Không đơn thuần ngắm nhìn cái hang và dòng sông trong hang rồi ra về, hang Én còn hấp dẫn với khách, khi họ có thể tắm trên dòng sông trong mát, ngủ đêm trong lều, nghe tiếng gió thổi luồn qua hang, kèm tiếng suối róc rách xa xa, tiếng chim én kêu chít chít suốt đêm, chờ những khe nắng đầu tiên trong ngày xuyên qua cửa hang...
LTS: Mới đây Thủ tướng vừa đồng ý về chủ trương với đề xuất bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én, hang lớn thứ ba thế giới. Liệu việc xây dựng cáp treo này có phù hợp? Người Đô Thị xin giới thiệu một ghi chép và hình ảnh thực tế du lịch tới hang Én hiện nay. Như là một góc nhìn cần cân nhắc cho việc muốn phát triển du lịch trong vùng lõi Vườn Quốc gia này.
Cửa sau của hang Én, hình ảnh hay bị dung nhầm lẫn khi mô tả sự vĩ đại của Sơn Đoòng
Đối với tất cả những người chưa một lần đặt chân đến hang Én và chỉ đọc những bài viết trải nghiệm cũng như quảng cáo về hang Én, chắc chắn sẽ không khỏi khao khát một lần được tới thăm.
Đặc biệt, với xu hướng du lịch selfie-check in hiện nay, thì việc có thể khoe với thế giới, đặc biệt là thông qua các mạng xã hội, rằng mình đã đến đó sẽ là một khao khát tột đỉnh; và sẽ rất hào hứng, ủng hộ nếu như bất cứ công ty, hay tổ chức nào có thể tìm ra một giải pháp đi “ngay và luôn” đến đó, mà không phải quá mất công sức, thời gian và tiền bạc, những thứ mà cuộc sống hiện đại luôn muốn để dành và tiêu dùng xứng đáng.
Cửa lớn của Hang Én bị đá đổ che và cây mọc, chủ yếu lấy ánh sáng vào trong hang
Không đơn thuần mà các công ty lớn về du lịch muốn đáp ứng nhu cầu du lịch đại trà bằng mọi giá có thể, cái tên Hang Én hay Sơn Đoòng trong vòng vài năm trở lại đây luôn là một “từ khóa” để bất cứ doanh nghiệp nào muốn khuếch trương tên tuổi và chứng minh là “có tiềm lực về tài chính” muốn gắn tên vào.
Tuy nhiên, với những hang động tại Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung, việc khai thác các sản phẩm du lịch sẽ mang lại những giá trị gì trước mắt và lâu dài cho công ty đầu tư, người địa phương và du khách, chứ không chỉ tập trung vào thành tích thu hút đầu tư của riêng cơ quan nhà nước tại địa phương?
Cửa vào nằm dưới chân hang, nơi con sông Rào thương chảy vào hang
Chưa đề cập đến việc hang Én nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, nơi hạn chế đầu tư khai thác các hoạt động du lịch đại trà, là một người trải nghiệm, người viết muốn chia sẻ về chuyện hang Én hứa hẹn gì cho hoạt động du lịch tại Việt Nam.
Hang Én có gì
Theo tính toán đo đạc của giới chuyên gia hang động quốc tế, trước khi Sơn Đoòng được chính thức công nhận là hang động lớn nhất thế giới, thì hang Én được xếp lớn thứ 2 sau hang Deer tại Malaysia. Tất nhiên đó là những quần thể hang trên trái đất này được tìm thấy, đo đạc và xếp hạng cho đến nay.
Bãi cát trong hang cạnh dòng sông, nơi cho khách ăn uống, giao lưu và nghỉ đêm, vào cuối năm, khu vực ngày thường bị nước lũ dâng ngập
Thông số về hang Én được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông là “có chiều dài hơn 1,6 km, gồm 3 cửa, trần hang có nơi cao 100m, nơi rộng nhất 170 m”, trong hang có “con suối trong xanh chảy quanh co dẫn đến núi Sơn Đoòng”.
Hang Én, một thời gian làm mưa làm gió trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Thậm chí, nhiều trang tin và sản phẩm ảnh, lịch treo tường còn dùng nhầm một cửa của hang Én làm hình minh họa cho “độ lớn, rộng của hang Sơn Đoòng”.
Trải nghiệm thời gian ngủ đêm và đón những ánh sáng đầu tiên trong ngày qua cửa hang là một trong những hoạt động thú vị nhất tại Hang Én.
Đình đám nhất là chương trình chương trình truyền hình trực tiếp nổi tiếng Good Morning American ở Mỹ đã thực hiện năm 2016, khi phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào tận nơi để ghi hình, trả lời phỏng vấn quảng bá cho chuỗi kỳ quan thiên nhiên Hang Én- Sơn Đoòng.
