mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Cuộc thử bút trước cổng làng văn Quốc ngữ của Ngô Tất Tố

 10:31 | Thứ sáu, 21/04/2023  0
'Cẩm Hương đình' chính là cuộc thử bút trước cổng làng văn Quốc ngữ của Ngô Tất Tố. Tác phẩm được dịch vào năm 1915 khi Ngô Tất Tố mới 21 tuổi, được Tản Đà Tu thư cục và Nghiêm Hàm Ấn quán in và phát hành tại Hà Nội vào năm 1923, cách đây tròn 100 năm.

Bộ trường thiên tiểu thuyết tái hiện không khí thời Đường

Cẩm Hương đình là một trường thiên tiểu thuyết được sáng tác từ đầu thời nhà Thanh. Câu chuyện lấy bối cảnh loạn An Sử thời Đường, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ và ước hẹn giữa tài tử và giai nhân: Trạng nguyên Chung Cảnh Kỳ và tiểu thư Cát Minh Hà. Chẳng may ước hẹn vừa xong thì gặp phải cảnh chia cắt vì quyền thần mưu hại và binh đao khói lửa.

Nhà văn, dịch giả Ngô Tất Tố.

Đây cũng là thời kỳ đầy loạn lạc, đau thương dưới triều Minh Hoàng đời nhà Đường, kể từ khi Đường Minh Hoàng cướp con dâu thứ ba là Dương Ngọc Hoàn, lấy về cung phong làm Quý Phi...

Bên cạnh đó, tác phẩm còn miêu tả đời thường của các thiên thần thi ca đời nhà Đường như “Thánh thi” Lý Bạch, “Bá thi” Đỗ Phủ và nói tới nhiều điều về đạo Phật, về hiển linh tái hiện, về thuyết luân hồi...

Lấy tình yêu làm trung tâm, lấy chiến tranh làm bối cảnh, các tình tiết trong Cẩm Hương đình dựa trên sự kiện trong chính sử, đồng thời dưới trí tượng tượng phong phú của tác giả, đã mang bóng dáng tiểu thuyết diễn nghĩa.

Câu chuyện miêu tả các sự kiện ở góc độ rất nhân văn: từ những anh hùng liều chết thủ thành, những viên quan thanh liêm, chính trực, đến những liệt nữ không tiếc thân mình vì nghĩa...

Là một tác phẩm văn học đậm chất phương Đông, dù đã thành văn và được dịch cách đây 100 năm, nhưng Cẩm Hương đình vẫn là tác phẩm đọng lại nhiều giá trị về khát vọng hạnh phúc, những giá trị sống đích thực của con người.

Dịch phẩm đầu tay của nhà văn Ngô Tất Tố

Qua Cẩm Hương đình, chữ Quốc ngữ đã được Ngô Tất Tố làm cho trở nên quyến rũ và sống động kỳ lạ. Và cũng chính từ bản dịch này, người đọc nhận ra khả năng tư duy, khả năng sử dụng ngôn ngữ Việt và thái độ của nhà văn trước cuộc đời.

Ngô Tất Tố sinh ra và lớn lên giữa buổi giao thời, khi Nho học đã hoàn toàn thất thế, chữ Quốc ngữ còn ở buổi ban đầu sơ lập, luật lệ thi cử bị nhà nước đương thời thay đổi, con đường tiến thân khi xưa không còn rộng mở. Những nho sĩ “cựu học” như ông buộc phải thay đổi, tự học hỏi, thích nghi với lối “tân học” để có thể hòa mình vào thời đại mới. 

Bản dịch Cẩm Hương đình của Ngô Tất Tố, ấn bản kỷ niệm 100 năm.


Điều thật kỳ lạ là mãi đến năm 14 tuổi Ngô Tất Tố mới biết và làm quen với chữ Quốc ngữ, thế nhưng với những gì đã thực học nơi “cửa Khổng sân Trình”, cùng “tố chất trời cho” là tự học, là không ngừng tu rèn hiểu biết, nên trên con đường muôn dặm cầm bút lập ngôn dựng nghiệp, Ngô Tất Tố đã không chỉ thích nghi, mà ông còn vững vàng trụ lại ở vị trí hàng đầu với nhiều tác gia cùng thời. 

Ông đã chọn dịch tác phẩm Cẩm Hương đình với tiêu chí rất rõ ràng: không chọn truyện hoang đường, trinh thám, không chọn truyện phong nguyệt diễm tình, cũng không chọn truyện lịch sử với kết cục rập khuôn… mà chọn một câu chuyện để giới thiệu với bạn đọc biết chữ Quốc ngữ cùng thời những cảnh “phú quý là mồi cạnh tranh, phồn hoa là bả ghét ghen” nhằm nêu lên “cái gương luân lý của người thiên hạ đời sau”.

Cẩm Hương đình có thể được coi như cuộc thẩm định sở trường dịch thuật của Ngô Tất Tố và dịch thuật cũng chính là một trong những thế trận văn chương mà ông suốt đời theo đuổi: nhà văn, nhà báo, nhà Nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu. Tất cả các công trình của ông, ở nhiều thể loại khác nhau, đều trở thành di sản quý giá, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền văn học – văn hóa Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Ngô Tất Tố (20.4.1893 – 20.4.2023), 100 năm bản dịch đầu tiên của tác phẩm Cẩm Hương đình và tri ân những di sản văn hóa của nhà văn, gia đình tác giả đã cùng với Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam phối hợp thực hiện tái bản tác phẩm này.

Đại diện Công ty Sách và truyền thông Việt Nam chia sẻ: “Trong lần tái bản này, chúng tôi dựa trên văn bản gốc cùng bản dịch do người nhà tác giả Ngô Tất Tố cung cấp. Biên tập lại với tiêu chí tôn trọng bản dịch nhất có thể, chú thích các từ cũ và sửa đổi những phần lỗi morat. Chúng tôi hy vọng rằng, bạn đọc có cơ hội thưởng thức một tác phẩm dịch xuất sắc của một tài năng văn chương thế kỷ XX”.

Tùng Lâm

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.