mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Bảo tồn dinh thự và biệt thự cổ: Chuyển từ thụ động sang chủ động

 05:29 | Thứ ba, 30/12/2014  0

Chưa bao giờ sự tàn phá công trình lịch sử ở mức độ cao như vậy kể từ thời phong kiến, và mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển tại Việt Nam lại trở nên quan trọng và được sự quan tâm của xã hội như vậy. Trong khi các chuyên gia thảo luận với nhau và với những người có trách nhiệm về việc làm sao chặn đứng làn sóng phá hoại các công trình lịch sử hiện nay, nhất là các biệt thự có giá trị để xây nhà cao tầng, báo hàng ngày vẫn tiếp tục đưa tin là ở đâu đó, có những công trình lịch sử bị xâm hại, phá bỏ, hoặc được bảo tồn không đúng cách. Vì vậy, số lượng các công trình lịch sử, nhất là biệt thự cổ, ngày càng giảm dần đến mức báo động.

Bốn mặt trận đấu tranh buộc Trung Quốc triệt thoái giàn khoan phi pháp - ảnh 2

KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Chìa khoá để giải quyết vấn đề cấp bách trên trong giai đoạn hiện nay, là thay đổi chiến lược bảo tồn và cải tạo biệt thự cổ từ thụ động sang chủ động.

Giải pháp thụ động

Trong nhiều thập niên qua, chúng ta chỉ mới chủ yếu tiếp cận vấn đề theo hướng thụ động không đem lại hiệu quả, do đó dẫn đến các tình trạng như:

Các nhà nghiên cứu thu thập tài liệu, viết sách báo, tổ chức hội nghị hội thảo về giá trị các công trình lịch sử, và về các giải pháp bảo tồn, cải tạo chúng một cách phù hợp. Nhưng thực tế là phần lớn các tư liệu này chỉ nằm đóng bụi trên giá sách, chưa thể tích cực đóng góp cho công tác bảo vệ công trình lịch sử, vì chưa thu hút được sự tham gia tích cực của những người có thể tạo tác động trực tiếp lên chúng, là chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư và các nhà quản lý.

Các nhà lãnh đạo trong chính quyền cũng có quan tâm đến nhu cầu cần bảo vệ giá trị lịch sử, cấp ngân sách cho việc nghiên cứu, phân loại, xếp hạng, và lên danh sách các công trình di sản phải bảo tồn. Nhưng ngân sách để thực hiện công tác bảo trì thì không nhiều, danh sách công trình di sản thường bị xếp xó, thỉnh thoảng lấy ra để cập nhật các công trình không còn tồn tại nữa, hoặc đôi khi còn bị lợi dụng để người ta có “lý do pháp lý” phá bỏ một công trình lịch sử có giá trị, bởi vì nó không được liệt kê trong danh sách di sản phải bảo vệ.

Những biệt thự cổ trên đường Pasteur (TP.HCM): quán cà phê góc Hàn Thuyên

Các chủ sở hữu và nhà đầu tư cơ hội tận dụng tối đa kẽ hở về mặt luật pháp và sự thiếu nhận thức giá trị bảo tồn và phương pháp bảo tồn hoặc cải tạo công trình lịch sử, để làm lợi cho mình. Cách thông thường nhất là làm sao gia tăng tối đa diện tích sử dụng sàn để bán hoặc cho thuê, cho dù phải xâm hại không gian lịch sử, công trình lịch sử, hoặc thậm chí phá bỏ chúng. Tuy ai cũng biết vậy là sai, nhưng hệ khung pháp lý một mặt chưa có những chính sách và hướng dẫn rõ ràng và tích cực hơn trong việc bảo vệ di sản vật thể, mặt khác vẫn phải đảm bảo quyền tư hữu và định đoạt về mặt xây dựng và sử dụng địa ốc của chủ sở hữu. Ngoài ra cũng có những trường hợp chủ sở hữu không cố ý làm sai, nhưng vì không được tư vấn, hướng dẫn, hoặc không được cung cấp thông tin cần thiết, nên đã vô tình cải tạo theo hướng phá hoại di sản mà không biết, tới khi báo chí nêu lên thì chuyện đã rồi.

Giải pháp chủ động

Việc bảo vệ giá trị di sản kiến trúc biệt thự, cũng như các công trình lịch sử khác, sẽ hiệu quả hơn nhiều, một khi chúng ta chuyển sang giải pháp chủ động hơn, trong đó cần phải đảm bảo ba nguyên tắc.

Thứ nhất là nguyên tắc hài hoà về lợi ích chung và riêng, để các bên có liên quan, bao gồm chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư, chính quyền, người dân, và các chuyên gia, có thể hợp tác với nhau, cùng thoả thuận được giải pháp chung đem lại sự hài hoà và hợp lý về mặt lợi ích cho tất cả các bên. Lợi ích đem lại cho mọi người không chỉ là về mặt kinh tế, mà còn cả về mặt xã hội, văn hoá, lịch sử, và cộng đồng.

