mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Vượt trầm cảm cùng con

 17:52 | Thứ tư, 31/07/2019  0
Không ít người trong chúng ta đã nhận thức được rằng trầm cảm là căn bệnh đáng sợ, nhưng hiểu biết sâu sắc về căn bệnh này vẫn còn hạn chế. Việc nhận biết bản thân hay ai đó đang bị trầm cảm quả thật không dễ dàng.

Và kể cả sau khi nhận biết rồi, chúng ta cũng gặp nhiều lúng túng, trở ngại khi muốn giúp chính mình hay một ai đó vượt qua mớ cảm xúc tuyệt vọng của căn bệnh này. Nỗi cô độc, yếu ớt, bất lực của loại cảm xúc ấy cứ thế tiếp tục gây ra vô vàn hệ lụy cho bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là giới trẻ. Và trong rất nhiều phương pháp tiếp cận, tôi muốn sử dụng phương pháp viết dưới dạng nhật ký để có thể chia sẻ một cách sát sườn nhất về sự đồng hành của người thân trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Thông qua đó, tôi muốn đề cập đến một liều thuốc quan trọng khác, không phải tham vấn tâm lý, không phải điều trị bằng thuốc... đó là lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của người thân.

Con đi chết đây!

Mươi phút trước, con trai tôi còn nhắn tin: "Mẹ mệt nên đừng nấu ăn, con định mua cháo về cho mẹ” và “Mẹ ơi! Mẹ thích hoa gì, con mua về nhà”. Vậy mà ngay sau đó là những tin nhắn dồn dập: “Mẹ ơi! Hay con ở lại trường nhé”, “Con thấy hơi mệt, con ở lại trường một hôm vì con sợ lái xe không vững”, “Con chẳng biết nên làm gì cả, ở đây cũng thấy buồn buồn”, “Con chẳng muốn gặp ai cả!”, “Con chẳng muốn làm gì cả!”, “Con sợ quá!”... và rồi “Mẹ ơi! Con không biết làm thế nào!”, “Con đi chết đây!”.

Nhắn tin trả lời con: “Mẹ đây! Con nằm nghỉ chút đi, mẹ đợi bố chút rồi bố mẹ sẽ mang cháo lên trường ăn với con nhé!”. Xong rồi tôi không còn cách nào khác để bình tĩnh lại, ngoài việc lặng lẽ vào gian thờ, ngồi xuống đọc kinh và thiền trong khi chờ bố cháu về.

Ông xã về thì tôi đã chờ sẵn dưới đường cùng xoong cháo mang vào trường để cả nhà có thể cùng ăn. Hai vợ chồng nói chuyện rất ít trên xe, mặc dù ông xã cố gắng nhẹ nhàng nói chuyện để tôi bớt căng thẳng đôi chút nhưng tôi vẫn chưa hết choáng váng vì những tin nhắn của con. Vào đến nhà trọ của cháu, phòng cháu tối om, gõ cửa không có tiếng trả lời, may mà cháu để cửa mở, không khóa. Đẩy cửa bước vào phòng, con trai nằm co ro trên giường, đầy đủ quần áo, nhiệt độ điều hòa đang để 20 độ. Chúng tôi lặng lẽ ngồi bên con. Cháu biết bố mẹ đến, nhưng tiếp tục rứt tóc, đấm ngực và rên rỉ trong cổ họng. Chúng tôi ngồi im lặng bên con. Ngoài chờ đợi cho cơn khủng hoảng dịu đi, chúng tôi không thể làm gì khác.

