mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Bạn già kể chuyện đồ chơi

 17:44 | Thứ bảy, 25/11/2017  0
Bây giờ còn ai nhớ những thứ đồ chơi ấy?

Hè năm ngoái, cả nhà tôi đến một quán rộng ở khu Thảo Điền bên kia cầu Sài Gòn. Khu này có nhiều người nước ngoài sinh sống nên quán xá ở đây bài trí và bán thức ăn theo kiểu phương Tây. Chỗ quán chúng tôi đến có sân phía trong khá rộng, có bãi cát nhỏ cho trẻ em chơi, có bán thức ăn. Phía sân ngoài, có một cửa hàng bán đồ chơi. Đặc biệt là cửa hàng này không có những đồ chơi đang thịnh hành, mà là các loại đồ chơi vintage, ghi rõ bằng tiếng Anh trên kệ, là để người lớn sưu tầm, không phải chỉ bán cho con nít chơi.

Bà xã tôi mua hai món, trong đó có một anh lính hoàng gia mà hồi nhỏ nàng có mónđồ chơi tương tự. Tôi mua thêm một con chuột, có vỏ bằng thiếc, bên trong có máy, dưới bụng có bánh xe và có khóa để lên dây thiều (ảnh).

Tôi nhận ra con chuột bằng kim loại đó rất giống món đồ chơi hồi nhỏ tôi được tặng vào Giáng sinh năm 1970 hay 1971 gì đó. Người tặng là… ông già Noel. Tất nhiên đó là quà của ba hay anh Hai tôi mua và gắn lên chiếc dép tôi đặt trên bếp đêm 24.12. Tôi rất nhớ cảm giác khi mở giấy gói ra. Con chuột trong hộp giấy, nhỏ xíu. Lên dây thiều, nó chạy một chút rồi dừng. Chơi xong, tôi áp má vào thân kim loại con chuột mát lạnh, cảm nhận niềm vui sướng.

Nó khiến tôi nhớ lại cả thời thơ ấu với mấy món đồ chơi cấu tạo bằng kỹ thuật đơn giản.

Thế giới con nít của tôi không có nhiều đồ chơi, mà chỉ có nhiều trò chơi như đánh trổng, tạt lon, đá banh, thảy banh đũa. Đồ chơi ít ỏi, vì muốn có thì cha mẹ phải tốn kém. Con nít xóm nghèo giỏi lắm chỉ có thể mua về những miếng nhựa nhiều màu rẻ tiền làm trong Chợ Lớn, đổ khuôn hình Tam Tạng thỉnh kinh, con rồng, lồng đèn, hình dạng như một loại phù điêu chạm lủng. Chơi và đổi chác, định giá từng con, ăn thua với nhau. Và nhiều tấm hình in đủ thứ siêu nhân, Batman, người mèo, Robin trong phim Mỹ... để chơi dích hình. Muốn có đồ chơi, phải tự đẽo gỗ làm bông vụ hay gậy đánh trổng u, lấy bẹ chuối chế làm súng, lấy lon sữa gắn dây chỉ làm điện thoại, đẽo hạt bã đậu làm con cá đeo chơi... là cùng. Những món gắn chút máy móc, sơn màu đẹp, lên dây thiều... luôn là thứ mơ ước.

Đồ chơi gợi nhớ thời thơ ấu của nhiều người

Bây giờ còn ai nhớ những thứ đồ chơi ấy?

Tôi viết thư hỏi mấy đứa bạn bên Mỹ, nay đã gần 60, hỏi xem tụi nó nhớ gì về đồ chơi hồi còn nhỏ?

Đăng, kỹ sư hóa ở Seabrook, bang Texas nhắc ngay hồi nhỏ có một chiếc xe lửa làm bằng thiếc và nhôm. Xe lửa này gồm một toa đầu tàu và có ba toa xe kéo sau. Xe cũng có chìa khóa vặn lên dây rồi để xuống đất hay trên đường rầy cho xe chạy kéo cả ba toa xe. Hồi đó chung quanh khu Ông Tạ đường Thoại Ngọc Hầu mà Đăng sống thường có nhà đang xây nên con nít khu đó rất dễ tìm cát khi muốn chơi. Đăng lấy cát cho vào một trong toa xe để kéo. Đặt cả vài người lính nhựa hay những con thú lên xe cho chạy chung quanh.

