Ảnh: TL
Cú là một loài chim ăn thịt, có cặp mắt lớn ở phía trước đầu, nhìn rất tinh trong đêm tối. Vào ban đêm, cú thường hay đậu trên một cành cây kín đáo, giương cặp mắt tinh ranh, quan sát xung quanh. Khi bay, cú thường phát ra tiếng kêu đanh, nghe rất ghê rợn. Với hình dạng như thế nên dân gian rất ác cảm với loài chim này.
Người ta đồn rằng, hễ nghe tiếng cú kêu ba tiếng khi bay qua nhà nào đó thì nhà ấy thể nào nhà ấy cũng có người chết hoặc ốm đau thập tử nhất sinh. Người ta hay nói “cặp mắt cú vọ” hay “dòm như cú dòm nhà bệnh” là thế.
“Dòm nhà bệnh” là quan sát gia chủ nào đó đang có người ốm nặng, khả năng khó qua khỏi. Và tiếng kêu của lũ cú (hay lũ chim lợn) như một điềm gở, báo hiệu người bệnh sắp qua đời. Và cũng theo quan niệm mê tín xưa, hễ cứ nghe tiếng cú kêu là y như rằng có ma lần đến.
Ma theo quan niệm dân gian là “sự biến hình của người chết, thuộc cõi âm”. Ma hay con ma là một thứ vô hình, ghê rợn và đáng sợ: xấu như ma, ác như ma, khôn ranh như ma... Người ta hay lấy ma để dọa trẻ con khi chúng khóc nhè hay hư thân mất nết: “Mày cứ khóc thế tao tống ra ngoài sân cho con ma nó bắt đi nhé!”.
Cũng theo mê tín dân gian, hễ có tiếng cú kêu là lũ ma lại lần đến, với hi vọng chia phần thi thể người xấu số. Cú kêu ma đến, đó là lẽ thường tình. Chả thế mà một số vùng ở Nghệ Tĩnh đã gọi cú là “con hét ma”. Nghịch lí ở chỗ là, tuy là kẻ báo trước có “mồi ngon” từ người chết nhưng rốt cuộc, chỉ có lũ ma hưởng lợi chứ cú chẳng được xơ múi gì. Thật tội cho cú, vừa xấu, vừa bị người đời ghét, lại là kẻ bị coi là gieo rắc nỗi bất hạnh cho người khác.
Từ quan niệm dân gian đó mà tiếng Việt có câu thành ngữ cú kêu cho ma ăn, dùng để chỉ ai đó làm một việc vô ích, uổng công, cuối cùng lại cho người khác hưởng. Ví dụ: “Nó tự nhiên nói chuyện đó làm lộ hết kế hoạch, để mấy bà buôn bán trên chợ biết được, nẫng hết số hàng tốt. Đúng là cú kêu cho ma ăn”.
Gần với câu này là thành ngữ “cốc mò cò xơi”. Nó cũng hàm chỉ chuyện một người có công làm được việc vất vả nhưng cuối cùng lại để cho kẻ khác hưởng lợi “nẫng tay trên”, chứ mình chẳng được cái gì hết:
Cú kêu đậu nóc mái nhà
Cuối cùng lại để lũ ma được phần...
PGS-TS. Phạm Văn Tình