mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Chơi “hàng đá” không gây nghiện: sai lầm nguy hiểm!

 15:30 | Thứ ba, 24/04/2018  0
“Dân chơi” hiện nay có xu hướng sử dụng “hàng đá”, một dạng chất kích thích mà theo họ là vừa có thể đáp ứng được nhu cầu vừa ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Đó là quan niệm sai lầm.

Thuốc lắc và “hàng đá” là các chất gây nghiện thật sự.Ảnh: TL

“Hàng đá” hay còn gọi “ma túy đá” thực chất là một dẫn chất khác của amphetamin gọi là methamphetamin (trước đây còn xuất hiện với tên biệt dược là Methedrine nên còn được viết tắt là Met). Nên lưu ý amphetamin và các dẫn chất amphetamin (có MDMA tức thuốc lắc, có Met tức “hàng đá” và nhiều chất khác) được xếp loại là ma túy gây hại hệ thần kinh trung ương.

“Dân chơi” ở xứ ta gọi “hàng đá” vì tiếng lóng “dân chơi” Anh - Mỹ gọi là ICE (nước đá). Đặc biệt, thay vì được uống như thuốc lắc là dạng thuốc viên nén, “hàng đá” có dạng tinh thể kết tinh thành dạng phiến to trong suốt, trông như cục nước đá, khi sử dụng phải đập nhuyễn rồi được đốt lên để hút, sẽ cho tác dụng “phê” nhanh và kéo dài hơn rất nhiều so với các dẫn chất amphetamin khác. Là một dẫn chất amphetamin, cho nên tác dụng và tác hại của “hàng đá” cũng tương tự như thuốc lắc. Nhiều người vẫn cho rằng, chơi “hàng đá” không gây nghiện như các loại ma túy khác và tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua cho cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại. Thực chất đây là thuốc gây nghiện thuộc loại nguy hiểm. Dùng chúng, chẳng chóng thì chầy sẽ đi dùng heroin và ma túy khác.

Theo nghiên cứu từ năm 1986 đến năm 1990 tại một trường đại học ở Mỹ, sự lạm dụng một vài ma túy trong giới sinh viên có giảm, nhưng một vài loại khác thì tăng, trong đó thuốc lắc và “hàng đá” bị lạm dụng đã tăng từ 16% lên 24%. Trái với lời đồn đãi trong giới nghiện cho rằng thuốc lắc và “hàng đá” là an toàn, các cuộc thử nghiệm khoa học cho thấy đây là hợp chất hoàn toàn độc hại.

Về mặt tác dụng dược lý, thuốc lắc và “hàng đá” khi thử trên súc vật cho thấy có tác dụng hỗn hợp của sự kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác bằng cách ảnh hưởng đến các chất sinh học trung gian của não là serotonin và dopamin, đặc biệt đối với serotonin. Do tác động đến chức năng “sinh serotonin” của não mà thuốc lắc và “hàng đá” gây nên hội chứng gọi là “hội chứng serotonin” (serotonin syndrome) gây thay đổi cách cư xử, thái độ. Ngoài ra, thuốc lắc và “hàng đá” còn gây tăng thân nhiệt (người nóng lên như bị sốt).

Chính tác dụng gây tăng thân nhiệt cũng góp phần làm tử vong người lạm dụng thuốc lắc và “hàng đá”. Đặc biệt, người ta ghi nhận chính sự sử dụng thuốc lắc trong các buổi dạ vũ tập thể (được gọi là “raves”), với âm thanh đinh tai nhức óc, nhiệt độ do đám đông chen chúc, sự mất nước do nhảy múa cuồng loạn gây đổ mồ hôi, cộng với sự tăng thân nhiệt do tác dụng thuốc lắc làm cho các đồ đệ của chất gây nghiện này dễ gục xuống cận kề với thần chết. Còn phải kể thêm việc sử dụng thuốc lắc lâu dài không đưa đến cái chết tức khắc hay từ từ cũng dẫn đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.

Thuốc lắc và “hàng đá” là các chất gây nghiện thật sự, tuy không gây nghiện mạnh mẽ như heroin nhưng cũng làm cho người nghiện khốn đốn và làm băng hoại xã hội. Dùng thuốc lắc và “hàng đá” lâu ngày sẽ dần đi đến dùng ma túy mạnh hơn là heroin, dùng đường uống, hút rồi sẽ đi đến dùng đường tiêm chích để “phê” nhanh, mạnh hơn. Và khi dùng độc chất ma túy bằng con đường tiêm chích sẽ không chóng thì chầy đi vào cửa “tử” vì bị nhiễm HIV/AIDS...

PGS-TS-DS. Nguyễn Hữu Đức

(Đại học Y dược TP.HCM)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Bảng xsmb 30 ngày mới nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.