mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Yoo-oh Chun: Lợi nhuận còn là những đóng góp vào văn hóa

 08:48 | Thứ hai, 30/04/2018  0
Trước ngày sang Việt Nam đảm trách công việc kinh doanh cùng gia đình chồng - Tập đoàn Deawon danh tiếng, bà Yoo-oh Chun là giáo sư giảng dạy và biên đạo cho các chương trình múa lớn tại Đại học Seowon, Hàn Quốc. Dành trọn thanh xuân cho múa, coi múa là lẽ sống, là đam mê lớn nhất cuộc đời nên dễ hiểu vì sao trong gần 15 năm đến Việt Nam kinh doanh nhưng tên tuổi Yoo-oh Chun gắn liền với nhiều tác phẩm vũ kịch đỉnh cao: Saigon Arirang (2014), Cây nỏ thần (2015), 800 năm ước hẹn (2015-2017), Huyền thoại nữ nhân (2016), Múa Kiều (2018)...

Gặp Yoo-oh Chun trên sàn tập Múa Kiều tại rạp Thanh Vân, nếu không được những cộng sự của bà giới thiệu bà đang đảm trách vị trí tổng giám đốc Công ty TNHH dệt Deawon Việt Nam, không cách gì tôi nhận ra chân dung doanh nhân trong con người nghệ sĩ của bà. Những chuyển động hình thể đầy sáng tạo nghệ thuật, làm bật ra tự nhiên ngôn ngữ vũ kịch khi bà nhập vai Giác Duyên hay khi trực tiếp biên đạo cho các diễn viên trẻ đều hiển hiện một sự thật: bà thuộc về múa, thuộc về sân khấu hơn là thương trường, mặc dù để có thể ra mắt những tác phẩm đỉnh cao như Múa Kiều, Yoo-oh Chun chắc chắn phải có sự nghiệp kinh doanh thành công thì bà mới có lợi nhuận đầu tư cho các tác phẩm mà “chỉ có tiếng khen thôi không thu được đủ tiền”, như báo chí từng viết, gầy dựng nhóm múa Y.O-SaiGon Dance Ensemble (YOSDE) và kể cả chi phí không ít để góp phần cải biến một nơi từng là “chuột chạy, muỗi bay” như rạp Thanh Vân thành nơi đàng hoàng cho các nghệ sĩ diễn tập.

Bà quyết định khép lại công việc giảng dạy và biên đạo múa ở Hàn Quốc để đến Việt Nam năm 2004 mở đầu công việc kinh doanh, là một lựa chọn thanh thản hay đầy ray rứt? Bà thích ứng có dễ dàng không?

Thực sự đây là công việc kinh doanh của gia đình, nên nó như một sự tự nhiên, tôi phải tham gia trông coi và điều hành. Chúng tôi sản xuất vải dệt may để xuất khẩu đi Nhật. Chồng tôi đến Việt Nam trước, rồi tôi sang để chồng vợ có nhau và phụ ông ấy quản lý công ty. Rất nhiều khó khăn tôi đã đối diện lúc mới sang, như khác biệt văn hóa với các cộng sự và đối tác người Việt. Mọi thứ đều rất mới mẻ, lạ lẫm vì công việc kinh doanh không phải chuyên ngành chính của tôi. Tôi chuyên về múa mà!

Bà Yoo-oh Chun trong vai diễn Giác Duyên của vở Múa Kiều. Ảnh: Sơn Trần

Tiếp đó vợ chồng tôi đưa hai con sang Việt Nam để tiện chăm sóc nên nhiều lúc tôi bị căng thẳng vì không thể sắp xếp được thời gian cho công ty và gia đình. Hằng ngày tôi phải đến công ty, công việc mới này đòi hỏi lý trí phải thật tỉnh táo, không được phép lãng mạn bay bổng như khi múa để tính toán đúng cơ hội thị trường, gầy dựng niềm tin nơi đối tác và tìm hiểu tâm tính khách hàng, nhằm có những sản phẩm dệt may đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của họ. Nhiều lúc tôi rơi vào trạng thái bối rối trước cuộc sống. May mắn là mọi việc rồi cũng đâu vô đó.