Có lần người chú họ của Đăng học trường võ bị được đi Mỹ huấn luyện. Lúc về ông cho Đăng và thằng em họ mỗi đứa một cây súng lục bắn pháo có cả dây thắt lưng và bao súng. Hai đứa chia nhau làm cao bồi và mọi da đỏ bắn nhau.

Tôi bảo súng bắn pháo thì hồi nhỏ có chơi, súng bằng gỗ làm trong Chợ Lớn. Mua một cuộn dây pháo có những đốm thuốc pháo nổi lên hình tròn. Cho một cuộn vô cây súng bằng gỗ nhẹ. Dùng ngón tay đẩy cái cò gỗ bị chặn bởi cái khấc, nó tuột ra bị sợi dây thun kéo căng nên đập vào pháo kêu lốp đốp nghe đã tai. Mùi thuốc pháo tỏa ra thơm nồng. Người lớn cho con nít chơi pháo này yên tâm hơn pháo đùng.

Thế giới con nít của tôi không có nhiều đồ chơi, mà chỉ có nhiều trò chơi như đánh trổng, tạt lon, đá banh, thảy banh đũa. Đồ chơi ít ỏi, vì muốn có thì cha mẹ phải tốn kém... Muốn có đồ chơi, phải tự đẽo gỗ làm bông vụ hay gậy đánh trổng u, lấy bẹ chuối chế làm súng, lấy lon sữa gắn dây chỉ làm điện thoại, đẽo hạt bã đậu làm con cá đeo chơi... là cùng.

Bạn Nguyễn, một chuyên gia I.T ở Pensylvania bảo sao tui không nhớ gì về món đồ chơi chú lính hoàng gia hay súng bắn pháo. Đồ chơi loại dây cót có nhớ, nhưng không nhớ có con chuột mà nhớ có con chó hay con thỏ, và loại hộp có kính với cô gái múa ba lê với chìa khóa lên dây cót, và xe hơi hay xe mô tô loại quẹt quét bánh xe để lên dây cót và thả xuống, xe chạy.

Đăng tiếp lời Nguyễn: đúng là lúc đó, đã có bán những chiếc xe hơi loại quẹt bánh xuống rồi buông tay ra là chạy. Xe làm bằng kim loại, khác bây giờ làm bằng nhựa tổng hợp, nhẹ và cứng cáp. Trong họ hàng của Đăng, nhà ai có hộp nhạc (music box) là điều đáng tự hào vì nghe rất thánh thót, êm tai. Hộp có chìa khóa để lên giây. Mở nắp hộp lên, phía bên trong nhìn dưới mặt kính có cái trụ xoay gẩy lên những tiếng nhạc tiếng chuông. Đóng hộp lại thì nhạc tắt. Tết nhất hay Giáng sinh mà đem hộp nhạc ra vừa nghe vừa tiếp bạn thì thật là sang trọng.

Đăng kể trong đám bạn bè, đứa nào có anh đi du học ở nước ngoài hay cha mẹ làm sở Mỹ thì đồ chơi của chúng rất cao cấp, toàn gắn máy móc, đẹp mê như bộ tượng lính nhựa của Mỹ, Batman, máy bay mô hình bằng gỗ nhẹ bay được nhờ có một sợi dây thun xoắn dọc thân máy bay. Đi ăn sinh nhật một đứa trong đám bạn nhà giàu, nhìn thùng đồ chơi của nó mà như lạc vào Disneyland, tất cả xúm vào chơi không ai thèm ăn bánh bông lan kem.

