Bạn đến với Giờ Trái đất (GTĐ) như thế nào? Vì sao bạn thuyết phục được người trẻ bước vào sân chơi này?
Tôi tham gia GTĐ năm 2011, là năm thứ hai GTĐ tổ chức ở Việt Nam, còn manh nha tự phát, thiếu thốn điều kiện cơ sở vật chất. Năm đó không có chỗ để làm sự kiện chính, chúng tôi phải kéo nhau về một sân bóng đá mini ở quận Tân Bình để làm. Về sau, thấy đây là sân chơi hay, các anh chị phụ trách mời thêm nhiều đơn vị quản lý nhà nước vào cuộc, tạo ra chiến dịch định hình như bây giờ. Do ảnh hưởng của chương trình ngày càng lớn nên việc kêu gọi mọi người cũng dễ hơn. Năm nay, mạng xã hội mạnh, trang truyền thông qua Facebook đưa lên 30 tiếng đã có hơn 7.000 lượt đăng ký. Điều đó phần nào phản ánh các bạn trẻ bây giờ thiếu sân chơi.
Cô gái "lên giây" Giờ trái đất Nguyễn Thanh Ngân |
Bạn tâm đắc điều gì ở chiến dịch này?
Cái hay là hoạt động thoát được cơ chế hành chính, thành tích, mọi người được thoải mái thể hiện cá tính, trách nhiệm của mình. Chúng tôi hướng đến những dự án thực tế, thậm chí có những công việc hơi thiên về tuyên truyền như đạp xe, truyền thông môi trường xanh tới các khu phố. Đó không hề là một kỳ nghỉ, một cuộc dạo chơi với nhau mà cố gắng hướng đến thực tế. Đặc thù của GTĐ là nghiêng về hoạt động môi trường, đòi hỏi tình nguyện viên phải có những hiểu biết nhất định. Đối tượng của GTĐ không chỉ là bạn trẻ mà chiến dịch còn hướng đến cộng đồng dân cư; các bạn trẻ phải nắm được tính chất công việc, có kỹ năng thuyết phục để nói được với dân và mời họ cùng tham gia. Không dễ gì người dân tiếp nhận, nghe theo một đám trẻ lạ hoắc từ đâu đến tuyên truyền về vệ sinh môi trường, tiết kiệm điện!
Giờ Trái đất xanh 2014 tại TP.HCM không đơn thuần là tắt điện một giờ, hay tắt điện những lúc có thể mà còn nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng các loại năng lượng thân thiện hơn với môi trường. Một giờ tắt điện có thể qua rất nhanh nhưng điều đọng lại là nếp sống mới được hình thành, cùng ý thức tiết kiệm, trách nhiệm với hành động của mình. Năm nay chúng tôi mở rộng thêm hoạt động, là trường học sinh thái và khu phố sinh thái. Điểm nhấn của dự án nằm ở việc thay mái tôn thông thường bằng một loại vật liệu mới, những “tấm lợp sinh thái” với thành phần từ 100% nhôm và nhựa tái chế từ vỏ hộp sữa giấy.
Giờ Trái đất thu hút được sự tham gia của đông đảo người trẻ. Ảnh: Trung Dũng
Hoạt động nào theo bạn là phù hợp cho người trẻ thành phố, ý nghĩa với cộng đồng?
Hành động tắt máy xe khi gặp đèn đỏ. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 37 triệu xe máy và hai triệu ôtô. Mỗi ngày, chúng ta đang tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu vô ích cho việc dừng đèn đỏ và kẹt xe. Theo một khảo sát của đại học Quốc gia Hà Nội, nếu tắt máy xe từ 15 giây, lượng CO giảm 2,3 lần, lượng CO2 giảm bốn lần so với chế độ chạy không tải, và lượng xăng sẽ tiết kiệm được tới 5,5 lần. Song, vì lý do phải khởi động lại xe máy khoảng năm giây trước khi sang đèn xanh, ban Điều phối chiến dịch Giờ Trái đất xanh sau khi tham khảo tư vấn của các chuyên gia trong cùng lĩnh vực, đã quyết định chọn con số 20 giây để kêu gọi mọi người cùng thực hiện hành động tắt máy xe.