Hiện tôi đang điều hành cùng lúc công việc kinh doanh của cá nhân lẫn của gia đình, và đôi khi là kết hợp cả hai. Ơn Chúa! Đến giờ này các hoạt động kinh doanh của hai công ty phát triển ổn định và bền vững. 

Triết lý kinh doanh của bà là gì?

Với tôi, kinh doanh không có con đường nhanh nhất. Tôi thường nói với mọi người, nếu có ba con đường, tôi sẽ chọn đường đi chậm nhất. Tôi thích dùng một từ khác để mô tả việc kinh doanh đó là “sống sót”. Một công ty vẫn tồn tại và phát triển trên thương trường sau mười năm hay vài chục năm, như vậy có nghĩa nó vẫn “sống sót”.

Sinh ra tại cảng Masan và lớn lên cùng gió biển Busan, năm 12 tuổi Yoo-oh Chun đã say mê và tìm đến múa như một mối duyên. 
Bà Yoo-oh Chun tốt nghiệp Trung học nghệ thuật Sunhwa và Đại học nữ sinh Ewha, nghiên cứu bậc tiến sĩ với chuyên ngành nghệ thuật. Trong quá trình học, bà đi sâu nghiên cứu về phương pháp ký hiệu phân tích chuyển động trong lĩnh vực múa (Labanotation) tại Viện Li nhằm đạt đến phương pháp luận, ký hiệu một cách khách quan nghệ thuật múa Hàn Quốc.

Bà Yoo-oh Chun đã hoàn thành một đề tài nghiên cứu bậc tiến sĩ trong phân tích chuyển động tại Đại học Surrey (Anh). Thông qua sự kết hợp của nghệ thuật và đức tin, bà không ngừng đóng góp nhiều công sức trong các hoạt động dàn dựng và trình bày nhiều tác phẩm múa, hát thánh ca dâng lễ trong nhà thờ. Trong bối cảnh đó, bà đã tham gia và thành lập Đoàn múa Ebenezer và Mulmatdol. Giai đoạn 1991 - 2004, bà làm việc tại Đại học Seowon với chức danh giáo sư và sáng tác các tác phẩm tiêu biểu: Người phụ nữ với tình yêu nồng ấm, Rung động, Chiêm ngưỡng những niềm vui...

Ngay trước khi nhận trách nhiệm điều hành công ty của gia đình, tôi thực sự suy nghĩ rất nghiêm túc đến từ “sống sót”. Mọi thứ thay đổi, các điều kiện của thị trường thay đổi liên tục và có nhiều thách thức, cạnh tranh, thì làm sao có thể nói chắc điều gì ở tương lai? Hôm nay đang tăng trưởng nhưng ngày mai, không thể biết. Bạn biết không, có nhiều khách hàng có thói quen thích và chọn các nhà cung cấp sản phẩm dệt may của Trung Quốc. Thuyết phục họ thay đổi thói quen đó không dễ chút nào. Cũng chính vì thế, mọi căng thẳng, mệt mỏi vẫn luôn xảy ra.

Đã kinh doanh thì dĩ nhiên phải nghĩ đến lợi nhuận. Bà chắc không ngoại lệ?

Quan điểm của tôi là lợi nhuận không chỉ đơn thuần là tiền bạc. Lợi nhuận còn bao gồm sự tin tưởng từ khách hàng, đời sống, công việc của nhân viên đóng góp vào đó. Các doanh nhân khác nghĩ thế nào tôi không biết, riêng tôi nghĩ, lợi nhuận còn là những đóng góp của cá nhân hay công ty vào những trao đổi văn hóa liên quan đến địa phương và đất nước. Tôi đặt mọi nỗ lực kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận của mình vào việc này.