Nửa tiếng sau, tôi nằm xuống cạnh con, nhẹ nhàng đặt tay lên lưng, đếm nhịp thở của cháu, nhưng cháu không có bất cứ phản ứng nào tương tác lại với mẹ. Nửa tiếng nữa trôi qua, tôi ngồi dậy và đọc kinh thầm. Thấy mẹ ngồi yên trên giường, cháu bất chợt hỏi bố: “Mẹ đang làm gì vậy?”. Tôi trả lời thay cho ông xã: “Mẹ đọc kinh”. Cháu im lặng vài phút rồi đề nghị: “Cả nhà ăn cháo đi!”. Cả nhà ăn cháo trong im lặng, nhưng riêng đề nghị ăn cháo của cháu trong tình huống này đã là một tín hiệu quá mừng với hai vợ chồng, chúng tôi tiếp tục tôn trọng mong muốn yên tĩnh của cháu.

Ăn cháo xong, cháu đề nghị bố mẹ về nhà, để cháu ở lại và đi ngủ vì mai cháu có hẹn làm việc trên trường với các bạn từ buổi sáng. Trước khi về cháu đập tay với tôi và cố mỉm cười. Chúng tôi đánh giá tình hình có thể kiểm soát được và ra về, cho dù hiểu rằng “cuộc giải cứu con này” vẫn chưa chấm dứt, nhưng cũng không thể cứ ở lại nhà trọ để gây thêm căng thẳng cho cháu. Quả nhiên, 2 giờ sáng, chúng tôi nhận được điện thoại của cháu và nghe cháu khóc thành tiếng: “Con không thể ngủ được! Con không thể tổ chức được cuộc sống của mình cho ngăn nắp, con bất lực quá!”.

Bố cháu trả lời: “Mình cần đi khám bác sĩ thôi con, con đã cố chịu đựng quá sức rồi”, nhưng cháu đề nghị: “Bố cứ nghe con nói đã...”. Và thế là cả tiếng đồng hồ sau, chúng tôi nghe cháu vừa khóc vừa kể những khó khăn mình gặp phải hằng ngày, từ chuyện con mèo của bạn chết, chuyện khó khăn trong quan hệ với bạn bè, chuyện thầy cô có thể đang thất vọng với con... Chúng tôi lắng nghe và không xen vào câu chuyện độc thoại của cháu. Khi cháu dừng lại, cháu kết luận: “Thôi con không ngủ được, nhưng bố mẹ cứ đi ngủ đi, con đi nằm vậy”.

Kinh nghiệm chiến đấu cùng con nhiều năm cho tôi thấy, cơn khủng hoảng thường dịu dần khi con có thể khóc và kể lể. Cho nên chúng tôi tạm yên tâm và dù không thể ngủ, nhưng chúng tôi cũng chẳng có cách nào khác ngoài việc thỉnh thoảng kiểm tra điện thoại xem con có tắt máy không. Con trai tôi đã online cả đêm, có lẽ cháu không ngủ chút nào.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm đi làm như bình thường và chờ tin từ con. Quả nhiên, khoảng 10 giờ sáng cháu chia sẻ tin về những đồ đạc cần mang về nhà từ phòng trọ. Tôi đợi khoảng một tiếng sau để hết giờ làm việc sáng mới gửi lại tin nhắn cho cháu, rằng “Mẹ đã nhận được tin nhắn của con, mấy giờ hôm nay con về nhà?”. Cháu trả lời tin nhắn của mẹ rất nhanh và báo tin rằng con đã giải được bài tập lớn, suy nghĩ mấy hôm chưa ra, đồng thời rủ bố tối về sớm vì con phải thi online cả tối nay.

Vậy là một cơn khủng hoảng qua nữa lại đi, cho dù nó không hề nhẹ nhàng.

Không thể được! Không thể được!

Một tháng nay, càng về cuối học kỳ con tôi càng căng thẳng. Để giúp kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành vi, để không tự làm mình đau, không phá đồ đạc... con tôi đã nhờ bố mẹ buộc chặt tay, chân của con trước khi con lên giường đi ngủ.

