mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Biết và Tin

 19:01 | Thứ tư, 17/07/2024  0
Tín ngưỡng và văn hóa, tin tưởng một cách minh tuệ, sẽ có văn hóa trong cúng bái, hành xử. Thành phản xạ, thành thói quen, thành nếp sống.

Con gái mười sáu, tuổi phập phồng sinh học. Chị nhớ thời ấy, mình cũng phập phồng mây gió, gái trai, ma quỷ. Một buổi trưa mùa mưa, con đi học về con ăn cơm xong nhưng con nằm dài trên ghế đá ngoài ban công, rã rượi. Không ai nằm để tắm mưa. Chị ào ra, lay con, ôm lấy con “Sao vậy, trời ơi sao vậy?”. Con hất tay mẹ, ngồi bật lên, mắt gầm gừ tối, mặt xanh tái “Tui nói mà không nghe, đừng có lùa vịt đi ngang chỗ đó!”. “Đây không phải con tôi, con bị làm sao rồi con ơi?”.

Đứa con không khóc không run rẩy như mọi khi lúc mẹ dỗ dành. Đứa con đang hành xử không giống nó, đứa con bất ngờ xa vắng, đanh lạnh, thô lỗ: “Tui đi kiếm bầy vịt, tui phải đi kiếm bầy vịt!”.

Minh hoạ: CTV


Chị chưa từng tin nhưng biết những đứa trẻ yếu bóng vía thì dễ gặp tai ương kiểu này. Chị đã từng đi qua những cái chết, đi qua những nghĩa địa mới, đi qua bãi chiến trường cũ. Con gái hay nói “Vía mẹ mạnh, con ngồi sau xe mẹ con không sợ gì cả!”. Nhưng, nhưng chị nghĩ ngay khi thấy con ướt sũng mưa và cứ mãi nói về những con vịt, về bầy vịt trên cánh đồng nào đó, phải, phải tìm một vị thầy dân gian chăm sóc cho con, không bệnh viện không tây y gì hết.

Những người đàn bà khu phố cho một địa chỉ cụ thể, nơi đó nơi đó và ân cần: Kêu taxi chở chớ đừng ngồi xích lô, dọc đường nó giẫy, nó tốc chạy không rượt kịp đâu”. Cơ quan của chị giúp ô tô, cậu tài xế cơ quan gốc lính hiểu ngay tình thế phải tháp tùng mẹ con chị đến nơi đến chốn.

Ô tô đậu ở lộ chính, địa chỉ nhà Thầy trong hẻm sâu. Cậu tài xế giữ chặt một bên, người mẹ một bên, “thằng chăn vịt” giẫy kịch liệt bên trong cô bé, không chịu chạm mặt Thầy. Vào cổng là “nó - thằng chăn vịt” xuôi xuôi, thả lỏng quy hàng, để cho Thầy đón.

Thầy là một quân nhân đứng tuổi, dấu ấn chiến trận phong trần, chắc chắn vía mạnh. Đứa con được đặt nằm trên chiếc giường nhỏ, người đàn bà phụ việc Thầy đốt một nắm nhang to, ông cầm lấy lầm rầm luôn miệng, huơ nắm nhang trên đầu và huơ dài xuống bàn chân, huơ kỹ khấn kỹ hai bàn chân giần giật của cô bé.

Cô dịu dần, thiếp đi rồi nấc lên “Mẹ ơi, mẹ!”. Thở phào. “Nó chịu tui rồi, mỗi ngày đưa tới một lần, một tuần là khỏi”. Chị đỡ con ngồi dậy, ôm lấy con, con mềm nhũn trong tay mình, đứa con bé bỏng ngày nào, sau một cơn thập tử nhất sinh.

Con nghỉ học để mẹ chăm sóc. Mắt đã có thần, ngủ ngon và ăn thấy ngon. Con bảo Không nhớ gì hết, không thể nhớ gì hết.

Một tuần trôi qua, Thầy nhắn chị đến một mình: “Tui thấy cô tin chớ không như nhiều người khăng khăng nói mê muội mê muội vậy nên con của cô mau hết. Khi nào con cô trưởng thành, sự mạnh mẽ sẽ làm cho nó không để ai có thể bắt vía rồi dắt dẫn được. Đây, tui cho cô bức ảnh Thích Ca, cô mua khung, cô tới một ngôi chùa nào mà cô hay tới, cô nói Sư trụ trì làm phép cho, về cô thượng ảnh lên, mỗi khi con của cô co giật lảm nhảm, cô cứ niệm Phật, sẽ qua khỏi!”.

Từ đó Phật bước vào nhà chị. Con gái 17 tuổi, thi thoảng mưa gió đêm hôm sụt sùi, con bỗng co người vật vã “tui tui, cánh đồng, bầy vịt”, chị đưa con đến dưới ảnh Phật. Chị quỳ xuống, để con trong lòng mình, tay vuốt lưng con và Nam-mô-a-di-đà-phật, niệm không ngớt. Những cơn run của con lại ngớt dần. Nhiều đêm như vậy, con ráo tạnh, rồi con lớn lên, trời quang mây trắng, đẹp bồng. Cũng từ đó, những người đi cùng chiến hào với chị ngạc nhiên sao nhà chị không có ảnh lãnh tụ mà có “cái ông này”? Chị không nói gì, nói sao bây giờ và tranh luận làm chi với những kẻ vô thần ấy?

Chị được cấp nhà trong khu dân cư mới, vốn là đất nghĩa địa dỡ đi. Người ta dỡ sống sít, ván thiên vung vãi, chắc chắn có những ngôi mả lạng chìm xuống bên dưới bê tông. Chị và con vin vào Phật, đêm đêm cắm nhang cả bên ngoài căn nhà và lầm rầm khấn. Cơm nấu buổi sáng, đến chiều cơm thiu nhớt, ngả vàng.

Các bà cao tuổi trong khu dân cư phía ngoài khuyên “Cô cúng cô hồn đi, tụi tui ở bên rìa nghĩa địa này tui biết quá mà, bao nhiêu oan hồn lang thang, họ chọc ghẹo cô đó”. Thì cúng, ngày rằm ngày mồng một, tha thiết khấn Phật phù hộ độ trì như đã từng. Tháng Bảy năm nào cũng cúng to cúng đàng hoàng, nhang đèn hoa trái lòng thành. Yên ổn. Tin do biết và biết rồi thì sẽ tin hơn.

Tín ngưỡng và văn hóa, tin tưởng một cách minh tuệ, sẽ có văn hóa trong cúng bái, hành xử. Thành phản xạ, thành thói quen, thành nếp sống. Con lớn lên, con nhìn mẹ, thành kính và chừng mực, con sẽ thấy vậy là an vậy là đủ. Nam-mô-a-di-đà.

Dạ Ngân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.