Đó có phải là lý do bà dành nhiều tâm huyết, thời gian và tài chính đầu tư vào nghệ thuật múa? 

Đầu tư chỉ là phương tiện để tôi làm được điều mình mong muốn: bảo tồn giá trị văn hóa. 

Bạn biết rồi đấy, tôi là người làm về văn hóa trước khi làm kinh doanh. Với trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy quá trình bảo tồn và lưu truyền văn hóa ở các quốc gia không thể chỉ là nhiệm vụ của chính phủ, càng không phải nhiệm vụ của riêng một tổ chức nào. Đó phải là trách nhiệm của từng người, đặc biệt là những người có chuyên môn về văn hóa. Tôi tự thấy mình là người có trách nhiệm đó, bởi với chút năng khiếu của mình, cùng sự hiểu biết, được đào tạo chuyên nghiệp, tôi có thể làm tốt việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến tôi trở lại với nghệ thuật múa, khi đã có điều kiện tài chính để thực hiện những tâm huyết của mình tại Việt Nam.

Múa là tình yêu, là đam mê của tôi. Tôi luôn mong muốn có nhiều cơ hội để múa. Trong hơn mười năm đầu đến Việt Nam kinh doanh, tôi vẫn tranh thủ những lúc xong việc ở nhà để có thể múa đôi chút cho đỡ nhớ nghề. Tất nhiên, với một người coi múa là sự sống, như thế thôi thì chưa đủ, như con cá bắt từ sông thả vô hồ vậy.

Dự án múa đầu tiên của bà tại Việt Nam là Arirang Saigon. Giờ nhớ lại, điều gì xốn xang trong lòng bà nhất?

Tôi thực hiện vở múa  Arirang Saigon vào tháng 12.2014. Bạn hỏi tôi nhớ gì nhất? Tôi nhớ gần như trọn vẹn những điều đã diễn ra. Tôi nhớ từng giây phút, chi tiết liên quan, vì nó đánh dấu sự trở lại sân khấu với chuyên ngành múa của tôi. Trước đó, từ đầu năm 2013 tôi đã xác định và quyết tâm làm gì đó với múa, như đi tìm sân khấu, hỗ trợ diễn viên múa để họ an tâm làm nghề và suy nghĩ phải làm gì để những tác phẩm của mình không hoài phí thời gian của khán giả. Lúc đó cũng nhiều thách thức, vì tôi trở lại với múa khi tuổi đã ngoài 50, sức khỏe không còn như xưa. Trước mối duyên hợp tác với Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, tôi từng tìm đến một số nơi nhưng không được ủng hộ như mong muốn. Bị từ chối nhiều lần nhưng tôi dặn mình không được phép bỏ cuộc mà phải tiếp tục tìm kiếm. Hơn một năm sau đó, khoảng đâu tháng 5, 6 của năm 2014, tôi nhận được sự hỗ trợ từ giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM qua giới thiệu của một người quen. Thế là bắt tay vào tác phẩm đầu tiên của mình ở Việt Nam. Tác phẩm đầu tiên của tôi thành công ngoài dự tính đã trở thành động lực để tôi tiếp tục thực hiện các vở diễn tiếp theo. 

Không hiểu sao tôi luôn có một niềm tin tuyệt đối là mình có tài năng về múa, cả khi đang làm chuyện kinh doanh. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chấm dứt với múa. Bứt tôi ra khỏi múa cũng như đem cá ra khỏi nước.

Phải cùng lúc đảm trách hai vị trí xã hội: doanh nhân và nghệ sĩ, làm sao bà có thể cân bằng giữa việc kinh doanh và làm nghệ thuật? 