Những lần đầu, khi con quyết liệt làm thế, tự đòi bố mẹ dùng “biện pháp mạnh” này với mình, tôi đã rất sốc. Tôi lén khóc vì thương con, bản thân cũng không thể ngủ được, chỉ biết ngồi căn giờ khoảng sau 2 tiếng, đoán con đã ngủ say, tôi lén sang phòng, cởi trói cho con.

Con thường tự tìm những chiếc quần ngủ mềm để nhờ mẹ buộc, nên tôi cũng đỡ lo lắng phần nào vì sợ làm con đau.

Tuy vậy, mỗi tối như thế cũng mất cả nửa tiếng đồng hồ loay hoay để con không bị buộc quá chặt mà cũng không quá lỏng và quan trọng nhất là con sẽ không tự cởi ra được.

Thế nhưng rồi, một ngày, con mua về mấy sợi dây xích, tất nhiên là loại dây sợi nhỏ, nhưng cũng vẫn là những sợi xích làm bằng kim loại. Tôi ớn lạnh khi nhìn thấy những sợi dây ấy. Con mua thêm mấy cái khóa va-li và cương quyết nhờ bố mẹ dùng chúng để buộc mình lại trước khi đi ngủ.

Khoảng một tháng trôi đi chậm chạp trong căng thẳng như thế. Nhìn con miệt mài học mỗi ngày, rồi tối đến lại tự giam mình lại. Dù sao thì con vẫn tập thể dục hàng ngày, tối ngủ đủ 8 tiếng, ăn uống đầy đủ. Con cũng chịu khó nhờ mẹ nấu mấy món bổ dưỡng nên tôi cũng phần nào đỡ lo lắng.

Càng về cuối tháng, các kỳ thi càng gần, bài kiểm tra nhiều lên, con bắt đầu mơ ngủ, la hét trong giấc ngủ. Có hôm, trước khi đi ngủ, con ngồi thừ ra, rồi tự đấm vào bụng mình vì “Con thật vô tích sự!”, rằng “Con chẳng làm được gì cả!” và “Con chết mất, con không thể sống đau đớn như thế này nữa!”... Có hôm con dùng sợi dây xích nhỏ ấy tự quật vào lưng mình, miệng rên rỉ: “Không thể được, không thể được!”... Kiên trì ở bên con, nhưng ruột gan tôi nôn nao như có ai cào xé.

Sinh nhật con, bố mẹ cũng không thể nói lời chúc, vì trước đó con đã dặn: “Bố mẹ đừng làm gì khiến con xao nhãng nhé!”. Chúng tôi chỉ có thể để bưu thiếp chúc mừng do em gái tự chọn lựa gửi cho anh trai từ nước Anh xa xôi, nhờ người mang về cho kịp sinh nhật anh, cùng hoa và quà trên bàn cạnh chỗ con ngồi học. Bưu thiếp và gói quà ấy đã nằm nguyên như vậy trong suốt thời gian con thi học kỳ.

Đã có lúc tôi khuyên con đi khám, lấy thuốc uống (vì con đã dừng thuốc hoàn toàn đến ba năm nay), nhưng con kiên quyết từ chối. Con cứ cố gắng tự mình thu xếp thời gian, tự cố gắng tập gym theo bài tự chọn, cố giúp mình thư giãn. Tôi còn mỗi một việc là quan sát xem con sắp hết ngưỡng chịu đựng hay chưa để quyết định khi nào cần can thiệp.

Đôi ba lần, tôi tìm cách kéo dài những cuộc nói chuyện với con, vì con rất tranh thủ thời gian để học bài, nên tôi phải tận dụng mọi cơ hội có thể, mọi bữa ăn cùng nhau để chuyện trò, nhưng cũng phải cố gắng quan sát để không làm con thêm căng thẳng. Trong số những lần ít ỏi tận dụng được ấy, tôi cũng kịp nói với con rằng con có thể hỏi mọi người nhiều hơn, vì là đang học, thậm chí sau này đi làm rồi cũng vậy, hãy để người khác chỉ vẽ và giúp con có thêm thông tin, có thêm kiến thức mới. Tôi cũng đã làm được một việc nho nhỏ, là khiến con yên tâm rằng, nếu con có đặt câu hỏi, đặt nhiều câu hỏi, thì thầy giáo sẽ thấy vui mừng nhiều hơn là khó chịu, vì khó chịu nhất là khi mình giảng cho ai điều gì, họ không hỏi lại gì cả, chẳng có phản ứng gì hết, dường như họ chẳng quan tâm...

