mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Chuyện cái loa và văn hóa cổ vũ

 23:43 | Thứ sáu, 20/05/2016  0

Câu chuyện chiếc loa của hội CĐV Than Quảng Ninh đang rất nóng trong thời gian gần đây. Ảnh: Internet.

Câu chuyện chiếc loa của hội CĐV Than Quảng Ninh đang rất nóng trong thời gian gần đây. Ảnh: Internet.

Thật ra, nếu ai đã từng tới một sân vận động để xem đá bóng, sẽ không lạ gì trong cái khung cảnh ồn ào náo nhiệt đó, văng vẳng những tiếng chửi bới. Có nhiều khán giả họ chửi tất thảy, cả cầu thủ đối phương, trọng tài, rồi đến HLV và cầu thủ đội nhà cũng ăn chửi theo nếu đá đấm không ra gì. 

Đó là một thực tế. Sau một tiếng còi, chửi. Sau một tình huống dốc bóng hỏng, chửi. Thậm chí thấy HLV đội khách trước đây là cầu thủ có hiềm khích với đội bóng của mình, chửi luôn. Sẽ như thế nào nếu những tiếng chửi đó được khuếch đại lên bằng loa? Sẽ chẳng ai tập trung được nếu cứ nghe cha mẹ, dòng họ nhà mình bị gọi ra mãi như thế.

Còn vấn đề dàn âm thanh, đúng là nghe nhạc người ta có thể hưng phấn thật, nhưng sẽ thế nào nếu cổ động viên của đối phương cũng nóng mắt mà mang dàn âm thanh tới sân, hai bên thi nhau bật hết công suất để khỏi phải “chiến” nhau bằng mồm cho đỡ mệt. Lúc đó, trận đấu bóng đá sẽ thành cái gì?

Nhiều ý kiến cho rằng nên gắn trách nhiệm cho hội cổ động viên, để họ tự quản lý hội viên của mình không phát ra những âm thanh quá lớn hay chửi nhau vô văn hóa, điều này đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế, ngay như cái chuyện pháo sáng, hay căng những băng rôn phản cảm, có hội cổ động viên nào đứng ra nhận là do hội viên của mình, hoặc do chủ trương của hội đâu?

Việc cấm mang các dụng cụ như loa, hay dàn âm thanh vào sân của BTC không phải là không có lý. Ảnh: Internet.
Việc cấm mang các dụng cụ như loa, hay dàn âm thanh vào sân của BTC không phải là không có lý. Ảnh: Internet.

Mà điều này cũng bình thường, vì hâm mộ một đội bóng cũng không nhất thiết là phải đi đăng ký làm hội viên hội cổ động viên. Vài người bạn cùng nhau đi xem đá bóng thế là vui rồi, và lúc vui lên nếu họ có hành vi quá khích thì dù có chủ tịch hội cổ động viên ở đấy nhắc nhở cũng không ăn thua, vi họ có phải hội viên đâu?

Thế cho nên, việc cấm mang các dụng cụ như loa, hay dàn âm thanh vào sân của BTC không phải là không có lý. Nếu như các hội cổ động viên muốn được tiếp tục cổ vũ bằng loa, có lẽ họ thay vì đối đầu trực diện bằng các hình thức gửi thư tới nhà tài trợ, tẩy chay không đến sân xem, thì nên bình tĩnh và cùng nhau thảo luận với BTC, để đi đến một quy định khác khiến hai bên đều có lợi.

Ví dụ như BTC sẽ cho phép hội cổ động viên chính thức của một CLB được phép sử dụng loa, quy định số lượng được dùng, mục đích dùng (ví như chỉ dùng để bắt nhịp cho các cổ động viên khác chẳng hạn), … Còn các khán giả khác thì không được mang vào. Đây là một cách để các hội cổ động viên chính thức có lợi thế thu hút hội viên hơn so với các hội tự phát, họ cũng được sử dụng loa để cổ vũ như xưa nay, còn BTC thì cũng nắm được người chịu trách nhiệm để phạt nếu xảy ra vi phạm.

Mục đích cuối cùng của BTC giải cũng là hướng đến một giải đấu văn minh, chuyên nghiệp, còn mục đích của các hội cổ động viên là cổ vũ tinh thần cầu thủ theo một cách có văn hóa, vậy thì tại sao không đối thoại được với nhau mà lại phải đối đầu, khi mà người chịu thiệt đầu tiên chính là cầu thủ và CLB họ yêu mến, khi phải đá trên một cái sân không khán giả.

Phan Huỳnh Tuấn (Theo Thể thao Việt Nam)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.