mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Câu chuyện tia sáng từ Tin Sáng

 11:00 | Chủ nhật, 26/06/2016  0
LTS. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) là một lãnh đạo cao cấp hết sức quan tâm đến hoạt động báo chí, thậm chí am tường công việc của người cầm bút, do vậy đã để lại trong lòng những nhà báo từng được gặp và làm việc với ông ấn tượng không thể nào quên. Nhân hai sự kiện được nhiều người nhắc đến trong tháng 6: ngày giỗ thứ tám của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (11.6) và Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), xin giới thiệu lại bài viết "Một tư duy đặc biệt về lãnh đạo báo chí" của một cựu Tổng biên tập báo Phụ Nữ (TP.HCM) in trong cuốn Võ Văn Kiệt, Người thắp lửa (NXB Trẻ, phát hành 6.2010). Tác giả có bổ sung nội dung. Tựa mới của Người Đô Thị.

Tháng 12.1976, trên chiếc máy bay đặc biệt cất cánh từ Tân Sơn Nhất chở Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt cùng một số người khác đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội, có một nhà báo của một tờ báo không thuộc biên chế “báo chí nhà nước”. Người đó là ông Dương Văn Ba, Phó tổng biên tập báo Tin Sáng, là một trong hai tờ báo tư nhân  còn lại của Sài Gòn thời điểm đó. 

Riêng cái việc đình bản các tờ báo cũ của Sài Gòn sau ngày 30.4. 1975, nhưng để lại tờ Tin Sáng, đã làm cho gương mặt tinh thần của thành phố Sài Gòn trở nên bình thường hơn rất nhiều so với những đô thị khác ở miền Nam thời gian đó, thậm chí so với Hà Nội mấy tháng liền sau ngày 10.10.1954. Người Sài Gòn chưa phải đã quen ngay với tờ Sài Gòn Giải Phóng, mới phát hành ngày 5.5.1975. Vậy thì đã có tờ Tin Sáng để cho độc giả lựa chọn giữa hai tờ nhật trình.

Rồi ngay sau đó, ngày 19.5.1975, tờ Phụ Nữ Sài Gòn được ra mắt thay cho các tờ báo phụ nữ của Sài Gòn cũ đã đình bản. Ngày 2.9.1975 thành phố mới giải phóng lại có thêm tờ Tuổi Trẻ. Và sang đầu năm 1976, tờ Công Nhân Giải Phóng (tiền thân của báo Người Lao Động) ra đời. Như vậy, chỉ trong vòng bảy tháng, thành phố 3 triệu dân mới được chính quyền cách mạng tiếp quản đã có hai tờ báo ra hàng ngày và ba tờ báo ra hàng tuần phục vụ nhu cầu thông tin của các giới phụ nữ, thanh niên và công nhân lao động.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm trụ sở mới của báo Tuổi Trẻ. Ảnh Nguyễn Công Thành


Một trong những người có ảnh hưởng lớn đến quyết định giữ lại báo Tin Sáng bên cạnh việc nhanh chóng cho ra mắt các tờ báo của chính quyền cách mạng như vừa kể, là ông Võ Văn Kiệt. Với cương vị là người đứng đầu chính quyền và cũng là người chịu trách nhiệm cao nhất về Đảng ở thành phố Sài Gòn mới giải phóng, ông thấu hiểu báo chí có vị trí quan trọng như thế nào và ảnh hưởng đặc biệt như thế nào đối với người dân ở đô thị lớn nhất Việt Nam lúc đó. Một mặt, do ông ở trong số ít các nhà lãnh đạo đã định hình rất sớm tư duy xây dựng lực lượng cách mạng trong lòng đô thị bị tạm chiếm.

Đoạn trích sau đây ở trang 40 cuốn Anh Sáu Dân trong lòng dân minh chứng cho điều ấy: “Khi ông Lê Đức Anh được cử vào Nam tham gia Bộ chỉ huy Miền và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Lê Duẩn “Phải xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang cả trong đô thị và vùng ven đô thị”, tướng Trần Văn Trà đã trả lời như một sự khẳng định sự đúng đắn chủ trương (này) mà ông Kiệt đã chỉ đạo và triển khai từ trước đó “Vấn đề đó thì phải mời anh Sáu Kiệt”.