...quán Ngon

Thứ hai là nguyên tắc quản lý dựa trên khung sườn hệ thống luật pháp chặt chẽ cho mọi vấn đề có liên quan đến công tác bảo vệ di sản. Chúng ta cần gấp rút bổ sung các điều khoản còn thiếu sót về việc xác định giá trị di sản, phân hạng, ứng xử tương ứng về mặt bảo tồn hoặc cải tạo, và khuyến khích bằng tài chính hoặc thưởng phạt trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ di sản.

Thứ ba là nguyên tắc phải chủ động đưa ra các giải pháp khả thi cho việc đưa công trình bảo tồn hoặc cải tạo vào các dự án giúp sử dụng hiệu quả công trình để phục vụ đời sống vật chất tinh thần của người dân, đem lại lợi ích kinh tế, nhưng vẫn không làm giảm giá trị công trình. Chủ sở hữu hoặc quản lý mỗi công trình đều được tư vấn rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, các nguồn thông tin và chuyên gia có thể trợ giúp tư vấn xây dựng theo đúng tiêu chuẩn tương ứng với giá trị và xếp hạng của công trình.

Dựa trên các nguyên tắc trên, chúng ta có thể thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động bảo vệ di sản qua các giải pháp chủ động sau:

Tổ chức các dự án công trình di sản để bảo tồn và cải tạo theo khu vực, cụm, và tuyến để vừa tạo ra các tuyến đường hoặc khu vực di sản có câu chuyện thú vị để kể lại cho khách, vừa thuận tiện cho việc bảo vệ không gian di sản xung quanh công trình.

Giới thiệu các dự án cải tạo biệt thự cổ thành công về mặt quy hoạch kiến trúc cũng như về mặt hiệu quả sử dụng, thu nhập doanh nghiệp và giới thiệu các chuyên gia thực hiện. Tại TP.HCM, nhiều dự án thành công đáng chú ý bao gồm các khu dịch vụ ăn uống thương mại trong các biệt thự đã được cải tạo tốt và đưa vào sử dụng tạo hiệu quả kinh tế xã hội cao tại đường Nguyễn Du, Hàn Thuyên, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, Pasteur…

Nhà nước có chính sách đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư cải tạo các công trình này để tích cực bảo vệ di sản theo hướng đưa vào hoạt động tạo lợi ích kinh tế. Nhà nước không nên đẩy cái khó cho dân bằng cách bán lại những biệt thự cổ này, kèm theo kẽ hở luật pháp cho phép người mua phá bỏ để xây nhà cao tầng để được giá cao. Đề xuất bán khu biệt thự ngoại giao ở đường Lý Thái Tổ để xây nhà cao tầng trước đây là một ví dụ nên tránh.

và cà phê Runam. Ảnh: Quý Hoà

Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thuế và cho phép khai trừ thuế các chi phí bảo tồn hoặc cải tạo công trình di sản, nếu công tác cải tạo được thực hiện theo đúng hướng dẫn của chuyên gia bảo tồn di sản.

Khuyến khích thành lập các hội ái hữu và đại diện cộng đồng các khu vực bảo tồn, để trao đổi ý kiến, tư vấn và hướng dẫn, cũng như bàn thảo vận động cho các giải pháp bảo tồn, cải tạo khả thi và các chính sách hỗ trợ cần thiết để đem lại lợi ích chung và riêng cho mọi người.

Quy hoạch bảo tồn những khu vực biệt thự đan xen với những khu vực cao tầng trong khu trung tâm, chứ không nên cao tầng hoá toàn bộ khu trung tâm. Những khu biệt thự này sẽ tạo nên các không gian xanh thấp tầng cao cấp giúp tạo khoảng thở cần thiết giữa các cụm công trình cao tầng, cải thiện vi khí hậu khu vực, và tạo nên các khu vực thu hút người đi bộ đến sinh hoạt và sử dụng các dịch vụ đô thị tại đó.

Định hướng và khuyến khích các nhà đầu tư phát huy tinh thần khai phá không gian bản sắc mới và giúp cải thiện môi trường sống đô thị, đặc biệt là khu trung tâm. Ví dụ, thay vì đầu tư vào việc phá hủy các khu biệt thự cổ để xây cao ốc, chỉ tạo lợi ích riêng nhưng xâm phạm lợi ích chung của xã hội, thì có thể đầu tư vào các khu đất trống như Thủ Thiêm hoặc vào việc cải tạo các khu nhà bình dân trong hẻm nhỏ tại khu trung tâm hiện hữu thuộc quận 4 và quận Bình Thạnh, thành các khu nhà cao tầng bao bọc bởi khu cây xanh công viên. Chính quyền có thể hỗ trợ bằng cách giảm thuế, và đóng vai trò trung gian trong việc thu mua lại các công trình theo giá thị trường để giao lại đất sạch cho nhà đầu tư. Khi đó lợi ích chung và riêng của các bên có liên quan đều đạt và các nhà đầu tư mới thực sự tích cực đóng góp cho việc thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc và kinh tế xã hội của thành phố một cách bền vững.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.