mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Bệnh sởi chỉ hết sau khi lan... cả nước!

 06:20 | Thứ bảy, 17/05/2014  0

Cuối tuần vừa qua, khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vẫn chật kín bệnh nhân mắc sởi. Chị Lê Thị Thành ngụ tại quận Bình Tân, đang chăm sóc con trai bị sởi nằm ngoài hành lang cho biết: “Bệnh nhi quá đông, nhiều trẻ nằm cùng một giường, thời tiết oi bức, thấy con nằm nhễ nhại nên bế con ra nằm hành lang cho thoáng”.

Không chỉ trẻ thành phố mắc sởi, bệnh nhân ở các tỉnh lân cận cũng chuyển viện ồ ạt lên TP.HCM.

Gia đình anh Nguyễn Đình Thu đưa con từ Bình Dương lên bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị sởi. Tay liên tục cầm khăn lau cho bé Tiên gầy ốm, anh chia sẻ: “Trẻ trong xóm hầu như đứa nào cũng mắc sởi, chúng lây qua nhau, riêng trường hợp của con gái tôi nặng nhất. Do bận đi làm nên hai vợ chồng chỉ đưa con đến phòng khám lấy thuốc, thấy bệnh con không giảm mà càng nặng hơn nên tôi quyết định đưa con lên thành phố điều trị”.

Anh Thu cũng cho biết, bé Tiên đã gần hai tuổi, hơn một năm nay gia đình không dám cho đi chích ngừa vì đọc báo thấy nhiều trẻ chết sau khi chích!

Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng chật kín bệnh nhi vào ngày thứ bảy. Tất cả các phòng đều quá tải, nhiều bệnh nhi đành phải nằm ở ghế bố, hoặc trải chiếu, mắc võng ngoài hành lang.

BS. Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết mỗi ngày khoa Nhiễm đều có 4-5 ca sởi nặng phải thở oxy. Hiện, khoa có một bệnh nhân nặng biến chứng dẫn đến viêm phổi, viêm não. Tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh với cục Y tế dự phòng - bộ Y tế vào ngày 10.4, bệnh viện Nhi đồng 1 đã thống kê số ca bệnh sởi tháng ba đã tăng gấp 1,5 lần so với tháng hai.

Cũng lo lắng với tình hình dịch sởi không thuyên giảm, BS. Đỗ Châu Việt, trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, bệnh sởi đang ngày càng phức tạp, lây lan rộng trong cộng đồng và cả trong bệnh viện. Trung bình mỗi ngày Nhi đồng 2 có 78 ca sởi điều trị nội trú. Một số trường hợp chuyển biến nặng do trẻ có sẵn bệnh nền mãn tính như viêm xoang, suyễn, tim mạch...

Thực tế tại bệnh viện như thế, còn theo BS. Nguyễn Trí Dũng, giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dịch bệnh trên địa bàn thành phố dự báo vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, “TP.HCM tuy ca bệnh có nhiều nhưng vẫn may mắn hơn ở ngoài Bắc. Ngoài miền Bắc chúng tôi đã ghi nhận 25 trẻ tử vong do sởi biến chứng nặng nề. Chúng ta vẫn đang cố gắng tìm nguyên nhân nhưng chưa có cơ sở về việc chủng gây bệnh biến đổi”, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng cục Y tế dự phòng - bộ Y tế nói.

Nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế nhận định bệnh bùng phát dữ dội và lan rộng là hậu quả của việc không tiêm ngừa vắcxin từ năm trước. Theo các chuyên gia y tế, mặc dù công tác chích ngừa được thúc đẩy mạnh hơn, nhưng những ca tử vong do chích ngừa trong thời gian qua khiến phụ huynh có tâm lý lo sợ, không đưa con đi chích ngừa. Thực trạng này sẽ dẫn đến tất cả trẻ em không chích ngừa đều mắc bệnh hết rồi mới hết dịch. Ngành y tế nên nhìn nhận thực tế này để có phương án dập dịch trong cả nước.

TS.BS Lê Trường Giang, nguyên phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, chủ tịch hội Y tế công cộng TP.HCM nhận định, “việc sởi bùng lên không phải là chuyện bây giờ mà rõ ràng chúng ta đã thất bại trong một thời gian dài về việc tiêm vắcxin. Số trẻ mắc sởi dưới chín tháng tuổi (độ tuổi chưa được tiêm ngừa) rất nhiều, chứng tỏ mầm bệnh sởi đang “lưu hành” trong cộng đồng.

Hoàng Bách

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.