mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Chloris: sự giao hoà giữa hội hoạ và nhiếp ảnh

 21:36 | Thứ sáu, 09/09/2022  0
Nhiếp ảnh từ khi hình thành và phát triển tới nay cũng vừa tròn hai thế kỷ, tính từ hình ảnh đầu tiên trên thế giới do Niépce tạo ra năm 1822.

Ban đầu, nhiếp ảnh ra đời như là kết quả của khoa học thực chứng vào đầu thế kỷ 19 trong nỗ lực tạo những hình ảnh khách quan hơn tái hiện tự nhiên. Nhưng rất nhanh chóng sau đó, nhiếp ảnh trở thành một chất liệu nghệ thuật được nhiều nghệ sĩ ứng dụng, dần dần khiến nhiếp ảnh nói riêng có một tiếng nói nghệ thuật độc lập cũng như đóng góp vào khả năng biểu đạt giàu có của ngôn ngữ nghệ thuật thị giác nói chung.

Quá trình này diễn ra suốt chiều dài của lịch sử nghệ thuật hiện đại cũng như nghệ thuật đương đại. Ngày nay, trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng nghệ thuật uy tín trên thế giới, các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật luôn có một chỗ đứng không thể thiếu.

Một công đoạn chuẩn bị cho triển lãm Chloris.

Nhiếp ảnh nghệ thuật bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cùng những trào lưu, tư tưởng ảnh hưởng từ văn hoá và thẩm mỹ hàn lâm của Pháp. Tuy nhiên, từ khi đất nước dấn sâu vào thời kỳ chiến tranh, nhiếp ảnh chuyển sang xu hướng ghi tài liệu cũng như dần xa rời những vận động của các trào lưu nghệ thuật trên thế giới. Chỉ tới lúc mở cửa nền kinh tế  đồng thời mang sự giao lưu quốc tế trở lại trong mọi địa hạt của đời sống, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam mới phần nào có những cơ hội cập nhật cũng như giao thoa cùng khu vực và thế giới.

Dẫu vậy, có lẽ do mất kết nối và lạc điệu khá lâu, cho tới giờ thì sự nhận diện của những thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam vẫn không nhiều. Rất hiếm thấy các tác phẩm nhiếp ảnh ngay cả trong những gallery nghệ thuật uy tín và lâu đời nhất. Trong bộ sưu tập của các bảo tàng mỹ thuật và nghệ thuật lại càng chưa bao giờ có sự xuất hiện của các tác phẩm nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh nghệ thuật hầu như vẫn chưa được coi là một chất liệu nghệ thuật được giảng dạy một cách chính thống trong các trường đào tạo nghệ thuật/mỹ thuật ở Việt Nam. Số lượng những nghệ sỹ thực hành với nhiếp ảnh còn rất khiêm tốn.

Chính từ thực tế đó nên phần lớn những thực hành về nhiếp ảnh nghệ thuật trong nước hiện nay đều đến từ những nghệ sỹ có nền tảng đào tạo hay làm việc tại nước ngoài. Nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng hay nghệ thuật đa phương tiện nói chung có thể nói cũng là chất liệu tạo nên tên tuổi của khá nhiều nghệ sỹ đương đại trong những năm gần đây.

Trong số rất ít ỏi những nghệ sỹ bản địa thực hành nghiêm túc với chất liệu nhiếp ảnh nghệ thuật, có sự xuất hiện của nghệ sỹ Phạm Tuấn Ngọc. Yêu thích và gắn bó theo đuổi những kỹ thuật thủ công của nhiếp ảnh truyền thống, Tuấn Ngọc đã tự mở phòng tối Noirfoto cũng như chuyên tâm thực hiện các dự án nhiếp ảnh sử dụng các kỹ thuật nhiếp ảnh thủ công thời kỳ đầu, bắt đầu từ nhiếp ảnh đen trắng.

