Chợ đang bị tổn thương
Ông nghĩ thế nào về vấn đề cần bảo tồn chợ truyền thống tại các đô thị của Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đang diễn ra quá nhanh như hiện nay?
![]() |
KTS. Stephen Davies |
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, ở các đô thị của Việt Nam đã có những khu chợ thực sự bị tổn thương bởi sự cố gắng hiện đại hóa và biến chúng thành các trung tâm thương mại hay siêu thị, thay vì cố gắng duy trì và phát huy những giá trị truyền thống vốn có của các khu chợ đó.
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi thấy rằng, có rất nhiều khu chợ tiềm năng có thể phát triển tốt nếu được đầu tư và phát triển theo hướng bảo tồn, cải tạo, nâng tầm để thực hiện nhiều lợi ích xã hội hơn.
Phát triển và hiện đại hóa chợ truyền thống, không phải là thay đổi hoàn toàn chức năng hoạt động của nó, mà có thể hiểu là chúng ta chỉ nâng cấp cơ sở hạ tầng hay trải nghiệm của khách hàng trong cái chợ đó. Đáng lưu ý là chúng ta không nên cố gắng thay đổi mô hình, cách vận hành gốc rễ của nó.
Hà Nội đang phát triển rất nhanh. Tôi đã chứng kiến, nhiều đô thị trên thế giới sau khi phá bỏ chợ truyền thống, lại đang khôi phục những khu chợ này. Chính quyền các thành phố phải đầu tư vốn để nâng cấp các khu chợ truyền thống, coi đó là địa điểm giao thương và trung chuyển, tập trung rất nhiều hoạt động của thành phố.
Trước khi đến Việt Nam, tôi không biết tình trạng của các khu chợ thế nào và cảm xúc của người dân đối với chợ ra sao. Nhưng khi đặt chân tới đất nước các bạn, làm việc, trao đổi và xem các thiết kế của các nhóm nghiên cứu, nhóm kiến trúc sư, tôi nhận ra, mọi người đã nhận ra được những giá trị của các khu chợ truyền thống trong quá trình đô thị hóa và họ rất hào hứng với tầm nhìn mới, tương lai và cách phát triển các khu chợ mới.
Không gian công cộng chợ là nơi giao lưu của người dân
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chợ không chỉ có chức năng thương mại, mà còn là không gian giao lưu của cả cộng đồng dân cư đô thị, ông nghĩ sao về kết luận này?
Hiển nhiên là vậy, và tôi thấy rằng tất cả các chợ truyền thống của Hà Nội đều chứa đựng những tiềm năng đó, những nền tảng tốt để phát triển thành các không gian công cộng cho cả thành phố.
Bằng chứng là trong ba khu chợ Hà Nội mà chúng tôi tham gia khảo sát và nghiên cứu trong một tháng qua: chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Châu Long (quận Ba Đình), và chợ Hạ (huyện Mê Linh), có những khu chợ nằm ngay sát bờ sông và “view” rất đẹp. Các nhóm kiến trúc sư đã nghiên cứu, thiết kế mô hình, trong đó, mở rộng khu vực kết nối giữa chợ và khu vực công cộng làm thành một quảng trường cạnh bờ sông để mọi người có thể tập trung, vui chơi, giải trí. Và cũng là nơi để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, truyền thống, thu hút người dân, khách hàng tới mua sắm.
Nhưng tại nhiều khu dân cư, khu đô thị mới ở Hà Nội xuất hiện nhiều khu chợ tự phát, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Ông có lời khuyên nào cho Hà Nội trong việc quản lý những khu chợ đó?
Chợ tự phát hay chợ cóc chỉ là một dạng biến thể của chợ truyền thống. Trong tình huống này, chúng ta sẽ phải cân nhắc thời gian tổ chức hoạt động của chúng khi gây cản trở lưu thông. Ví dụ như ứng dụng mô hình hoạt động ở khu chợ đêm phố cổ, vừa đảm bảo linh hoạt trong việc đi lại, vừa sạch sẽ...
Theo tôi khi xây dựng các khu đô thị mới, ngay từ khâu quy hoạch đô thị phải tính đến vị trí của các khu chợ để bố trí không gian phù hợp.
Quản lý chợ với nhiều bên tham gia
Với kinh nghiệm bảo tồn, giữ gìn thành công hàng nghìn chợ tại nhiều quốc gia, ông có thể đề xuất mô hình quản lý chợ nào cho Việt Nam?
Phần lớn ở các đô thị trên thế giới, các bộ, ban, ngành, chính quyền thường rút khỏi việc quản lý các khu chợ truyền thống, và họ giao quyền đó cho một tổ chức phi chính phủ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nếu như khu chợ đó là khu công cộng (không phải của tư nhân), hoặc thậm chí họ đưa cho các đơn vị tư nhân để quản lý tốt hơn. Bởi những mô hình quản lý của nhà nước thường khó linh hoạt, khó thích ứng trong việc xử lý các vấn đề phát sinh ở chợ cũng như đối với các vấn đề thị trường. Thế thì, hãy cố gắng để cho các cá nhân hay tổ chức khác, thay vì để nhà nước quản lý các khu chợ đó.
