Đừng để hình ảnh Việt Nam xấu đi
“Chúng tôi không tán thành chuyện từ chối khách Trung Quốc. Chuyện gì ra chuyện ấy. Những bất ổn và căng thẳng ở biển Đông hiện nay cả thế giới đều biết và lên tiếng phản đối Trung Quốc chứ không riêng Việt Nam. Nhưng nếu trong kinh doanh chúng ta có hành động từ chối khách Trung Quốc một cách thiếu cân nhắc, thì hình ảnh người Việt chúng ta sẽ xấu đi trong mắt người nước ngoài. Trong tiêu dùng, nói không với hàng Trung Quốc còn tuỳ khả năng kinh tế của mỗi người và tuỳ vào chất lượng của hàng hoá”, Phạm Thị Ngọc T. (Giám đốc lưu trú một resort nổi tiếng ở Hội An).
Cơ hội sàng lọc, thay đổi hành vi mua sắm
“Dẫn con trai đi mua đồ chơi để thưởng cho cháu đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cuối năm, tôi ngạc nhiên khi thấy cháu không chịu mua mấy con siêu nhân do Trung Quốc sản xuất mà trước đây cháu rất thích. Cứ tưởng cháu đã lớn nên chán chơi siêu nhân, không ngờ cháu lại nói “Con không chơi đồ chơi của Trung Quốc nữa đâu. Cô giáo nói họ qua chiếm biển của nước mình, đánh mấy người dân mình đi đánh cá...”. Cháu còn dặn tôi từ nay không được mua đồ chơi Trung Quốc về cho em. Tôi đã không mua đồ chơi theo đề nghị của cháu vì tôn trọng ý kiến của con. Cũng muốn qua đó giúp con hiểu hơn về những lời cô giáo dạy. Không phải từ vụ Trung Quốc xâm chiếm biển của mình mà từ trước đến giờ, tôi vẫn hạn chế mua hàng Trung Quốc, đặc biệt là những loại hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ. Tuy nhiên, cũng không thể không thừa nhận hàng hoá Trung Quốc có nhiều loại chất lượng khá tốt, mẫu mã đẹp và giá cả mềm hơn so với sản phẩm cùng loại trong nước. Tốt nhất là khi mua sắm, nên sàng lọc và nói không với những hàng hoá kém chất lượng...”, Trần Thị Lan Anh (ngụ tại đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM)
Chỉ bán thứ tốt
“Mỗi lần xem tivi thấy tàu của Trung Quốc xịt nước, đuổi tàu kiểm ngư của mình là máu trong người tui sôi sùng sục. Ra chợ, nghe mấy bà bàn tán chuyện giàn khoan, rồi bảo sẽ không bán hàng Trung Quốc nữa. Nhưng, làm sao mà không bán khi đa phần quần áo ở cái chợ này hơn 50% là từ Trung Quốc? Cái gì tốt thì mình bán, mình buôn bán đàng hoàng chứ có phải lừa lọc khách đâu. Nhưng, nói thật nếu hàng hoá mình phong phú đa dạng, giá cả đảm bảo thì đến lúc đó có cho vàng tụi tui cũng không bán đồ Trung Quốc”, Trương Thị Mỹ Lệ (bán quần áo ở chợ Tân Bình, TP.HCM)
Mỗi người có cách yêu nước riêng
“Tôi không mua, không ăn cái gì của Trung Quốc trừ khi họ rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ai nói làm vậy là sai, tôi nói không. Hồi có tranh chấp đảo với Nhật, người Trung Quốc cũng có phong trào tẩy chay hàng Nhật. Chưa nói chuyện đó đúng hay sai, nhưng tôi nghĩ mỗi người có cách yêu nước của mình. Điều đáng lưu ý là hàng Trung Quốc vào Việt Nam từ trước đến nay luôn có nhiều sản phẩm không tốt, rất có hại cho sức khoẻ. Vậy còn chần chừ gì nữa mà chưa nói không với nó!”, Phạm Sinh (60 tuổi, ở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM)
Tẩy chay để bảo vệ sản xuất trong nước
“Nếu trước đây, đứng trước một sản phẩm tôi thường chọn hàng Trung Quốc vì giá của nó chỉ bằng nửa giá của Nhật, thì từ khi có vụ giàn khoan, tôi tự cắt giảm chi tiêu để hạn chế tối đa việc mua hàng Trung Quốc. Tôi muốn mình yêu nước từ hành động nhỏ đó! Nhưng, nếu muốn tẩy chay thì nên dựa trên cơ sở tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng và cũng để bảo vệ sản xuất trong nước”, Nguyễn Thị Thanh Tâm (ngụ tại đường Phan Xích Long, Phú Nhuận, TP.HCM)
Thanh Minh (ghi)