Tôi có hai đứa cháu sắp vào lớp một. Cùng tuổi nhưng cháu gái đây đã có thể ráp vần, tự nhớ, tự viết được nhiều chữ, còn cháu trai chỉ nói một câu “Con không đi học đâu”. Cháu viết rất chậm và sợ viết chữ. Má tôi bỏ thời gian ngồi kèm cho cháu từng ngày. Thật là ám ảnh cảnh bà dạy cháu. Cháu sợ học kiếm đường trốn, bà thì lo lắng cuống cuồng tìm phương ép uổng.
Ảnh minh hoạ: LAP
Là cô giáo thâm niên dạy học hơn 20 năm, lại nghiên cứu nhiều về tuổi lớp một, tôi thừa sức để giúp cháu có đủ kỹ năng đọc viết theo chuẩn lớp một cần. Nhưng tôi chỉ khuyên má tôi đừng dạy nữa, hãy đợi cho cháu lớn. Má tôi nói không đợi được chỉ còn một tháng đã nhập học rồi. Chậm chạp kiểu này vào lớp sẽ không kịp bạn, sẽ chán học rồi học dở.
Má tôi nói đúng, một tháng làm sao đủ thời gian cho đứa trẻ lớn. Nhưng trong một tháng đó, nếu cố công ép cháu học, cháu sẽ sợ học và khả năng tự học sẽ giảm không biết đâu là lường.
Mười một năm trước, con tôi cũng vào lớp một. Nhìn bề ngoài lẫn chiều cao cân nặng đều không có gì đáng phàn nàn. Nhưng khả năng tư duy và giao tiếp thô sơ như một đứa mới ba bốn tuổi. Tôi dạy lớp một nhiều năm nên gặp không ít trường hợp cá biệt như vậy.
Tôi nghĩ mình thừa kinh nghiệm để dạy con. Mà muốn cho nó vô lớp một chậm hơn cũng không được. Trường mẫu giáo đưa học sinh vào, trường tiểu học nhận danh sách. Từng đứa đúng độ tuổi đều được vận động tới lớp đúng năm quy định. Mỗi đứa vào lớp chậm hơn tuổi một năm trường học phải giải trình với phòng giáo dục lý do vì sao năm trước không vận động. Tôi là cô giáo càng không thể để con mình học trễ so với độ tuổi.
Sự nhân nhượng này đẩy con tôi vào con đường vừa gian nan vừa hạn hẹp. Bé rất dễ mất tập trung khi lên lớp. Trong giờ thầy giảng bài, chỉ cần một tiếng chó sủa, một miếng giấy rơi cũng đủ sức kéo cái nhìn của bé về nơi khác. Trong khi đó lớp học mấy chục đứa trẻ bao nhiêu là tiếng xì xầm, bao nhiêu là trò khỉ khọt. Bé học cả buổi về nhà không nhớ thầy đã dạy những gì.
Cuối năm điểm thi bé cũng cao, cũng đủ chuẩn lãnh thưởng nhưng phần lớn là nhờ ở nhà tôi kèm thêm. Còn riêng bản thân bé không thích ai hỏi về việc học, không thích chơi trò chơi có dính tới học.
Càng lớn khả năng học càng xuống dần. Năm lớp hai, lớp ba còn lãnh thưởng nhưng năm lớp bốn đã không thể nào học được bảng nhân bảng chia, khả năng làm bốn phép tính chậm đứng hàng cuối lớp. Lớp bốn bé vẫn không nhớ hôm nay ở trường đã học được những gì.
Lên lớp sáu, rồi ngày nay lên lớp mười một, đã thành một chàng trai con tôi vẫn cứ dễ mất tập trung như một đứa trẻ vừa xong tiểu học. Nó cũng có ước ao, cũng muốn mẹ vui nhưng khả năng tập trung cho học hành vẫn cứ bị chi phối vì những chuyện rất đỗi bình thường.
Cách đây một năm, người bạn ở Hà Nội dắt con vào thăm tôi. Tôi nhìn thấy trong con bạn hình ảnh con tôi những ngày nó mới vào lớp một, kém tập trung và mất lòng tin vào chuyện học. Bạn nói nó học được hơn nửa năm rồi mà chỉ nhớ được vài chữ cái. Tôi muốn chỉ cho cháu những cách tiếp cận chữ thật vui.