Ở Sài Gòn lúc đó, có đến Saigon Departo tìm cũng không thể có những món độc như vậy. Tôi đồng ý ngay vì đã từng thấy những món đồ chơi rất đẹp như máy xem phim dương bản, bộ cờ ngôi sao kiểu Tây, bi ve thủy tinh sặc sỡ rất trong như pha lê của một bác trong xóm làm bồi phòng ở khách sạn Majestic. Các chú bé con nước ngoài đến Sài Gòn cùng bố mẹ và để lại đồ chơi khi rời đi. Khi dọn phòng, ông nhặt được và mang về. Thật đáng ganh tỵ với các con của bác ấy.

Đồ chơi gợi nhớ thời thơ ấu của nhiều người

Nguyễn kể bên Mỹ có chợ bán đấu giá khắp nơi, bán đủ loại. Gia đình bên này hay có “garage sales” vào sáng thứ Bảy, bày các đồ cũ bán rẻ, kể cả đồ chơi của con cái khi còn nhỏ. Có nhiều người tuần nào cũng đi kiếm garage sales tìm mua những đồ chơi, đèn, tranh ảnh mà đã trở thành đồ hiếm, mà chủ nhà không biết. Sau đó đưa đến các chợ đấu giá bán với giá cao hơn rất nhiều. Đồ chơi xưa thì có nhiều thứ, thẻ bài Baseball, xe lửa, truyện tranh, tượng lính của những “Action Hero”... Nhiều loại còn đủ bộ, nếu giữ kỹ lưỡng, có giá trị cao cho người sưu tầm. Do đó, mới có người soạn sách dạy sưu tầm đồ chơi, hướng dẫn phân biệt các loại đồ chơi truyền thống của Âu Mỹ qua các thời kỳ. Thơ thẩn đi garage sales, Nguyễn vẫn bắt gặp những món đồ mơ ước hồi nhỏ, nhưng giờ chỉ đứng nhìn với một chút bồi hồi rồi thôi.

Đăng kể bên Mỹ có rất nhiều người lớn có sở thích sưu tầm. Họ hình thành sở thích này từ hồi còn nhỏ, chơi đồ chơi và khám phá thú chơi đó đến tận cùng. Họ có nhiều điều kiện thuận lợi để mua đồ đẹp lạ từ các cửa hàng cho đến garage sales như Nguyễn kể, nhất là khi đã trưởng thành, đi làm có tiền. Đăng có người bạn Mỹ tên Richard, gần 70 tuổi. Sở thích của ông là chơi xe lửa. Đến nhà ông ở Illinois, xuống dưới hầm, thấy ông bày một dàn cảnh thành phố, núi non, sông hồ, xe cộ, người và thú vật, vân vân và có xe lửa chạy chung quanh.

Ông ấy điều khiển đường xá đèn đóm như là thế giới của riêng ông ấy. Nhìn rất độc đáo và mê mẩn. Ông bảo chơi xe lửa có nhiều kích thước phân theo loại A, B, C... tức là 1/2, 1/3, 1/4... 1/10... vân vân, nghĩa là kích thước xe lửa nhỏ dần nhưng đầy đủ chi tiết như xe lửa thật. Xe lửa của ông là size N. Sau vì vợ chồng ông sợ cái lạnh và tuyết mùa đông ở Chicago nên dọn qua Hawaii. Ở đó ông ấy lại xây dựng lại thành phố bé nhỏ có xe lửa... Ông rất hạnh phúc với thú chơi đó. Ông bảo nó kéo dài tuổi thơ của ông, chắc là cho đến hết đời.

Nghe chuyện ông Richard, cả ba đồng ý với nhau là ông ấy sướng thật. Ông duy trì được thú vui chơi với những món đồ chơi từ thuở nhỏ. Trong đó, có điều may mắn mà ông lấy được bà vợ cho phép ông đeo đuổi nó, vừa tốn thời giờ vừa tốn tiền. Như vậy ông đã hai lần hạnh phúc trong thú chơi hồn nhiên của ông. 

Bài và ảnh Phạm Công Luận

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.