Bộ phim bom tấn Pan (2015) của Hollywood cũng ghi hình hang Én (cùng với vịnh Hạ Long) để đưa vào phim. Nhưng tất nhiên, chỉ những người đã vào hang Én mới có thể nhận ra một vài phân cảnh mà đoàn làm phim đã ghi hình và lồng ghép thành một vài bối cảnh trong phim.
Nhưng ngoài to lớn rộng rãi và có dòng sông ngầm chảy quanh, Hang én còn gì phục vụ du lịch đại trà? Người viết bài này đã ngủ 2 đêm tại hang Én khi tham gia một tour trekking năm 2015 cùng với nhóm 10 người cả Việt Nam và nước ngoài.
Một số cây khô dựng trong hang được tận dụng làm nơi phơi một số quần áo dễ khô qua đêm.
Tất cả những hoạt động của đoàn là: bơi, tắm ở một góc dòng sông trong hang, leo lên một số điểm ngắm nhìn sự hùng vĩ của hệ thống hang động, ngửi mùi hôi của phân én rơi đầy mặt đất, và nghe tiếng chúng chít chít không ngừng vào ban đêm. Điều thú vị nhất là câu chuyện về cấu tạo hang động mà các chuyên gia giải thích cho lịch sử hình thành những khối núi đá vôi trong vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, và những câu chuyện về ngày xưa, người dân đi rừng leo vách hang bắt én của nhóm poster.
Hệ thống các cột thạch nhũ, măng đá, hay trứng đá giống như các hệ thống hang động khác tại Hạ Long hay Phong Nha, không hề được giới thiệu hay nhìn thấy tại hang Én.
Nhà vệ sinh tiêu hủy bằng vỏ trấu trong hang Én
Hang Én có ba cửa. Có thể hiểu đơn giản, mặt trước của hang gồm hai cửa. Một cửa hình thành do đá sụp nằm ở lưng chừng nên chủ yếu đón ánh sáng vào hang. Cửa còn lại nằm ở chân hang là cửa chính vào hang nghỉ chân, cắm trại. Ngay cửa hang này là nơi dòng Rào Thương chảy vào, xuyên qua hang ra cửa sau để tiếp tục chảy tới Sơn Đoòng. Cửa sau hang to, rộng và hùng vĩ, nơi bất cứ ai ngang qua cũng không thể không dừng lại hồi lâu cảm nhận sự nhỏ bé của con người.
Làm gì trong Hang Én
Với địa hình và lợi thế hiện nay, hang Én hiện được khai thác 2 loại tour du lịch mạo hiểm. Đó là tour 2 ngày một đêm (7,5 triệu) cắm trại qua đêm tại hang Én, và một phần trong tour thám hiểm Sơn Đoòng (khoảng 68 triệu).
Một điểm phía trong hang, nơi cửa sau, thường được lựa chọn chụp những tấm hình thể hiện sự hùng vĩ và chiều sâu của hang.
Với bãi cát trồi trong lòng hang bên cạnh dòng sông ngầm, các tour được xếp xen kẽ để không gây quá tải cho không gian, vì cắm trại qua đêm đồng nghĩa với, tắm rửa, nấu ăn, và vệ sinh cá nhân. Rác thải sử dụng và vệ sinh cá nhân đều được dùng phương pháp phân hủy tự nhiên, không dùng hóa chất hoặc do poster mang ra khỏi rừng. Du khách được hướng dẫn đề nghị dùng loại dầu tắm gội thân thiện môi trường khi sử dụng nước dòng sông trong hang.
Du khách không được tự ý đi ra khỏi khu vực cắm trại trong hang. Một phần vì để tránh đi lạc, đất đá rơi, trượt té, nguy hiểm tính mạng vì bên trong hang hoàn toàn tối và phải dùng đèn soi nhỏ gắn trên mũ đi hang. Phần vì các chuyên gia hang động muốn tránh sự xáo trộn, xả rác bừa bãi, gây nguy hại cho hệ sinh thái của hang.
Bên trong hang Én là các khối đá lớn, và măng đá hóa thạch có rêu phủ kín, chồng lên nhau tạo ra các trở lại cho việc di chuyển.
Không gian và tính chất đặc biệt của Hang Én hiện nay chủ yếu là một sản phẩm du lịch mang lại sự trải nghiệm gần gũi thiên nhiên hoang sơ cho giới yêu thích khám phá tự nhiên, muốn dành một quãng thời gian nào đó trốn chạy khỏi cuộc sống bận rộn, hiện đại, làm mới lại sức sống của bản thân.
Du khách đến hang Én để trải nghiệm sự hùng vĩ, tĩnh lặng của một không gian bên trong khối đá khổng lồ, tìm hiểu về lịch sử phát triển của địa chất, và tận hưởng sự hoang sơ, thiếu tiện nghi, sau một ngày đi bộ xuyên rừng mệt mỏi, chứ không đơn thuần ngắm nhìn cái hang và dòng sông trong hang rồi ra về.
Khách luôn phải di chuyển theo đường mòn có sẵn, tránh nguy hiểm hoặc tác động quá nhiều lên hệ sinh thái trong hang.
