Chiều 16.12 vừa qua, nhóm sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho ra mắt triển lãm “Cõi Tiên” tại Đình Nam Hương (75 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm kéo dài tới hết 28.12.2023 với các tác phẩm đa dạng về phương tiện và biểu hình đối thoại với không gian Đình cổ giữa lòng phố thị.
Nghệ sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn phát biểu tại triển lãm.
Đưa hình tượng dân gian vào nghệ thuật đương đại
Triển lãm “Cõi Tiên” tiếp nối dự án “Hồn nhiên như cô Tiên" ra mắt trong Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo 2022 và tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, được hoàn thiện chỉ trong ba tuần vừa qua. Đây được coi là “không gian thứ năm” bên cạnh bốn không gian chính của dự án.
Nhóm tác giả trẻ bao gồm: Bùi Kim Hiền, Đặng Mỹ Linh, Nguyễn Minh Trang, Trần Tuấn Ninh, Phạm Thuỷ Tiên, Hoàng Lan, Hội Trần, Lê Thị Hải Yến, Bùi Thảo My, Phạm Ngọc Hà, Đặng Phương Linh, Trương Hoàng Hải, Hoàng Việt Hương, dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, đã trưng bày các tác phẩm khai thác hình tượng “Tiên” trong văn hoá Việt.
Nghệ sĩ Hội Trần trò chuyện cùng khán giả.
Hình tượng Tiên nữ nói chung, là một hình tượng quen thuộc trong văn hoá dân gian của nhiều quốc gia trên khắp thế giới, tuy nhiên hình tượng Tiên của châu Á khác với châu Âu, và Tiên của người Việt có nhiều điểm khác biệt với các nước cùng khu vực.
Nếu Tiên trong văn hoá phương Tây thường gắn liền với chuyện cổ tích hay thần thoại về những sinh vật kỳ ảo xinh đẹp nhưng mong manh và thậm chí yếu đuối, thì Tiên của người Việt lại đậm tính biểu trưng, giản dị và mạnh mẽ.
Rồng ở nhiều nền văn hoá khác là biểu tượng cho sức mạnh, nhưng Tiên trong văn hoá Việt xuất hiện với tạo hình tiên-cưỡi-rồng khá nhiều, gợi nhớ tới câu chuyện nguồn cội con Rồng - cháu Tiên. Tiên của người Trung Quốc hay Nhật Bản bận bộ áo cánh có những mảnh vải dài là nguồn gốc sức mạnh Tiên - bao gồm khả năng bay - nhưng riêng Tiên của người Việt lại có thêm đôi cánh…
Các tác phẩm trong triển lãm.
Tiên của người Việt chính là đại diện của người Phụ nữ, người Mẹ, với vị thế được tôn vinh trong một nền văn hoá Mẫu hệ sâu sắc. Tất cả những quan sát như vậy, vốn là kết quả của việc nghiên cứu nghiêm túc hình tượng Tiên từ thế kỷ 17, 18, đã trở thành nguồn sáng tác của các bạn sinh viên mỹ thuật trong triển lãm.
Các tác phẩm của các tác giả trẻ mang hơi thở đương đại đa dạng về cách tạo hình nhân vật và chất liệu: từ truyền thống như sơn mài, màu nước trên lụa và giấy dó… đến hiện đại như tranh kỹ thuật số kết hợp in hay cắt dựng giấy bìa, nghệ thuật video kết hợp sắp đặt… Thủ pháp thay đổi từ tả thực sang trừu tượng, từ hoài cổ tới tân thời, có phức tạp và có thơ ngây, những hình tượng gốc được dựng lại với phong cách khác lạ, đặt đối lập và hài hoà với các hoa văn cổ…
Tiên nữ xuất hiện ở khắp mọi nơi trong không gian tinh thần và vật chất của văn hoá truyền thống, trên những mảng chạm khắc trang trí các kiến trúc xưa, nay được mang trở lại không gian đình làng nguyên bản, dưới những hình dạng mới mẻ.
Các tác phẩm trong triển lãm.
Đưa không gian truyền thống vào văn hóa hiện đại
Từ 2020 với “Từ truyền thống tới truyền thống”, “Tranh Hàng Trống”, “Hổ dạo Phố”, và tới nay là “Cõi Tiên”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cùng các đồng nghiệp đã góp phần đưa mạch sinh khí vẫn cuộn chảy vào đình Nam Hương, trong khi duy trì mô hình giáo dục và thực hành xưởng nghệ sĩ, để hướng dẫn và tạo điều kiện cho các em sinh viên nghệ thuật được làm việc và trưng bày như những nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ.
Tranh Hàng Trống nguyên bản tại Đình Nam Hương.
Tiếp nối tinh thần đối thoại với không gian và nơi chốn, các tác phẩm của “Cõi Tiên” tiếp nhận cảm hứng từ các bức tranh Hàng Trống nguyên bản, tác phẩm từ “Hổ dạo Phố”, và cả những hoa văn mây trên trần nhà… Các tác phẩm triển lãm nằm xen lẫn, hoà vào cấu trúc nội thất với các hiện vật khác của ngôi đình.
Trong dịp khai mạc, có sự góp mặt đặc biệt của nghệ sĩ - nhạc sĩ Trí Minh trình bày một không gian “nhạc Tiên" đồng kiến tạo nên một xứ sở Tiên Việt quen mà lạ.
Nghệ sĩ - nhạc sĩ Trí Minh và không gian “nhạc Tiên".
Được hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn ngủi, “Cõi Tiên” tuy là một trưng bày của sinh viên hồn nhiên và non trẻ, nhưng lại giàu tiềm năng, đồng thời mang lại trải nghiệm mới lạ cho khách tham quan trong nước và quốc tế, gia tăng sự thu hút cho địa điểm đình Nam Hương. Những hoạt động nhằm gìn giữ, kế thừa, tiếp biến, cũng như lan toả văn hoá truyền thống Việt Nam như vậy đã, đang, và sẽ đón nhận được nhiều sự trân trọng của xã hội.
Tập thể các tác giả của triển lãm Cõi Tiên.
Triển lãm mở cửa hàng ngày đón khách từ 8h30 đến 17h30, 16.12.2022 - 28.2.2023 tại đình Nam Hương (75 Hàng Trống). Bên cạnh đó, các bạn sinh viên sẽ tự đứng ra tổ chức và hướng dẫn các workshop về màu nước trên lụa và giấy dó cũng như sơn mài tại không gian sân đình trong suốt thời gian triển lãm mở cửa đón khách.
Hương Mi Lê