Trước Công Phượng, Lê Huỳnh Đức từng sang Trung Quốc, Công Vinh sang Bồ Đào Nha. Cùng thời với Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm hiện đang thi đấu ở Thái Lan. Những cầu thủ này đều được coi là tài năng của bóng đá Việt Nam, thế nhưng ngoài Văn Lâm được thi đấu chính thức, các cầu thủ còn lại đều chơi ở “vị trí quen thuộc” là băng ghế dự bị.
Công Phượng thì khác, sau khi không thành công trong chuyến sang Nhật du đấu, Phượng trở về và tiếp tục tỏa sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia. Không chỉ vậy, chính Công Phượng cũng thừa nhận: “Chuyến sang Hàn này với em chính là cuộc chiến cuối cùng. Em chỉ có thể thành công chứ không thể thất bại được nữa. Vậy nên em sẽ nỗ lực hết mình”.
Một Công Phượng chơi nhiệt tình, năng nổ và có chỉ số chạy trên sân nhiều nhất đội đã khiến những cổ động viên, những chuyên gia khó tính nhất Hàn Quốc cũng phải công nhận, Phượng xứng đáng có mặt trong đội hình chính thức. Thậm chí, khi Phượng thua, những tờ báo lớn của Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, lỗi là do huấn luyện viên đội bóng chứ không phải do Phượng. Vị huấn luyện viên này đã bị sa thải chỉ sau sáu vòng đấu.
Công Phượng đang khiến trang chủ Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc nghẽn mỗi khi anh ra sân thi đấu. Ảnh: Incheon
Nhưng sức hút của Công Phượng không chỉ đến từ trên sân mà nó còn đến từ những cổ động viên tại quê nhà.
Trang mạng Naver Sport của Hàn Quốc mua bản quyền K-League để phát sóng trực tiếp các trận đấu của Incheon United, nhằm giúp khán giả Việt Nam xem Công Phượng thi đấu. Chỉ là bước thử nghiệm nhưng trang V Sports đã thu hút được gần 1 triệu người xem cùng lúc. Và chỉ số này lập tức bị giảm khi Công Phượng bị thay ra hoặc không vào sân.
Hơn ai hết, những nhà tổ chức giải đấu đã nhận ngay ra rằng, Công Phượng không chỉ là cầu thủ có kỹ thuật tốt mà còn là “gà đẻ trứng vàng” để người Hàn quảng bá K-League của mình, quảng bá văn hóa, các sản phẩm của mình thông qua các trận đấu đến với người Việt. Từ sự kiện này, cùng với chuyện Chanathip của Thái Lan đang thi đấu ở Nhật, khiến giải J-League được xem nhiều ở Thái, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã đi đến quyết định táo bạo: sửa luật. Theo đó, ở K-League 2020 mỗi đội được đăng ký năm ngoại binh thay vì bốn (ba người có quốc tịch bất kỳ, một thuộc AFC và một đến từ nước ASEAN - Đông Nam Á).
Điều này không chỉ giúp giải bóng đá Hàn Quốc có lợi, mà nó cũng đem lại một cơ hội khác cho các đội bóng ở Đông Nam Á trong việc xuất khẩu cầu thủ và tìm cơ hội học hỏi ở các giải đấu được đánh giá chuyên môn tốt hơn.
Trang mạng Naver, trang tìm kiếm lớn nhất của Hàn Quốc đã viết rằng: “Hiện nay chỉ có mình Công Phượng là cầu thủ Đông Nam Á duy nhất chơi ở K-League. Và chính Phượng đã là người tiên phong mở cánh cửa cho các đồng nghiệp của mình ở Đông Nam Á đến chơi trong các giải đấu cao hơn”.
Cái nhìn về bóng đá Đông Nam Á , hay cụ thể hơn là bóng đá Việt Nam, đang thay đổi dần nhờ những cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường... Phải thẳng thắn nói rằng, họ đã nỗ lực rất nhiều, nhưng trên hết họ đã được tạo dựng nền tảng tốt ngay từ khi bầu Đức ươm mầm.
Nhưng, cũng vì vậy mà câu hỏi được đặt ra là: sau Công Phượng, ai sẽ tiếp bước để giúp bóng đá xứ Việt ngẩng cao đầu?
Thảo Du