Tôi nói nhỏ bạn nghe điều này: đến hôm nay, cân bằng giữa kinh doanh và múa vẫn là một việc rất khó với tôi (cười). Tất nhiên, để có thời gian đến tập dượt và hướng dẫn các diễn viên cho vở Múa Kiều, tôi phải hoàn tất mọi công việc cơ bản ở công ty. Làm được như vậy, bên cạnh nỗ lực của cá nhân tôi còn có sự chia sẻ của gia đình.

Và thêm điều này nữa, rất có ý nghĩa đối với cuộc sống của tôi: tôi theo đạo Tin lành nên tôi tin tưởng Chúa đã giúp tôi. Tôi đọc Kinh thánh và cầu nguyện mỗi sáng, để xác định cho một ngày mới tôi phải tập trung làm gì. Tôi thực sự vẫn đang học cách cân bằng hai điều bạn hỏi và cố gắng thực hiện nó mỗi ngày, đặc biệt là lên thời gian biểu cho hợp lý. 
 
Rất nhiều nghệ sĩ múa trẻ của Việt Nam kể rằng lâu nay vẫn nhận được hỗ trợ tài chính từ bà cho các tác phẩm múa và chi phí để họ trang trải cuộc sống?

Thật sự tôi không muốn đề cập đến điều này. Có là gì to tát để phải nhắc đến? Những nghệ sĩ múa của Việt Nam đã làm việc với tôi trong thời gian qua, họ là những người có tài năng nổi bật, có chuyên môn rất cao. Nếu so sánh với nhiều nước khác, các nghệ sĩ múa như thế sẽ phải nhận được nhiều hơn những gì họ đang nhận... 

Hầu hết các tác phẩm của bà khi trở lại với múa đều mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam và là các tác phẩm nghệ thuật xưa. Lựa chọn đó là ngẫu nhiên hay có một chủ đích nào trong mong muốn giao thoa văn hóa Việt - Hàn để bật ra những tuyên ngôn chung? 

Tôi tập trung vào văn hóa Việt Nam, đơn giản là vì tôi đang sống ở đây, nhìn thấy và thấu hiểu nhiều điều. Nếu thực hiện một tác phẩm tại Việt Nam thì vẫn dễ dàng đi lại hơn so với thực hiện ở Hàn Quốc hay quốc gia nào khác. Tất nhiên đó không phải là lý do duy nhất. Văn hóa của Việt Nam đã quyến rũ tôi từ khi tôi còn ở Hàn Quốc. Khi mới đến đây, tôi rất muốn đọc các bài thơ Việt, vì tôi rất yêu thơ ca. Nhưng hồi đó, tôi không tìm được hoặc không có khả năng tìm được những bài thơ Việt dịch sang tiếng Hàn. Mãi đến khi có những tác phẩm được dịch sang tiếng Hàn, tôi mới có nhiều cơ hội tiếp cận và nghiên cứu các tác phẩm này, rồi chuyển thể thành các vở múa trên sân khấu. Tôi chọn một số tích và tác phẩm xưa của văn học Việt vì tôi muốn dùng cách này đối thoại với người Việt.

Có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa Việt và Hàn. Người dân hai nước cũng có điểm thu hút nhau. Chúng ta có những cảm xúc mạnh về văn hóa, đặc tính dân tộc và cùng chia sẻ những niềm tin chung. Tất nhiên, vẫn có nhiều khác biệt, và chính những khác biệt đó lại hấp dẫn tôi tìm tòi nghiên cứu, tìm ra được nguồn cảm hứng để có thể kết nối những nét tương đồng với văn hóa Hàn trong chừng mực cho phép, và mang trải nghiệm đó lên sân khấu qua nghệ thuật múa, nhằm kết nối người dân hai nước. 

Tôi ngưỡng mộ các nghệ sĩ múa trẻ của Việt Nam vô cùng, họ tài năng, đam mê, và luôn sẵn sàng cống hiến cho nghệ thuật. Họ chính là thế hệ nối tiếp thế hệ làm nghề như chúng tôi. Tôi muốn đối thoại với những tâm hồn trẻ trung ấy, qua công việc và nghệ thuật múa. Đây cũng là lý do tôi lập một nhóm múa mang tên Y.O-SaiGon Dance Ensemble (YOSDE), để tập hợp một số nghệ sĩ về làm việc chung. 