Chợ Châu Long - một trong ba chợ được khảo sát. Ảnh: CTV
Nhà nước còn cần thấy rằng chợ truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Bởi vậy, để giữ được sự cân bằng giữa các mô hình này, họ cần phải đầu tư thêm vào các chợ để đảm bảo sự cạnh tranh. Vì bản thân siêu thị đã được đầu tư hạ tầng tốt, sạch sẽ, hiện đại hơn, có những phương cách vận hành thuận lợi hơn về kinh tế.
Đã có quá trình khảo sát các khu chợ của thủ đô, vậy theo ông mô hình quản lý chợ nào phù hợp với Hà Nội?
Về lý thuyết chúng ta đều biết hiện có nhiều mô hình quản lý chợ khác nhau trên thế giới. Rồi mỗi thành phố lại có mô hình quản lý chợ khác nhau và trong cùng một thành phố cũng có nhiều phương án khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải có một cá nhân hay tổ chức nào đó sẵn sàng đứng ra làm nhiệm vụ quản lý chợ. Tổ chức hay cá nhân đó phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cả tiểu thương và người mua hàng, đảm bảo an toàn, sạch sẽ, hấp dẫn và biến khu chợ thành một địa điểm, một “nơi chốn” của mọi người dân thành phố đó.
Trong ba khu chợ ở Hà Nội chúng tôi đã làm việc, mỗi khu chợ có một mô hình quản lý khác nhau: một chợ do chính quyền địa phương, một khu chợ do tư nhân và khu chợ còn lại do ban quản lý chợ quản lý. Dựa trên hiệu quả hoạt động của từng mô hình chợ, trong tương lai, chính quyền thành phố có thể xem xét đến mô hình quản lý nào hiệu quá nhất để nhân rộng. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc mỗi khu chợ khác nhau đều có những nhu cầu, thói quen, và nhóm đối tượng khách khác nhau để lựa chọn hình thức phù hợp.
Ngân sách đi theo tầm nhìn
Các chợ của Hà Nội đều đang cần đầu tư để cải thiện tình trạng hiện tại của chúng, nhưng xem ra việc thật khó, thưa ông?
Không hẳn vậy. Thực tế cho thấy, khi chúng tôi mới bắt đầu làm việc với các bên quản lý chợ, ban đầu họ cho rằng không muốn đầu tư quá nhiều, chỉ đầu tư một số cái cơ bản. Tôi đã nghĩ là may ra sửa được cái mái (cười). Nhưng sau khi các nhóm kiến trúc sư trình bày về các ý tưởng phát triển khu chợ, thì chính những người quản lý chợ trở nên hào hứng và nói sẽ có nguồn kinh phí tốt hơn hoặc nghĩ ra cách để có nguồn ngân sách như thế. Và ở đây chúng tôi có một câu nói đúng là “ngân sách đi theo tầm nhìn”. Tôi nghĩ đây là khởi đầu khả quan để đề xuất với thành phố đầu tư nhiều hơn và có phương pháp thay đổi quản lý chợ để đưa tới tầm nhìn tốt hơn.
Câu chuyện này có ba yếu tố cần phải quan tâm, bao gồm: vốn đầu tư, chính sách, đối tác; thiết kế và cơ sở hạ tầng của các khu chợ; quản lý và điều hành chợ.
“Phần lớn ở các đô thị trên thế giới, các bộ, ban ngành, chính quyền thường rút khỏi việc quản lý các chợ truyền thống và giao cho tổ chức phi chính phủ điều hành. Hiện nay tại các thành phố trên thế giới, người ta đầu tư rất nhiều vào việc bảo tồn và phát triển các khu chợ truyền thống. Ví dụ Anh thành lập học viện dạy về cách quản lý và các chức năng ở trong chợ để người trẻ học và phát triển những gian hàng thực phẩm ở ngay trong các khu chợ đó...” - KTS. Stephen Davies
Đối với yếu tố thứ nhất, trước hết cần phải xác định chợ là khu vực công cộng và phục vụ cộng đồng; đưa chợ vào khu vực công cộng là một trong những yếu tố chính của kế hoạch phát triển đô thị. Song song với việc huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và các mối hợp tác với khối tư nhân, chính quyền thành phố cũng cần quan tâm phát triển các tiêu chuẩn chất lượng cho hoạt động quản lý chợ.
Đối với yếu tố thiết kế và cơ sở hạ tầng của các khu chợ thì cần phát triển mô hình chợ mẫu từ ba khu chợ được khảo sát, sử dụng các chợ thí điểm làm cơ sở nghiên cứu để cải tiến bộ tiêu chuẩn và bộ hướng dẫn quản lý chợ. Đồng thời, thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế và quản lý chợ.
Cuối cùng, cần thúc đẩy việc bảo trì và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các khu chợ, tăng cường các hoạt động tiếp thị, quảng bá; hỗ trợ các tiểu thương phát triển dịch vụ, có các hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho tiểu thương và ban quản lý chợ.
Tôi có một chia sẻ, hiện nay ở các thành phố trên thế giới, người ta đầu tư rất nhiều vào bảo tồn và phát triển các khu chợ truyền thống. Ví dụ ở Anh thành lập học viện dạy về cách quản lý và các chức năng ở trong chợ để cho người trẻ học và phát triển những gian hàng thực phẩm ở ngay trong các khu chợ đó, hoặc một số thành phố đầu tư vào các cơ sở hạ tầng để người dân kinh doanh tốt hơn.
Xin cám ơn những chia sẻ thú vị của ông về chợ.
Lê Minh thực hiện