Thực hành của Tuấn Ngọc vừa nhằm gìn giữ những kỹ thuật đó vừa nhằm phát triển chúng và tiếp tục đẩy xa giới hạn sáng tạo nghệ thuật của nhiếp ảnh nói chung. Những công việc của Tuấn Ngọc trong những năm gần đây là rất đáng quý, góp phần đáng kể làm giàu có và đa dạng cho những thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật vốn rất hiếm hoi ở Việt Nam, cũng như cho bối cảnh chung của thực hành nghệ thuật đương đại trong nước

Nghệ sỹ Phạm Tuấn Ngọc kiểm tra tác phẩm sau khi in.


So với triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Paris 9 sử dụng nhiếp ảnh thủ công đen trắng truyền thống, với triển lãm Chloris, Tuấn Ngọc tiếp tục mở rộng biên độ tác phẩm của mình từ tư duy sáng tác cho tới những thử nghiệm về chất liệu.

Anh đưa tới những cảm quan mới gần với chất liệu sơn mài trong hội hoạ, đồng thời mang lại cảm giác trừu tượng từ những đối tượng cụ thể - là những bông hoa được “bất tử" hay thậm chí là “tái sinh” bằng kỹ thuật lumen print (in nắng trên giấy ảnh đen trắng).

Chloris Bất tử, anh lưu giữ linh hồn của hoa bằng những bản in độc bản do hoa tự tạo hình trực tiếp trên giấy ảnh quét chất nhạy sáng. Ở Chloris Tái sinh, anh sử dụng loại giấy tráng phủ ánh kim loại để tiến hành phương pháp in mỹ thuật, phóng lớn những hình ảnh còn đọng lại sau các cuộc “trình diễn” của những bông hoa khi “hoá thân” bằng tinh khí nhựa sống của mình với tinh thể bạc giải phóng từ bề mặt giấy ảnh đen trắng, dưới ánh nắng chói gắt kéo dài, nhiệt năng tăng cao, và cả độ ẩm khắc nghiệt của xứ phương Nam. Những lớp lang hình ảnh màu sắc dần dần được thành hình bởi sự trộn lẫn và biến đổi của chất hoá học trong suốt nhiều giờ đồng hồ “phơi nắng” đã được tái tạo lần nữa trên bề mặt giấy tráng phủ kim loại khổ lớn, như gợi nên cả quy trình và hiệu ứng của các lớp màu sơn mài ẩn hiện toả sáng đan xen giữa các lớp bạc quỳ.

Một số tác phẩm trong triển lãm Chloris của Tuấn Ngọc.

Trong vai trò giám tuyển cho triển lãm Chloris của Tuấn Ngọc, cũng như từ góc độ vừa là một người thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật song song với thực hành chất liệu hội hoạ truyền thống Việt Nam như lụa và sơn mài nhiều năm nay, tôi thấy nhiều sự đồng cảm trong tư duy hình thành tác phẩm của tác giả với lần thử nghiệm mới này.

Có thể nói triển lãm Chloris  là tiếp nối những thử nghiệm sẵn có về sự giao hoà giữa hội hoạ và nhiếp ảnh, cũng như đặc biệt thể hiện những chiêm nghiệm mới của tác giả về những ý nghĩa của quy luật tự nhiên trong sự tái sinh và luân hồi, gợi mở cho người xem những suy tưởng và thẩm mỹ mới mẻ khi tiếp xúc với hành trình thử nghiệm và khám phá kỹ thuật lumen print đầy kỳ ảo.

Một số tác phẩm trong triển lãm Chloris của Tuấn Ngọc.

Nguyễn Thế Sơn

Triển lãm cá nhân Chloris của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc, hợp tác với giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và Vy Gallery, ra mắt triển lãm nghệ thuật thị giác mang tên Chloris do Noirfoto tổ chức.

Bộ tác phẩm khai thác các loài hoa và được thực hiện bằng một kỹ thuật nhiếp ảnh hoàn toàn mới tại Việt Nam: “in nắng trên giấy ảnh đen trắng” hay lumen print.

Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc, tiếp tục đánh dấu một bước tiến đáng chú ý trong hành trình nghiên cứu và khám phá bền bỉ của anh về chất liệu nhạy sáng của nhiếp ảnh thủ công với kết quả là những tác phẩm kỳ ảo, độc nhất, và mang hiệu ứng thị giác vô cùng ấn tượng.

Triển lãm khai mạc lúc 18h ngày 16.9.2022.

Mở cửa 9h - 20h từ 17 - 30.9.2022, thứ Hai đến thứ Bảy.

Địa chỉ: Vy Gallery, 20 Nguyễn Văn Thủ,  phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM

________________

Phạm Tuấn Ngọc (1982) là nhiếp ảnh gia – nghệ sĩ, chuyên gia in ấn ảnh thủ công và cố vấn nhiếp ảnh. Anh cũng là người sáng lập ra Noirfoto Darkroom-Gallery-Studio dành riêng cho nhiếp ảnh nghệ thuật. Phạm Tuấn Ngọc đã bắt đầu làm việc như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và biên tập ảnh từ năm 2011 trong lĩnh vực nhiếp ảnh biên tập và thương mại cho tạp chí, báo chí, và các nhãn hàng.

Từ năm 2017, anh xây dựng Noirfoto với phòng tối chuyên nghiệp mở đầu tiên tại Việt Nam, nơi anh mở rộng thí nghiệm và sáng tác với tất cả mọi quy trình tạo ảnh thủ công khác, trau dồi những kỹ thuật nhiếp ảnh có từ ngày đầu của lịch sử nhiếp ảnh.

Bên cạnh đó, Phạm Tuấn Ngọc cũng tổ chức và là người giảng dạy hay diễn giả cho các trò chuyện, buổi giảng, buổi workshop, portfolio review… về nhiếp ảnh.

Các triển lãm, gồm triển lãm nhóm Noirfoto Group Show (TP.HCM – 7.2020); Triển lãm cá nhân 9 – Paris in Black & White (TP.HCM – 4.2019, Hà Nội – 7.2019); Triển lãm nhóm Chuyện châu Âu (TP.HCM – 2011); Triển lãm nhóm Up and Down (Hà Nội – 2010); Triển lãm nhóm Je suis étudiant Vietnamien (Paris – 2009);  Triển lãm nhóm Mon tendre Hanoi (Paris – 2008).


Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sĩ thị giác, một nhiếp ảnh gia, giám tuyển độc lập và là giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật Hà nội, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật và nghệ thuật thực nghiệm tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh (CAFA).

Các tác phẩm của anh thường mang đậm tính chất nghiên cứu xã hội học, chất vấn và suy tư về ký ức và những giá trị nhân văn bị đổ vỡ và mất mát trong quá trình xung đột giá trị của xã hội Việt nam thời kỳ chuyển đổi. Nguyễn Thế Sơn đã thực hiện hơn 20 triển lãm cá nhân và rất nhiều các triển lãm nhóm được trưng bày triển lãm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc… Tác phẩm của anh đã được sưu tập tại một số bảo tàng như Worcester Art Museum, Đại học RMIT, bảo tàng nghệ thuật CAFA, bảo tàng mỹ thuật tư nhân Trần Hậu Tuấn, Bộ sưu tập trong nghệ thuật đương đại trong không gian Nhà Quốc Hội Việt Nam, Wink Hotel, Canvas International Art, Amsterdam, Đại sứ quán Pháp tại Hà nội ...

Ngoài những dự án cá nhân, trong vai trò là giảng viên, anh đã giúp đỡ các sinh viên trẻ tài năng ham học hỏi tổ chức các workshop và dự án triển lãm. Ngoài ra anh cũng mở hướng kết nối nghệ thuật đương đại với các không gian công cộng thông qua các dự án như Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, Không gian nghệ thuật trong hầm nhà Quốc hội, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Dự án ECO-SUS tại trung tâm ICISE, Qui Nhơn, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm...

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
in túi giấy Hà NộiXưởng in kẹp file Hoàng Gia

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.