Còn hợp với thực tế hơn là chương trình phân loại rác. Trước giờ người dân không có thói quen phân loại rác tại nguồn, công đoạn thu gom phân loại sau này phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Một công việc dễ làm nhưng không thành nếp sống của người dân thì coi như thất bại. Chỉ tiếc là những chương trình tương tự trước đây không được thực tế, không được duy trì lâu dài mà mang tính phát động phong trào thì đâu lại vào đó. Gắn với dân, giúp họ làm quen với công việc đó thì mới hiệu quả.
Bí quyết để bạn thuyết phục mọi người là gì?
Là lăn xả, cùng làm với họ, hết sức tự nhiên và bình đẳng. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là thủ lĩnh, có quyền đứng ở một vị trí cao và ban bố yêu cầu bắt mọi người thực hiện. Tôi nghĩ mình là một tình nguyện viên như các bạn trẻ, chỉ có điều gánh thêm một số trách nhiệm. Vào những thời điểm cần đưa ra một sự quyết định thì mình cần cân nhắc kỹ hơn. Như việc xuống địa bàn, lúc phân loại rác, cũng xông vô làm mẫu để tình nguyện viên nắm được cách làm.
Cũng có nhiều chiến dịch, tổ chức, câu lạc bộ… có khả năng tập hợp người trẻ, tuy nhiên về sau lại thoái trào, tình nguyện viên rời sân chơi. Bạn có tính đến thực tại đó để chiến dịch không mang tiếng “thời vụ”?
Tháng ba làm GTĐ thì tháng năm chúng tôi thực hiện chương trình tiêu dùng xanh, với lực lượng nòng cốt của GTĐ, tháng bảy có chương trình tiết kiệm năng lượng. Thời gian “hồi sức” chỉ một vài tháng. Cá nhân tôi vẫn đang nghĩ đến những sân chơi mới hơn như việc lập quỹ dành cho những người bị ung thư do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường khu vực kênh nước đen, học bổng cho con em họ học tập lâu dài chẳng hạn.
Những người trẻ chúng tôi cảm nhận được những bức bách về vấn đề môi trường, nhưng những điểm nóng của đô thị thì cần sự hợp tác với nhiều cơ quan ban ngành.
Một tranh vẽ dự thi về GTĐ. Ảnh: TLTN
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, liệu có những chương trình ra đời từ trải nghiệm và bức xúc cá nhân?
Hồi xưa thấy thành phố trong sạch, không quá nhiều vấn đề phức tạp như bây giờ trong môi trường sống. Dễ thấy nhất là chuyện xả rác, từ nhỏ lớn lên đã thấy rất nhiều cuộc tuyên truyền. Nhưng không chỉ giáo dục cho người trẻ mà cần cho cả người lớn, khi có gương tốt thì thế hệ tiếp theo mới noi theo. Vấn đề giáo dục ý thức môi trường cho học sinh còn rất kém, hoàn toàn có thể đưa vào bài học nhưng hiện chỉ kêu gọi suông.
Ở thành phố, vấn đề môi trường nào mà đến nay bạn thấy còn rất tệ?
Thực ra mọi thứ vẫn còn đó, chưa giải quyết được gì, kiểu mẹ đẻ con, con đẻ cháu. Chẳng hạn như ô nhiễm không khí, lượng xe máy gia tăng quá nhiều, không ai kiểm soát được. Cũng đã có những kế hoạch hạn chế xe cộ trong nội ô, nhưng không có phương án thay thế để người dân di chuyển nên mọi thứ vẫn y nguyên.
Trong quan niệm của bạn, thế nào là một đô thị đáng sống?
Đó là nơi mọi người đủ ăn, đủ mặc, cảm thấy an toàn không chỉ về sức khoẻ, tính mạng mà về cả những nhu cầu tinh thần, giải trí.
Bạn nghĩ sao khi nhiều người nhận định giới trẻ ngày càng thờ ơ với cộng đồng, ích kỷ trước những chuyện đáng ra phải lên tiếng và giành lấy quyền lên tiếng, như bảo vệ môi trường?
Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố và tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể. Rõ ràng sự tăng tiến của tội phạm trẻ, những lối sống lệch lạc khiến người ta ngao ngán về những người trẻ ở đô thị. Tham gia các chiến dịch môi trường cũng là cách để họ học thêm những kỹ năng mềm, thể hiện trách nhiệm và tiếng nói của người trẻ. Các bạn không thờ ơ nhưng không được định hướng.
Cũng có ý kiến cho rằng bạn trẻ ngày nay thiếu nhiều kỹ năng cơ bản như giao tiếp hay làm việc nhóm. Bạn học những kỹ năng ấy từ đâu?
Kỹ năng sống nhiều khi được trang bị từ môi trường xung quanh, từ bạn bè và thầy cô. May mắn là hồi trước tôi học trường chuyên Lê Hồng Phong, nơi có sự gắn kết bạn bè các khối, từ đó hình thành ý thức cộng đồng lớn. Nền giáo dục nên định hướng, tạo ra mức độ quan tâm cộng đồng từ trung học, chứ lên đại học thì đã muộn.
Làm công việc mang tính “bao đồng”, hẳn bạn phải thiết kế một thời gian biểu cực kỳ tỉ mỉ?
Điều may là tôi học báo chí, mà học báo thì cần tự rèn luyện, phải lăn xả ra xã hội, giao lưu, học hỏi còn trên lớp chỉ là kiến thức nền. Trải nghiệm đó giúp niềm đam mê không bị xói mòn mà lại có thêm nhiều vốn sống, kỹ năng...
Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi ảnh GTĐ 2010.
Theo bạn, GTĐ cần phải làm gì để hấp dẫn hơn?
Phải tạo ra sân chơi mới mẻ, vì cứ lặp đi lặp lại bản thân mình thì sẽ nhàm chán, không thể thuyết phục người khác được. Chúng tôi muốn đẩy mạnh chương trình tới các trường đại học đề sinh viên tự tổ chức tại trường, phát huy đúng sở thích và sở trường của họ để mọi thứ diễn ra tự nhiên, không gò bó, để họ cảm nhận đó là sân chơi của chính họ. Chẳng hạn như đại học Tài nguyên và môi trường vừa thi trồng rau sạch và nấu ăn từ sản phẩm thu hoạch. Khi giao về các trường, sinh viên sẽ có những sáng tạo riêng, thoát ra được những mô hình chuẩn. Phải làm sao tình nguyện viên đến với chiến dịch bằng cam kết, trách nhiệm hơn với việc đang làm dù đó là công việc tình nguyện. Có những kết quả thấy được ngay, nhưng có những giá trị thộc về nhân cách từ từ sẽ lớn dần.
Tôi vừa nhớ ra là mình đã đọc ở đâu đó thông tin về một “phượt thủ” nổi tiếng có tên Nguyễn Thanh Ngân. Giá trị những chuyến đi đó là gì?
(Cười một lúc) Những lúc cần xả stress thì em phượt, xa thì đi theo nhóm, gần thì một mình. Đi để thấy cái mình có hết sức tốt đẹp, so với bao người khác. Những điều tai nghe mắt thấy, những thân phận kém may mắn thúc giục mình phải có trách nhiệm hơn. Nhiều bạn trẻ bây giờ thiếu trách nhiệm với bản thân, chưa chịu trách nhiệm với việc làm của mình thì không thể lo tốt cho xung quanh được. Từ trách nhiệm đó mới có trách nhiệm tốt với gia đình, xã hội. Những đóng góp đó góp phần loại bỏ điều xấu trong xã hội, tích luỹ nhân rộng điều hay, lẽ phải.
Chiến dịch Giờ Trái đất phát động trên toàn cầu từ năm 2008. 2014 là năm thứ năm Việt Nam tham gia và nhận được sự hưởng ứng của tất cả 63 tỉnh thành. Theo thống kê từ trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam), trong 60 phút tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết của Giờ Trái đất 2014, tổng sản lượng điện tiết kiệm được là 431.000kWh, tương đương 650 triệu đồng.
Trọng Văn thực hiện