Hang Én chỉ giá trị với khách, khi họ có thể tắm trên dòng sông trong mát, ngủ đêm trong lều, nghe tiếng gió thổi luồn qua hang, kèm tiếng suối róc rách xa xa, tiếng chim én kêu suốt đêm, chờ những tia nắng đầu tiên trong ngày xuyên qua cửa hang, cùng những người bạn đồng hành trầm trồ trước vẻ đẹp của tạo hóa.
Nếu du khách chỉ lướt qua hang Én vài phút, hoặc thậm chí vài giờ trong ngày, số tiền bỏ ra dù có là bao nhiêu hoặc miễn phí cũng là một sự lãng phí không đáng chi, đặc biệt với những người đi du lịch thông minh hiện nay.
Mùa mưa lũ, các tour vào hang Én cũng ngưng do nước sông dâng cao trong khu vực.
Cột cát nhỏ bị xói mòn dần có một miếng sỏi nằm trên là một trong những tạo hình duy nhất nằm ở cửa hang sau, những cột cát này được tạo mới hàng năm sau mùa lũ.
Dân du lịch mạo hiểm thường nói: Hang Én là cửa ngõ vào sơn Đoòng, hoặc hang Én là bước đệm đến sơn Đoòng, vì nhiều lý do.
Thứ nhất, sau khi vượt qua ngày đầu tiên đi bộ từ ngoài đường vào đến hang Én kéo dài hơn chục cây số leo đèo lội suối, xuyên qua bản Đoòng, khách thám hiểm mới có thể chứng minh rằng mình có đủ sức tiếp tục đi tiếp đến Sơn Đoòng. Nếu du khách không thể chịu đựng được ngày đầu tiên, đồng nghĩa với việc sẽ phải kết thúc chuyến đi đến Sơn Đoòng, bằng cách tự trở về hoặc do poster khiêng, cõng.
Thứ hai, tham gia tour mạo hiểm đến Sơn Đoòng, du khách sẽ phải nghỉ đêm đầu tiên và đêm cuối cùng tại Hang Én (theo thiết kế của tour 6 ngày). Quãng đường từ đường nhựa vào Hang Én không nguy hiểm nhưng dài và khá tốn sức lên xuống các ngọn đồi; trong khi quãng đường từ Hang Én đến Sơn Đoòng ngắn hơn nhưng độ khó tăng lên vì phải vượt qua nhiều địa hình hiểm trở hơn.
Câu chuyện đề xuất làm cáp treo và du lịch đại trà tới các địa điểm được coi là di sản nhạy cảm của Việt Nam gần đây thường xuyên được các nhà đầu tư bất động sản và du lịch tại Việt Nam đưa ra, tạo nên những tranh cãi ồn ào, đặc biệt trên truyền thông và mạng xã hội.
Phía ủng hộ thì kêu gào mọi người đều được có quyền đến chiêm ngưỡng những di sản của nhân loại và đầu tư mang lại lợi nhuận cho các bên.
Phía phản đối thì cho rằng khai thác đại trà sẽ nguy hại cho di sản, thiếu tính bền vững, không mang lại lợi nhuận cho cộng đồng địa phương.
Nhà đầu tư thì cho rằng đối thủ đang ganh ghét và muốn phá, nên cũng muốn làm cho bằng được, tất nhiên với nhiều sự tính toán khác, không đơn thuần là mục đích lợi nhuận kinh doanh từ du lịch.
Chính quyền địa phương thì bị áp lực thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và tìm kiếm nguồn thu cho tỉnh nhà.
Chỉ có điều, bất kỳ lĩnh vực dịch vụ hay sản xuất nào cũng có những sản phẩm dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Ngành du lịch cũng thế, khi muốn khuyến khích khách trong nước đi du lịch hoặc, thu hút khách nước ngoài đến, cần phải có những sản phẩm đa dạng cho khách lựa chọn, cả về đại trà chuyên sâu.
Du khách ra khỏi cửa sau hang Én, hướng về Sơn Đoòng.
Những khách du lịch ưa thích mô hình du lịch mạo hiểm, khám phá, họ cũng cần được tôn trọng và có những sản phẩm cho họ. Số tiền họ bỏ ra cho mỗi tour không nhỏ, trong khi mức tác động đến điểm đến lại rất nhỏ.
Khách du lịch cũng nên được giáo dục cho việc chọn tour, tiêu tiền phù hợp sở thích, và ứng xử với các sản phẩm du lịch một cách có văn hóa.
Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm và bài học về sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và di sản khi mở cửa cho du lịch đại trà ở nhiều điểm đến. Người dân Việt Nam nên được hỏi ý kiến cho các quy hoạch liên quan đến những vùng, khu vực dành riêng cho du lịch đại trà hay du lịch mạo hiểm, hạn chế du khách, để những người muốn bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên cho đời sau không phải lo lắng căng thẳng mỗi khi bất cứ một dự án khai thác du lịch đại trà nào được đề xuất.
Ninh Hạ