mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

18 năm nhớ Trịnh Công Sơn: Khán giả nghe nhạc Trịnh một cách khác

 15:18 | Thứ sáu, 05/04/2019  0
Hai đêm nhạc Trịnh với cách hoà âm mới mẻ của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, vẻ đằm thắm của danh ca người Nhật Kato Tokiko, giọng ca đầy nội lực của ca sĩ Tùng Dương, tiếng kèn saxophone trong trẻo của An Trần… khép lại tuần lễ tưởng nhớ Trịnh Công Sơn bằng những cảm xúc đẹp.

Đêm nhạc có sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng: Hồng Nhung, Quang Dũng, Tùng Dương, Thanh Lam, Đức Tuấn… bên cạnh bà Kato Tokiko.

Để lại ấn tượng nhiều nhất với khán giả có lẽ là những bản hoà âm mới của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn dành cho gần 20 ca khúc nhạc Trịnh được trình diễn trong 2 đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn diễn ra vào ngày 2 và 3.4. Nhờ điều này, khán giả đã được nghe những “phiên bản” khá lạ của các ca khúc rất đổi quen thuộc như Hạ Trắng, Đường xa vạn dặm, Ta thấy gì đêm nay, Xin cho tôi, Hành hương trên đồi

Chất nhạc trong đêm diễn đã thoát ra khỏi kiểu phối semi classic thường thấy ở nhạc Trịnh mà chuyển động liên tục từ blue jazz, pha dân gian đương đại… để dẫn dắt khán giả đến những khoảnh khắc cảm xúc khác nhau trong từng ca khúc, khi trầm lắng và khi cao trào…

Khán giả có thể thấy được tư duy của người hoà âm về màu sắc và tính chuyển động trong tác phẩm. Sự thay đổi quảng giọng và nhạc điệu ngay trong từng đoạn của các tác phẩm đã tạo được hào hứng cho những khán giả muốn được thưởng thức cái lạ. Khán giả có thể thích hoặc không vì chưa quen tai nhưng khó có thể gọi đó là những bản hoà âm phối khí nhàm chán.

Danh ca Kato Tokiko – người được chờ đợi với Diễm Xưa và Ngủ đi con phiên bản tiếng Nhật

Nhiều khán giả trong khán phòng đêm qua lần đầu tiên được nghe danh ca người Nhật Kato Tokiko biểu diễn. Nhẹ nhàng, đẳng cấp, thanh lịch và cảm xúc là những gì họ thấy được khi xem người nghệ sĩ 75 tuổi trình diễn, tuy chỉ mộc mạc với cây guitar. Bà vẫn thường hát Diễm XưaNgủ đi con của Trịnh chỉ với cây đàn guitar. Bà có trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Với nhạc Trịnh Công Sơn, tôi muốn hát một mình”. Tuy vậy, phần “đệm” saxophone của Trần Mạnh Tuấn trong Ngủ đi con là phần trình bày làm tăng thêm sự thú vị của tiết mục này.

Ca sĩ Tùng Dương – một nghệ sĩ tràn đầy năng lượng - chưa bao giờ thôi dạt dào trong những lần biểu diễn của mình. Có thể nói Tùng Dương là một trong những ca sĩ hát hay nhất chương trình với hai ca khúc Đường xa vạn dặmXin cho tôi. Nếu Đường xa vạn dặm sâu lắng với âm hưởng dân gian đương đại thì Xin cho tôi thay đổi liên tục giữa những đoạn blue chậm và những đoạn cao trào.

Đó cũng là hai ca khúc được khán giả nhiệt tình vỗ tay, hát cùng.

Thanh Lam, Tùng Dương và An Trần trong Cũng sẽ chìm trôi

Hành hương trên đồi với phần trình diễn lạ lẫm thú vị của Đức Tuấn với một bản phối hoàn toàn mới mẻ so với các bản trước đây các ca sĩ trước đó. Người già và em bé – ca khúc vừa được cấp phép biểu diễn – đã được anh lần đầu tiên thể hiện.

Đức Tuấn với Ta đã thấy gì đêm nay

An Trần và Tuấn Mạnh là hai nghệ sĩ trẻ cần được nhắc đến trong đêm nhạc. Tiếng saxophone trong trẻo và kỹ thuật của An Trần với Còn tuổi nào cho em mang lại cho khán giả sự dễ chịu, bình an. Hai cha con Trần Mạnh Tuấn và An Trần – hai thế hệ nghệ sĩ saxophone cùng thăng hoa trong tiếng kèn là hình ảnh rất đẹp của đêm diễn.  

Nghệ sĩ trẻ An Trần – một tay saxophone đầy tiềm năng

Tuấn Mạnh – nghệ sĩ piano được tạp chí Fobes bình chọn là 1 trong 30 người trẻ ảnh hưởng nhất Việt Nam -  lại đem đến cho khán giả cảm xúc mới lạ khi được nghe phần trình diễn Một cõi đi về “mix” với bản giao hưởng định mệnh. Khán giả có thể hy vọng về một thế hệ nghệ sĩ trẻ đủ giỏi và đầy cảm xúc để đến với nhạc Trịnh với một tâm thế khác.

Nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh phiêu linh cùng bản “mix” khá mượt mà giữa Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn và Bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven

Những bản phối mới, những gương mặt mới… cho thấy nhạc Trịnh chưa bao giờ nhàm chán với các nghệ sĩ. Họ vẫn say sưa tìm tòi và làm mới nhạc Trịnh theo cách hiểu, cách cảm của mình.

Lâm Hạnh

Ảnh: Amberstone Media

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.