Ảnh: TL
PET/CT là một biện pháp khá quen thuộc với chẩn đoán hình ảnh. Nó rất hiện đại, là sự kết hợp giữa chụp CT và kỹ thuật chụp ảnh PET. Trên nền của máy chụp cắt lớp CT nhưng người ta lại được tiêm chất FDG (một chất tương tự như đường). Chất này có một đặc điểm là các tế bào ung thư rất thích và tăng chuyển hóa hấp thụ những chất này rất tốt. Khi hấp thụ vào, nó sẽ bắt màu và khi kết hợp việc chụp CT, nó sẽ hiện hình những khối u và có những đặc tính hấp thu những dược chất phóng xạ trên khối u này.
Từ đó, chúng ta sẽ nhìn được khối u ấy ác tính hay không, sự phát triển của tế bào ác tính trong khối u có mạnh hay không… Thậm chí, chúng ta có thể biết được phần nào của khối u phát triển mạnh, có sự tăng sinh tế bào mạnh hơn các vùng khác. Nhờ vào kỹ thuật này, việc chụp CT không dừng lại ở tìm thấy hình ảnh khối u mà còn xác định được khối u ấy có phải là khối u ác tính hay không, khả năng phát triển và khả năng sinh sản của nó, qua mức độ như thế nào từ đó ta mới có các biện pháp điều trị thích hợp.
PET/CT có nhiều chỉ định, chúng ta cũng thấy rằng khi bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư rồi và chúng ta chụp PET/CT nhằm để đánh giá khả năng gây u ấy có nằm tại chỗ hay không, di căn đến những vị trí nào ở toàn thân rồi, nó có di căn mạnh hay không, có tổn thương thứ phát toàn thân hay không… Từ đó, ta sẽ quyết định được giai đoạn của bệnh. Việc chụp PET/CT sẽ xác định rằng khối u có còn tại chỗ hay nó di căn đến các vị trí khác. Nhờ đó, ta sẽ xác định biện pháp này sẽ được áp dụng điều trị ở từng giai đoạn ra sao.
Ngoài ra, PET/CT vẫn có thể sử dụng trong những trường hợp chưa được xác định là ung thư. Ví dụ bây giờ có một tổn thương trong phổi, không có biện pháp nào để lấy được mẫu tế bào (sinh thiết phổi) thì có thể sử dụng biện pháp PET/CT này để đánh giá khả năng hấp thu của dược chất phóng xạ của nó. Từ đó, ta có thể tìm ra khối u này và xem nó có ác tính hay không. Nếu nó là ác tính, ta sẽ chỉ định biện pháp điều trị. Nếu nó chỉ là một cái nốt đơn độc và không hấp thu dược chất phóng xạ, có khả năng khối u này lành tính.
Thêm nữa, đôi khi phát hiện ra tổn thương của bệnh ung thư nhưng mình không biết tổn thương ấy nó từ đâu ra, không biết cơ quan ban đầu của nó ở đâu mà chỉ biết cái hạch, tế bào ung thư ở trong đó. Bây giờ nếu đi tìm, PET/CT sẽ hỗ trợ rất tốt. Ta có thể định hình được khối u này ở cơ quan tiêu hóa hay phổi hoặc từ các tuyến thượng thận… có rất nhiều bộ phận trong cơ thể mà tại chỗ có thể chưa lớn, chưa có biểu hiện nhưng nó lại có tổn thương di căn. Nhờ chụp PET/CT ta sẽ tìm được cơ quan xuất phát của khối di căn. Từ đó, ta sẽ có biện pháp điều trị.
Ngoài ra, trong những trường hợp tầm soát, đôi khi đối với những trường hợp quá nghi ngờ thì họ có thể sử dụng những biện pháp này nhằm tầm soát. Tuy nhiên, việc tầm soát ung thư bằng PET/CT có điểm hạn chế là chi phí cao và bảo hiểm y tế không thanh toán cho trường hợp này.
Trong quá trình điều trị ung thư, chúng tôi có thể sử dụng PET/CT để đánh giá kết quả cũng như tiến triển của điều trị. Trước khi điều trị, chúng tôi chụp PET/CT cho bệnh nhân. Sau khi điều trị, có thể chúng tôi chụp PET/CT để đánh giá lại. Việc này được sử dụng thường xuyên ở các nước tiên tiến. Ví dụ như ở Singapore, bệnh nhân được sử dụng PET/CT thường xuyên để đánh giá kết quả qua các giai đoạn điều trị. Tuy nhiên ở Việt Nam, vì hạn chế kinh tế nên chỉ có một vài bệnh được đánh giá trước và sau điều trị. Theo quy định của y tế, một năm mình chỉ được chụp PET/CT cho bệnh nhân một lần thôi. Nếu chụp nhiều quá, quỹ bảo hiểm y tế sẽ không chịu nổi.
TS-BS. Lê Hồng Minh
(Phó chủ nhiệm khoa điều trị ung bướu, Bệnh viện Quân y 175)