Nằm trong khuôn khổ triển lãm đa phương tiện Carnevale Di Venezia, những chiếc mặt nạ Venice của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thuỳ Trang làm từ chất liệu truyền thống Việt Nam được trưng bày tại trung tâm Văn hoá Ý vừa qua, đã cho khán giả thủ đô cơ hội khám phá sự kỳ thú của chúng.
Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của nhân loại, Romeo và Juliet, cũng có chi tiết Romeo sử dụng mặt nạ hoá trang lẻn vào bữa tiệc của dòng họ Capulet để gặp được ý trung nhân của đời mình.
“Chiếc mặt nạ như một vũ khí bảo vệ, ngăn chặn không cho người khác nhìn thấy những gì ẩn giấu bên trong, là sợi dây liên kết giữa sự thật và dối trá. Vì sao họ lại muốn đeo mặt nạ? Vì muốn giấu kín con người, thân phận bên trong? Hay vì muốn sự bình đẳng trong xã hội?” - Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thuỳ Trang trăn trở.
Từ những thắc mắc đó, Thuỳ Trang đã tạo ra sáu chiếc mặt nạ đầy tính nghệ thuật, dựa trên phong cách mặt nạ Venezia: Volto, Bauta, Jester, Morreta, Pierot Tragico, Medico Della Peste. Mỗi mặt nạ đều mang một ý nghĩa riêng, biểu trưng cho một lớp người trong xã hội. Nếu như mặt nạ hoa là biểu tượng cho cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu, quý phái thì chiếc mặt nạ đỗ đen lại biểu tượng cho người phụ nữ tầng lớp dưới, nhỏ mọn, câm lặng. Chiếc mặt nạ đỗ đen được lấy cảm hứng từ mặt nạ Morreta, trong tiếng Ý nghĩa là “người đàn bà đen”. Nó còn có tên Servetta Muta, nghĩa là “người hầu gái câm”. Khác với mặt nạ hoa, nó không có môi hay miệng, khiến người đeo không thể nói hay giao tiếp được.
|
Cùng là mặt nạ hề, nhưng nếu mặt nạ Jester với chiếc mũ ba chỏm và khuôn mặt thiện ác khó đoán, mua vui cho khán giả thì mặt nạ Pierot Tragico khắc hoạ một anh hề buồn, ngây thơ, trong sáng, thường bị người ngoài lừa bịp.
Khán giả cũng sẽ ấn tượng với mặt nạ mỏ chim, được sáng tạo dựa trên mặt nạ Medico Della Peste. Vào thế kỷ 17, khi bệnh dịch hạch hoành hành, các bác sĩ thường đeo mặt nạ trên với hy vọng nó sẽ giúp ngăn ngừa sự lây bệnh. Ở thời hiện đại, chiếc mặt nạ mỏ chim được coi là biểu tượng của bệnh tật, tai ương.
Dự án nghệ thuật này được Thuỳ Trang thực hiện trong hai tháng. Cô sử dụng những chất liệu truyền thống của Việt Nam như: vải, chổi, tre, hạt đỗ, rơm... để sáng tạo ra những chiếc mặt nạ đầy tính nghệ thuật. Thậm chí, cô còn tỉ mỉ nghiền vỡ từng chiếc vỏ trứng để làm nguyên liệu cho tác phẩm của mình.
Thuỳ Trang đã mời sáu người không quen biết nhau, làm những ngành nghề khác nhau để tham gia một video art. Họ dùng sáu mặt nạ trên cải trang để tham dự một lễ hội carnival do chính họ tạo ra. Cô muốn nhấn mạnh tính ngẫu nhiên, bộc phát khi sáu cá thể lần đầu tiên gặp mặt, xem họ phản ứng với nhau như thế nào.
Thuỳ Trang chia sẻ, cô bị ám ảnh bởi “làn da thứ hai”, che giấu bản chất thật bên trong. Những dự án nghệ thuật tiếp theo của cô sẽ tiếp tục đi theo nỗi ám ảnh đó. Lần sắp tới có thể là một triển lãm về mặt nạ Việt Nam hoặc có thể một kiểu “làn da” khác, che giấu không chỉ khuôn mặt mà cơ thể con người.
Nguyễn Thuỳ Trang sinh năm 1988 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Ecole superieure des Beaux-Arts d’Angers - Pháp, chuyên ngành art - media và textile - tapisserie năm 2012. Trước đó, Trang theo học đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cô được biết đến trong vai trò là người sáng lập và giảng dạy tại xưởng Nghệ Thuật Tí Toáy dành cho trẻ em.
Anh Trâm