Mặt khác, là do sự nhạy cảm và tầm nhìn rất xa của ông trong việc xây dựng đội ngũ làm báo ở Sài Gòn trong giai đoạn mới. Ông thường tâm sự với những đồng chí có trọng trách và gần gũi với ông, như ông Chín Đào (Phan Minh Tánh), ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ), rằng anh em làm báo của mình ở trong chiến khu ra được trang bị quan điểm cách mạng khá vững chắc và có ít nhiều khả năng viết các bài báo. Nhưng còn nhiều thứ khác của nghề làm báo, nhất là làm báo ở đô thị lớn thì anh em mình thuộc loại i tờ. Anh em làm báo Sài Gòn giỏi nghề và trong đó nhiều anh chị em có tâm huyết với dân tộc, thế nên họ mới còn ở lại với chế độ mới. Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo điều kiện cho anh chị em làm báo cũ được tiếp tục hành nghề trong chế độ mới. Đồng thời gấp rút tổ chức các khóa đào tạo báo chí, vừa có giảng viên ở Hà Nội vào và chiến khu ra, vừa có cả một số anh em của Tin Sáng tham gia trao đổi hướng dẫn về quản lý tòa soạn, in ấn và kinh doanh báo chí.

Những lớp đào tạo báo chí ngắn hạn đầu tiên ở thành phố đã được tổ chức ngay trong năm 1975 - 1976. Phụ trách là ông Võ Nhơn Lý (nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, nguyên phó ban Tuyên giáo Thành ủy). Một trong những địa điểm học là nhà số 158E Đồng Khởi. Những học viên báo chí buổi đầu ấy nay còn có các nhà báo Đàm Thanh, Thế Thanh, Đỉnh Chi, Ngọc Tuyết... Ngay từ thời đó, ông Kiệt đã sớm nhắc nhở các tổng biên tập không nên ỷ lại vào sự bao cấp của ngân sách mà nên tìm mọi cách bán được báo và tạo ra các nguồn thu hợp pháp để báo sống được. Muốn báo có nhiều người đọc, dĩ nhiên phải đưa vào trang báo những vấn đề sát sườn của đời sống mà người đọc - người dân đang quan tâm, ông nhấn mạnh như vậy.

Người đọc Sài Gòn những năm đầu giải phóng không thể quên các trang báo sinh động, hấp dẫn với giọng điệu “nói thẳng, nói thật” (tuy chưa thẳng hết, thật hết) của báo Tin Sáng những năm sau ngày 30.4.1975. Mục Tư Trời Biển được khoái nhất, vì nó cũng tương tự như các mục Bút Bi (Tuổi Trẻ), Ba Thợ Tiện (Lao Động), Phiếm (Người Đô Thị) bây giờ - quan sát những biểu hiện chưa hay trong xã hội (mới) và đưa nó lên mặt báo với các “mũi chích” đích đáng. Nhiều lời ra tiếng vào từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên về các bài được cho là “quá đà” của Tư Trời Biển. Ông Kiệt lắng nghe hết và căn dặn những người làm tuyên huấn của thành phố phải bình tĩnh. Những lời góp ý với chính quyền mới về cơ bản là chân thành, là có thật chứ không vu khống, bịa đặt. Và phải thừa nhận sự góp ý đó là cần thiết. Vấn đề là tai nghe của chúng ta nghe được tới đâu và cần nhắc nhở anh em liều lượng nên tới đâu.

Muốn báo có nhiều người đọc, dĩ nhiên phải đưa vào trang báo những vấn đề sát sườn của đời sống mà người đọc - người dân đang quan tâm, ông Võ Văn Kiệt nhấn mạnh như vậy.

Rồi cái gì đến cũng đã đến. Thành ủy nhận được chỉ đạo triển khai “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” cho báo Tin Sáng. Chính đây là lúc ông Kiệt thể hiện thật xuất sắc cái tâm của người cách mạng (đích thực) và cái tầm tư duy lãnh đạo (báo chí). Ông đã đưa ra ý kiến, cùng với tập thể Thường vụ Thành ủy bàn bạc tìm cách thực hiện chỉ đạo của cấp trên một cách đúng đắn nhất, có lợi nhất cho thành phố, cho đất nước.

