mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Bay đi những cánh sâm cầm

 09:54 | Thứ năm, 07/06/2018  0
Mỗi lần đến Hà Nội là một lần thấy Hà Nội bé lại, cứ như người già, càng lúc càng co rút. Trẻ con thì lớn lên, người già thì bé lại, có lẽ đúng với Hà Nội của ta chăng. Hà Nội đã già chưa nhỉ? Một ngàn năm rồi còn gì. Dù người ta đã cố đã gộp cả Hà Tây vào Hà Nội thì trong mắt tôi, thủ đô cứ dần bé lại.

Những con ngõ chặt hơn, những con đường sau khi được “giải phóng” trong một chiến dịch đòi lại vỉa hè không khoan nhượng, cuối cùng lại về tay “nhân dân”, một chút xáo trộn như cuộc đời vốn dĩ nhiều xáo trộn. Cái xứ sở này thân thuộc có lẽ bởi vì nó vẫn luôn là như thế, đâu lại vào đấy, dù đã đi đến chân trời góc biển rồi thì khi trở về vẫn thấy mọi thứ nằm yên chỗ ấy, không biết có phải là điều hay hay không?

Những cái cây bị chặt thì cũng đã chặt rồi, cũng như con sâm cầm cuối cùng đã bay đi, “nhất khứ bất phục phản”, chỉ còn lại một vũng hồ dường như ngày càng bị khoét sâu. Tôi không thích những cái hồ, nó lúc nào cũng mang đầy vẻ tù đọng, những sinh vật trong đó cũng thế, như thể chúng đang bị giam cầm. Hay vì tôi đang  ngắm một cái hồ giữa Hà Nội mà cứ thấy mọi sự đều co cụm lại. Hà Nội co lại bởi nó được bao bọc bởi bốn mùa, cho nên có sự tuần tự, sinh lão bệnh tử, thời gian khắc dấu bằng mùa, nay oi, mai nồm, mốt rét. Khác với Sài Gòn, không gian và thời gian dường như chảy ra mãi dưới cái nắng, mọi thứ không có điểm dừng, mùa nào cũng nóng, bất tận, liên miên.

Hà Nội là một ông già đi lang thang qua băm sáu phố, kéo lê sau lưng là cả quá khứ và lịch sử. Đi qua năm cửa ô, khó có thể tưởng tượng cái lối hẹp tí ấy là nơi từng đoàn quân đi qua, từng đoàn quân trở về, từng đoàn quân cố thủ giữ đất kinh kỳ, mồ hôi của những người lính nhỏ xuống ướt đẫm cả con đường. Lịch sử là một phần của ông già ấy, một vết thương hay một kỷ niệm khó chịu lành.

Ảnh: Ba Salmon

Đứng trong căn phòng ở 87 Thuốc Bắc, trong căn phòng ngày xưa cụ Bùi Xuân Phái từng đứng, bên khung cửa sổ nhìn ra, đưa ngón tay bắt thành chiếc khung, dõi mắt nhìn xuống những căn nhà xung quanh, chẳng thấy mái ngói nơi con phố cổ như tranh nào, những mái ngói làm nên “phố Phái”, chỉ thấy những ngôi nhà phố cổ gánh gồng thêm mấy cục bướu, chắp vá bởi những gạch ngói giả tạm, đầy mệt mỏi.

Hà Nội đang mệt mỏi. Tưởng chừng cả phố run lên nhả ra một tràng ho dài khi gió lạnh thổi qua. Những đêm Hà Nội thật lạnh, cầu Long Biên trơ trọi dưới mưa, những con người lầm lũi đi chuyển chuyến hàng buổi sáng. Mưa trên cầu Long Biên có gì đó thật buồn, trên nền cái khung sắt trơ như một bộ xương voi sót lại của thời tiền sử. Như ký ức vạch một nét kẻ chì từ bờ bên này sang bờ bên kia, nối liền cái thực tại với mộng mị, hình thức lên một lớp sương huyền thoại hệt như tiếng kêu ban sớm của loài sâm cầm.

Những con sâm cầm bay đi kể từ ngày người ta đưa mặt ra nghe chửi đổi lấy cái ăn. Những khuôn mặt chủ quán hầm hầm, mỏ vểnh lên chỉ chực chờ chửi khách cho bằng được, và những vị khách cứ lầm lũi cúi đầu mà ăn, tôi không nhìn rõ mặt họ, không biết ăn trong tiếng chửi họ có vui không?

Hoặc nó cũng không đủ u uẩn để kết thành huyền thoại, nó chỉ còn là một câu chuyện cũ được kể đi kể lại quá nhiều lần không khớp được vào hiện thực, thành ra bối rối mất cân bằng. Một câu chuyện cũ kỹ về niềm tin, lẽ sống, và cái chuẩn mực ứng xử văn hóa. Chút tự tôn đã mất. Một chốn không còn đủ kiêu hãnh để cho loài sâm cầm tồn tại, loài sâm cầm cổ tích ấy, một cổ tích mới.

Và chúng bay đi, những giá trị ấy mà, chúng cứ bay đi, hãy bay đi như những cánh chim sâm cầm... 

Huỳnh Trọng Khang

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.