Cháu nhìn thấy chữ chỉ nói một câu "Con không thích, bác Thanh đừng ép con". Cháu quay đầu trốn tránh như chữ là một bóng ma đáng sợ. Tôi bày thật nhiều đất sét cho cháu chơi, bày màu cho cháu vẽ. Tôi nói với bạn không nên cho cháu học tiếp. Hiện nay trong lớp cháu các bạn đã ráp vần, thậm chí có trường giờ này cả lớp đã đọc trôi những bài báo rất nhiều chữ. Cháu vào lớp học với tình trạng sợ chữ như thế việc học sẽ là một cơn ác mộng. Cháu sẽ chán học, nhu cầu học sẽ ngày một giảm và khả năng tự học sẽ lùi vào mức thấp nhất.
Bạn rất phân vân. Trường học không thể cho cháu nghỉ. Trường phải dạy bằng mọi cách để cháu đọc được và lên lớp hai. Tôi nhìn thấy thêm một thằng nhóc lâm vào hoàn cảnh giống con mình. Tôi lại kiên trì khuyên bạn bằng mọi giá cho cháu nghỉ học, mẹ dạy con chơi, kể chuyện con nghe, một dạy một để trẻ tự tin xóa đi cảm giác sợ lớp sợ học, để cân bằng tâm lý trước rồi chữ nghĩa tính sau.
Ảnh minh hoạ: TL
Bạn về dắt cháu đi khám bệnh, phát hiện tự kỷ thể nhẹ, cần phải nghỉ học để được học riêng. Có giấy bác sĩ rồi mà trường học nhất định buộc cháu phải học tập trung để có kiến thức mà cuối năm lên lớp. Đương nhiên cả năm đó cháu cũng chẳng học được gì. Gần cuối năm, tôi giúp bạn làm giả một cái hồ sơ chuyển trường để cháu không bị đẩy lên lớp hai. Năm học mới, bạn đưa cháu vào học lại lớp một ở một trường phía Nam. Mỗi ngày bạn đọc sách và kể chuyện cho cháu nghe…
Gần đây khi gặp lại, cháu mới vừa vào lớp hai, những triệu chứng sợ học đã mất hẳn. Cháu tự tin, hồn nhiên, thích đọc sách và có thể đọc được những quyển sách văn học dầy hàng trăm trang. Tôi không tin đó là một đứa trẻ mới hết lớp một, càng không tin đó là một đứa trẻ tự kỷ và sợ học mà tôi từng tiếp xúc. Mặc dù học trễ một năm nhưng khả năng tư duy của cháu có thể thấy vượt trội so với những bạn đã học hơn cháu một lớp.
Nhìn con bạn, nhìn lại con trai mình nhọc nhằn trong con đường học vấn tôi thấy ân hận vì ngày xưa mình không dám vượt rào trong chuyện học của con. Học sớm một năm nhưng nó đang lùi dần trong cả quãng đời học phổ thông. Con đường dạy con những ngày tháng qua và những ngày tháng sau này sẽ còn lắm nhọc nhằn. Tôi sẽ cố gắng, chỉ mong cải thiện được phần nào lầm lỗi.
Tôi rất mừng vì bạn tôi đã không lâm vào hoàn cảnh như tôi. Những gì tôi nói ra đây, nếu truy tố lại tôi vẫn mang tội giả mạo hồ sơ. Tôi vẫn không chút ngại lo. Hành động "sai trái" này đã giúp cải thiện được một phận người. Tương lai con bạn tôi sẽ thế nào? Có thể thành đạt, có thể không. Điều đó tôi không tính được. Tôi chỉ tin một điều nếu cháu ham học sẽ biết cách tự học và sẽ trưởng thành vượt bậc so với những gì cháu có. Trưởng thành là giá trị mà mọi đứa trẻ đều cần có để đi về tương lai.
Với đứa cháu sắp vào lớp một của tôi cũng vậy. Tôi mong muốn người lớn hãy để cho nó đủ lớn. Nhưng sự mong muốn của tôi có phần thiếu thực tế. Vì em tôi chưa có hộ khẩu thành phố mà trường học ở thành phố muốn xin vào rất khó khăn, vào rồi thì phải lên lớp đều đều. Tôi vẫn chưa có cách nào để phá rào cho cháu được nhẹ nhàng khôn lớn vào lớp một. Dù khó nhưng tôi vẫn nhất định không buông tay. Tôi không muốn nhìn thấy thêm một lần nào nữa cảnh những đứa bé chạy bước lùi, chạy càng nhanh càng rời xa tương lai chính mình nhất.
Võ Diệu Thanh