mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Ba nút thắt gạo xuất khẩu

 16:46 | Thứ sáu, 15/04/2016  0

Thị trường tiêu thụ lớn nhất của hạt gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm khoảng 30%). Nhu cầu dễ dãi về chất lượng trở thành động cơ khuyến khích chạy theo số lượng khiến ngành xuất khẩu gạo ngày càng phụ thuộc vào quốc gia láng giềng này. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Trường Đại học Mở TP.HCM công bố năm 2013 cho thấy Thái Lan và Tây Ban Nha là hai quốc gia có chất lượng xuất khẩu gạo bền vững, có hiệu ứng giá tốt nhất trong giai đoạn 2000-2011. Ngược lại, Việt Nam là quốc gia có chất lượng xuất khẩu gạo kém bền vững do phụ thuộc chủ yếu vào hiệu ứng lượng. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo nếu tiếp tục chính sách này thì “Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gần và trực tiếp với Trung Quốc và Ấn Độ”.

Ngoài hai đối thủ có dân số lần lượt nhất nhì hành tinh, thị trường quốc tế đã xuất hiện thêm những tay chơi mới nổi là Myanmar và Campuchia. Đường ra đã hẹp mà chính sách còn “giăng dây”, cụ thể là Nghị định 109/2010/NĐ-CP (NĐ109) về kinh doanh xuất khẩu gạo, được TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách trình bày tại Hội thảo “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam”.

 Thị trường tiêu thụ lớn nhất của hạt gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm khoảng 30%). Ảnh minh hoạ

Trục trặc thứ nhất là quy định về giá sàn. Theo đó, giá sàn do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác định theo hai nguyên tắc “phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và thế giới” đồng thời “phù hợp với mặt bằng mua giá thóc (lúa) và lợi nhuận của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo” (điều 19). Đặt ra quy định giá sàn (không cho doanh nghiệp xuất khẩu dưới mức này) đối với hàng hoá biến động giá mạnh là gạo khiến doanh nghiệp gặp khó.

Tháng 5.2015, giá gạo trung bình nhập khẩu vào một số quốc gia như Phillippines, Trung Quốc, Guinea… thấp hơn giá sàn do VFA công bố là 425USD/tấn (giá FOB, bao 50kg) đối với gạo 25% tấm, theo Agromonitor. Nhìn lại năm 2011, VFA 8 lần điều chỉnh giá gạo trong đó 7/8 lần diễn ra trong quý I. Tần suất thay đổi dày đặc có thể gieo rắc hoang mang về ổn định chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho những tính toán ngắn hạn, thay vì đầu tư vào những cơ hội trong dài hạn.

Nút thắt thứ hai là điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Cơ sở hạ tầng tối thiểu đối với thương nhân xuất khẩu là kho chứa 5 ngàn tấn thóc và cơ sở xay xát 10 tấn thóc/giờ “phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành (điều 4). Sản lượng xuất khẩu được điều chỉnh bởi Quyết định 6139/QĐ-BCT (QĐ6139) do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ký ban hành và có hiệu lực từ 28.8.2013. Quy định cụ thể nếu không xuất khẩu trong 12 tháng liên tục hoặc không đạt tối thiểu 20 ngàn tấn gạo trong 2 năm liên tiếp, thương nhân sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận xuất khẩu.

Thấp thoáng sau những rào cản gia nhập thị trường này có bóng dáng của những nhà xuất khẩu có lợi thế số lượng. Sự dẫn dắt của não trạng số lượng khiến chính sách không khuyến khích tư duy “quý hồ tinh”, đầu tư vào những giống lúa có sản lượng thấp nhưng chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng cao.Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong khi người Thái phát triển lúa mùa (chất lượng cao) thì Việt Nam làm ngược lại.

Trong khi những người làm chính sách tư duy tối thiểu thì thị trường "tư duy" tối ưu. Dẫn trường hợp Công ty Viễn Phú không được cấp giấy phép từ khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ông Thành khẳng định còn nhiều doanh nghiệp không cần đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định tại NĐ109, cũng như mức sàn sản lượng xuất khẩu theo QĐ6139 nhưng hạt gạo của họ tối ưu cả về lượng và chất, chiếm lĩnh được thị trường ngách là hệ thống  siêu thị lớn ở những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ… Cho rằng bất cập chính sách kiềm hãm sáng tạo, ông Thành chuyển sang phân tích định hướng quy hoạch  tối đa 150 thương nhân xuất khẩu định hướng đến 2015 của Bộ Công thương: “Việc khống chế số lượng khiến những doanh nghiệp khi hội đủ điều kiện mất cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu”.

Thực tiễn ghi nhận nỗ lực thực hiện công tác quy hoạch số lượng của cơ quan quản lý Nhà nước, về đích sớm từ đầu năm 2013 với 100 thương nhân xuất khẩu. Về cơ cấu, số lượng thành viên của VFA tăng từ 53,5% (14.3.2012) lên 66% (14.1.2013). “Số doanh nghiệp thuộc VFA bị cắt giảm 20% trong khi những doanh nghiệp ngoài VFA bị cắt giảm đến 60%”, ông Thành tỏ ra băn khoăn về tỷ lệ áp đảo của doanh nghiệp thuộc VFA khiến quyền lực của tổ chức này tập trung hơn.

Cản ngại thứ ba đối với khu vực tư nhân theo đuổi tư duy tối ưu đến từ Thông tư 44/2010/TT-BCT do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên ký ban hành có hiệu lực từ 14/2/2011, hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định 109. Khoản 1 điều 15 quy định “Thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung (hợp đồng giao dịch giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước ngoài - G2G) trừ trường hợp được Bộ Công thương chấp thuận bằng văn bản”.

Dẫn nguồn Agromonitor về tỷ trọng gạo xuất khẩu giảm tương đối từ 66,4% xuống 24% trong giai đoạn 2007-2012, ông Thành tỏ ra lo ngại: “Việc không tiên liệu được trong tương lai G2G sẽ tham gia thị trường nào làm tăng rủi ro cho khu vực dân doanh”. Việc thiết lập “vùng cấm” đòi hỏi nhiều doanh nghiệp nỗ lực tự thân, tìm kiếm những thị trường ngách hoặc mới. Nhưng do trói buộc bởi các quy định “mức sàn” nên họ chỉ còn cách “mượn đường” của các thương nhân xuất khẩu. Không ai cho không ai cái gì.Gánh thêm chi phí trung gian làm suy giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một trong những điều đọng lại từ hội thảo là câu hỏi từ đồng nghiệp của ông Thành là TS Nguyễn Văn Giáp: “Liệu chúng ta sẽ làm gì tiếp theo?”.

 Thượng Tùng

» Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Gạo Việt mải miết sung sướng với thành tích về lượng mà bỏ quên chất”

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.