Trong suy nghĩ của tôi, một công ty có thể tồn tại, hoạt động tốt và thành công bền vững nhiều lắm thì cũng chỉ vài trăm năm nhưng văn hóa thì tồn tại, kéo dài hơn ngàn năm. Nếu công ty đã bắt đầu thành công thì công ty đó nên tham gia vào việc bảo tồn văn hóa. Đó cũng chính là triết lý sống của tôi. 

BIÊN ĐẠO MÚA NGUYỄN PHÚC HÙNG: “Cô Yoo-oh Chun đã làm điều rất quý giá...”
Làm việc cùng cô Yoo-oh Chun, tôi có cảm giác tâm hồn cô ấy rất Việt Nam. Không chỉ am hiểu văn hóa, con người Việt Nam, sự chuyên nghiệp và tận tâm trong lao động nghệ thuật của cô ấy làm cho chúng tôi xúc động và ngưỡng mộ.

Đáng trân trọng hơn nữa, khi là một doanh nhân thành đạt, nhiều người đầu tư tiền bạc công sức vào những thứ hào nhoáng xa xỉ, các bộ sưu tập, thì cô Yoo-oh Chun lại đầu tư nhiều hơn vào văn hóa, hay có thể nói những nền tảng của văn hóa. Không những trích tiền bạc hỗ trợ cho các diễn viên múa trong nhóm, đầu tư vào các vở diễn, thuê nguyên ê kíp thực hiện từ đạo diễn sân khấu, sáng tác nhạc, thiết kế trang phục sân khấu từ Hàn Quốc sang, mà còn dành thời gian đến trực tiếp chỉ dạy các động tác múa cho diễn viên. Đó là điều không phải ai cũng có thể làm. Tôi hy vọng những nỗ lực và các đóng góp của cô Yoo-oh Chun cho nghệ thuật múa Việt Nam sẽ khiến nhiều doanh nhân thành đạt Việt Nam suy nghĩ. 

HỌA SĨ SUN-YOUNG HWANG: Mẹ là người giúp tôi hiểu và yêu Việt Nam hơn

Tôi là người chứng kiến mẹ ở giai đoạn phải bỏ dở những việc liên quan đến múa sang Việt Nam kinh doanh. Ngày ấy, nhìn mẹ như thiếu đi năng lượng sống. Thỉnh thoảng tôi thấy mẹ nhún nhảy một mình trong nhà, một cách để thư giãn, giảm căng thẳng nhưng tôi hiểu, mẹ rất yêu múa và sẽ làm gì đó với môn nghệ thuật này. 
Tôi sống ở Việt Nam hơn ba năm với cha mẹ và em trai, rồi sang Mỹ du học. Mỗi khi muốn về thăm nhà, tôi lại mua vé máy bay đến Việt Nam vì gia đình tôi giờ sống ở đây. Mẹ tôi yêu quý Việt Nam lắm, bà hay kể cho tôi về những tác phẩm, những vở diễn mà bà thực hiện, dựa trên những câu chuyện trong văn học, lịch sử Việt Nam. Tôi sống ở Việt Nam không lâu nên để nói tự mình hiểu biết về văn hóa Việt Nam thì không nhiều, may mắn là có mẹ giúp tôi có thêm nhiều kiến thức và dần dần tôi cũng thấy mình yêu quý Việt Nam hơn. Lần này, tôi ngỏ lời với mẹ được tham gia dự án Múa Kiều và bà đã đồng ý để tôi được vẽ phông sân khấu cho vở diễn - đây chính là một cơ hội để tôi hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. 

Bài và ảnh: Ninh Hạ

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.