Người Lao Động)
Trần Hồng Hạnh - TT
» Lập tổ điều tra việc xả lũ tại nhà máy thủy điện Hố Hô
» Lụt ở Quảng Bình: 3 xã chìm nghỉm trong nước nhìn từ trên cao
» Quảng Bình: Lũ lịch sử làm 12 người chết và mất tích