Mẹ con tôi căng thẳng, từ từ chịu đựng cùng nhau cho đến tối hôm qua, khi con đã vượt qua gần hết khó khăn, bận rộn, khi con chỉ còn một môn thi cuối cùng mà thôi. Thấy con ăn tối xong, ngồi ôn bài cùng với bố, tôi về phòng, tắt đèn đi ngủ sớm, cảm giác thư giãn vì mọi việc đã gần như ổn. Thế nhưng, mặc dù con không có dấu hiệu gì là quá căng, thậm chí còn sang phòng ôm mẹ, chào mẹ trước khi đi ngủ, nhưng tới 2 giờ sáng thì cơn khủng hoảng dữ dội nhất đã ập đến.

Cứ như là một trò chơi khăm vậy, khủng hoảng đến khi mà con cần ngủ nhất, khi mà chỉ sáng mai thôi, con dậy, đi thi và sau đó, con có thể tập trung lập trình, tập trung làm những việc con thích... Cơn khủng hoảng cùng những tiếng kêu hét dịu dần vào 3 giờ sáng, chúng tôi để con lại một mình như con yêu cầu, trở về phòng và thức luôn tới sáng. Sáng sớm, tôi dậy đi bơi như thường lệ. Chuẩn bị ăn sáng cho con trước khi đi làm, tôi hy vọng con sẽ dậy được để đi thi. Vậy mà con đã làm tốt hơn thế! Con dậy sớm, ăn sáng, ôn bài rồi vào trường để thi. Và ngay lúc này đây, con trai đang ngồi say sưa lập trình. Hồi chiều, sau khi thi xong, con đã có 3 tiếng đồng hồ chơi bóng bàn với bạn, về đến nhà mệt nhoài, tắm rửa rồi nghỉ ngơi.

Tối nay, lần đầu tiên sau một tháng trời, nhà tôi có bữa ăn vui nhộn, nhiều tiếng cười, trêu chọc nhau và bàn bạc kế hoạch cho những ngày tới. Con trai mở quà sinh nhật, đọc bưu thiếp và tươi tỉnh, sảng khoái.

Khó khăn lại tạm qua, con tôi vui vẻ, cứ như chưa hề có những ngày tự làm đau mình, tự buộc mình lại để không làm tổn thương mình nhiều hơn. Và tôi tin rằng, đâu đó, trời phật có nghe thấu lời cầu khẩn của người mẹ.

Trầm cảm nhiều lúc đi cùng tự hại, tự làm đau bản thân. Khi đó, người thân cũng phải chịu đựng nỗi đau, thậm chí là còn lớn hơn chính các bạn ấy. Thế nhưng, nếu kiên trì và làm đúng cách, cuối cùng, những cơn trầm cảm và những hành vi tự hại cũng sẽ lui bước thôi. Kiên trì và quyết tâm, chúng ta sẽ chiến thắng chúng hết lần này, lần khác!

Các cơn khủng hoảng do trầm cảm, lo âu có thể nặng nhẹ khác nhau và đôi khi nó quá sức chịu đựng của người thân. Chúng ta tuyệt đối không nên đối phó với chúng một mình, rất cần được hỗ trợ và cần rất nhiều bình tĩnh, cũng như sự sáng suốt trong đánh giá tình hình.

PGS-TS. Nguyễn Thị Phương Hoa

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.