mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Công luận ở làng

 20:18 | Thứ bảy, 03/08/2019  0
Công luận của xã hội có thể làm cho xã hội tốt hơn hoặc cũng có thể làm cho nó xấu đi. Nếu nó có cái nhìn nghiêm khắc với thói hư tật xấu, với tệ nạn, với cái xấu và nâng đỡ, khuyến khích, thúc đẩy cái thiện, cái tốt, cái chính nghĩa thì sẽ làm cho cộng đồng tốt lên, làm cho cá nhân không ngừng hướng thiện và ngược lại.

Ảnh: TL


Công luận có thể thể hiện qua xuất bản, báo chí, truyền thông…nhưng cũng có thể chính là sự truyền đạt thông tin, cái nhìn, thái độ trong chính cuộc sống thường ngày và “truyền thông miệng”.

Ở làng quê, nơi cái nhìn cộng đồng còn rất đậm đặc do mối quan hệ quen biết, ruột thịt còn chặt chẽ và về cơ bản dân cư vẫn quần tụ ổn định trên một phạm vi địa lý (làng, xã), truyền thông miệng chính là công luận.

Công luận đó có tác dụng rất lớn điều chỉnh hành vi của cá nhân. Sự tiến bộ nằm ở đấy mà sự bảo thủ cũng nằm ở đó. Tâm lý ngàn đời của người dân là sợ “làng”- một thực thể vừa cụ thể vừa vô hình. Làng chẳng là ai mà làng lại là tất cả. Ai cũng sợ bị làng tẩy chay, xa lánh, chê cười.

Nhưng chê cái gì, cười cái gì, tẩy chay cái gì thì luôn lại mập mờ và bị sa lầy vào sai lầm.

Tâm lý ở các làng quê bây giờ người ta hay sùng bái những người có tiền hay có quyền. Cứ có tiền hay quyền là sùng bái, bất chấp và cũng chẳng cần thiết suy xét xem tiền đó đến từ đâu, có hợp pháp không, họ kiếm tiền bằng cách nào, sạch hay bẩn. Cũng chẳng cần xét xem quyền lực đó có xứng với tư cách, trình độ, phẩm chất, năng lực của họ không và quyền lực đó có được sử dụng hợp pháp, công chính hay không.

Thế nên làng quê tán dương, ca ngợi hết lời những người có tiền, có quyền. Nhà nào có ai có hai thứ đó (thường chúng gắn bó với nhau) thì hàng xóm, láng giềng, cả làng, cả xã ngợi ca, ghen tị thầm.

Nếu những người đó mà lại bỏ ra ít tiền khao làng ăn uống, công đức cho đền chùa một chút,mừng tuổi cho các cụ một chút hoặc là khôn khéo hơn là góp to hơn một chút để làm đường bê tông, xây một cây cầu… thì dân làng tôn lên bậc gần như Á thánh!

Ở một phương diện khác, những người sa cơ thất thế, làm ăn thất bát, đi ra ngoài làm ăn gặp rủi ro không có tiền, không có vai vế đâm…sợ về làng. Về thì sợ người ta hỏi han, người ta chế giễu, người ta khinh bỉ, người ta móc máy…

Ở các đám cưới, đám ma, các quán nước, phiên chợ, các buổi xóc đĩa, tổ tôm hay các bữa cơm trong từng gia đình, các nhân vật có tiền, có quyền hay sa cơ, hèn kém xuất thân ở làng được đưa ra bàn luận, mổ xẻ nhiệt tình.

Các diễn dàn đó đã hình thành công luận làng quê và nó điều chỉnh giá trị quan, lối sống, hành vi của các cá nhân là thành viên rất mạnh.

Và cứ lớp người này đến lớp người khác hình thành giá trị quan, lẽ sống trong môi trường công luận đó.

Tuy nhiên, có một điều tôi chưa khảo sát kĩ là sau khi những người có tiền, có quyền kia ngã ngựa, bị án tù vì tham ô, tham nhũng hay lừa đảo, không rõ công luận làng quê thay đổi thế nào?

Hình như nó không thay đổi mấy, sự phê phán diễn ra rất nhẹ.

Nếu sự phê phán đó tương xứng với sự tán dương của công luận làng quê đối với tiền tài, quyền lực và danh vọng ở trên, tôi nghĩ cộng đồng làng quê sẽ góp phần tọa ra xã hội lành mạnh hơn và có được những lớp người mới lương thiện hơn, có tầm nhìn hơn thay vì luẩn quẩn giống như cũ.

Nguyễn Quốc Vương

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.