Ông nhiều lần họp với cán bộ tổ chức Thành ủy và Tuyên huấn Thành ủy, đặc biệt là họp với các anh Kỳ Phương (Đảng cử sang báo Tin Sáng với vai trò cố vấn chính trị), Ngô Công Đức (chủ nhiệm), Hồ Ngọc Nhuận (chủ bút), với cả các anh Lý Quí Chung và Trần Trọng Thức nữa, về lực lượng nhân sự, về tâm tư nguyện vọng, về khả năng làm báo của từng anh chị em ở Tin Sáng.

Kết quả là nhiều anh chị em có nghề và có nguyện vọng muốn tiếp tục làm nghề sau khi tờ báo “hòan thành nhiệm vụ” đã được bố trí về làm việc ở các tờ báo của thành phố. Các anh chị Cung Văn, Trương Lộc, Trương Thọ, Triệu Bình, Võ Hàn Lam, Phùng Kim Vy, Hồ Nguyễn... về báo Sài Gòn Giải Phóng. Các anh Lý Quí Chung, Trần Trọng Thức, Võ Văn Điểm... về Tuổi Trẻ. Chị Huỳnh Thị Mỵ Cơ về báo Phụ Nữ. Các anh Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận về công tác ở Mặt trận Tổ quốc thành phố và đảm trách thêm công việc ở Hội Nhà báo TP.HCM.

Bố trí công việc xong cho các anh chị Tin Sáng cũ, thỉnh thoảng ông Kiệt lại mời các anh Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận đến hỏi thăm tình hình, xem các anh chị về nơi mới làm việc có “êm” không, có khó khăn gì cần ông tác động giải quyết không. Họp với tổng biên tập các tờ báo có tiếp nhận “người Tin Sáng” về làm việc, điều ông luôn nhắc họ là phải thật sự trân trọng kinh nghiệm nghề nghiệp của anh chị em Tin Sáng, phải nhanh chóng học hỏi để được chuyển giao kinh nghiệm của anh chị em, nhất là kỹ năng tác nghiệp báo chí và quản lý kinh doanh báo chí.

Ông cũng không giấu sự e ngại nếu ở đâu đó để xảy ra tình trạng kỳ thị, đố kỵ, “cảnh giác quá trớn” với số anh chị em Tin Sáng được bố trí về làm việc ở các tờ báo. Bà Phương Điền (Nguyễn Ngọc Nga) - Tổng biên tập đầu tiên của báo Phụ Nữ (sau thời kỳ đầu phụ trách của bà Đỗ Duy Liên) mỗi lần đi họp với Thành ủy do ông Võ Văn Kiệt chủ trì về đều thuật lại với các cán bộ chủ chốt của báo những chỉ đạo ấy của ông Kiệt.

Nhìn lại sự phát triển của các tờ báo của thành phố ra đời từ năm 1975 - 1976; nhìn lại cả một đội ngũ làm báo xưa và nay chen vai góp bút bên nhau; nhớ lại sự đóng góp quan trọng của anh chị em báo Tin Sáng cũ đối với nhiều cơ quan báo chí sau năm 1981 (nhiều anh chị em đã trở thành thư ký tòa soạn, trưởng hoặc phó ban chuyên môn như Lý Quí Chung, Trần Trọng Thức, Cung Văn, Mỵ Cơ, Võ Hàn Lam...); đọc lại các bài báo của Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Trần Trọng Thức, Lý Quí Chung, Võ Hàn Lam... trên các trang báo Sài Gòn 40 năm qua; nhớ lại quá trình ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng báo Tuổi Trẻ - cơ quan ngôn luận của giới trẻ thành phố theo các tiêu chí Trẻ - Đỏ - Sài Gòn; nhìn lại và nhớ lại tất cả, bỗng thấy quý trọng khôn xiết tầm nhìn rất xa và tư duy rất đặc biệt về lãnh đạo báo chí của ông Võ Văn Kiệt. Quý trọng và thương nhớ ông biết chừng nào...

Nguyễn Thế Thanh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.