mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Về vòng tay của “Nhà quê”

 23:03 | Chủ nhật, 13/02/2022  0
“Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải/ Nơi những sớm mai bình yên nắng giòn trên lá”, Thi ca của Nguyễn Đình Toàn.

“Bỏ nhà, đi”. Là chuyện nghiêm trọng đến mức tột đỉnh người ta phải thế. Ai, đâu dễ bỏ nhà mà ra đi. Cái Ngôi nhà là tổ ấm, chốn thuộc về, “bến” hạnh phúc, để “trở về” sau một ngày đi mưu sinh, lăn lóc, va cạ với nhân quần. “Về nhà thôi !”, nó tha thiết nơi mỗi người.

“Cái nhà” nó đã thế, huống chi lớn hơn, bao trùm hơn, là không gian sống. “Bỏ nhà, đi”, thì có thể tá túc đâu đó quanh đấy, nơi bộ salon ở công ty, nhà bạn bè, khách sạn. Nhưng “Về Quê thôi !” thì là xáo động toàn diện tâm trạng đến độ không còn lựa chọn tạm thời nào được nữa. Tôi đã chứng kiến con chuột nó hớt hải khi chạy về hang. Tôi đã chứng kiến con chim nó thẫn thờ ở những cành cây quanh đấy khi bị ai đó gỡ tổ của mình. Tôi đã chứng kiến những con cá lóc mẹ bơi vật vờ nhiều ngày trong cỏ lau khi không còn thấy ổ vì một loài khác đã xúc nguyên cả bầy con đỏ hỏn lòng ròng của nó để đem bán cho các nhà hàng phù hoa khoái khẩu trên thị thành. Tôi đã chứng kiến đàn voi dáo dác khi khu rừng nó sinh sống bị san phẳng, bởi với nó mảnh rừng nghèo ấy là “Quê nhà”. Tôi đã chứng kiến bầy ong khi vỡ tổ, vì khói từ loài khác đốt lên đuổi chúng đi để chiếm căn nhà nó lấy mật.  

Tội nghiệp lắm, sinh phận loài nào cũng giống nhau y chang mà, giữa cuộc sinh tồn.

Dưới trời đất này, loài nào cũng đơn sơ cả. Loài nào cũng bé bỏng cả. Trước tạo hóa, loài nào cũng nằm trong trò chơi có “Tổng bằng không”, chứ đâu có ngoại lệ “Khác không” - sinh ra, trưởng thành, và chết đi. Chỉ có trí não và những tham cầu vô tận làm loài nào đó quá dư thừa lý trí nên nghĩ hỗn độn ra đến vô tận và ảo tưởng về sức mạnh loài mình thôi. 

Năm rồi, tôi thấy tôi mong manh lắm. Trường thông tin hớt hải và chết chóc từ tivi dội cả vào vách núi rừng xa. Tôi sống nơi thưa vắng mà còn lung lay. Đại dịch xảy ra, thành phố lớn nhất đất nước tôi dáo dác. Bản năng sinh tồn ở con người trỗi dậy ở đó. Tôi chợt thấy cả loài Homo Sapiens - Con người hiện đại - của tôi mong manh. Cũng là bình thường như bao loài trước quy luật khát sống của sinh vật, trước bài ca sinh-tử nơi mặt đất.

Trong ba ngày từ 2.10 đến 4.10.2021 đã có hơn 30.000 lượt người dân về quê các tỉnh Tây Nguyên, miền trung và miền bắc qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Người dân về quê được lực lượng công an dẫn đường, hỗ trợ thực phẩm, nước uống và xăng xe khi qua địa bàn tỉnh.. Nguồn: Báo Thanh Niên


Thách thức từ dịch họa. “Phép thử” của Thượng đế? Không, nó là thật, sống mái, một mất một còn. Phải “sống” sót cái đã. Rồi tính tiếp. Dù thông minh đến đâu, con người cũng không thể hiểu hết tạo hóa, Trời đất. Làm sao mà biết giới hạn của đại dịch, dù chính phủ nào trên hoàn cầu cũng cố sức tìm cách bảo vệ người dân mình. Hoàn cảnh cụ thể ở mỗi người mới là cái cân của chính sinh phận ấy, tự rõ khả năng hứng chịu, chống đỡ. Tột cùng của hiểm nguy người thấy rõ cái rốt cuộc mình cần nhất - Sự sống. Tột cùng của hiểm nguy, người thấy rõ người, cùng muôn loài. Ôi mặt đất thân yêu. Ôi mặt đất khó hiểu; kỳ diệu, nhân từ và rủi ro, tàn bạo. Âm thanh “Về Quê” chợt bừng sáng nơi thị thành. Loài người cũng dễ hiểu làm sao. 

Vòng tay của “Nhà quê”.

Dẫu thế nào thì làng quê vẫn cứ còn là nơi tinh khiết.

Những đoàn người xe máy như “sóng người” trôi, cả đi bộ, quyết liệt về quê. “Di cư” ư? Không, gọi đúng tên ấy là thiên di. Vì nó tự nhiên, rất bản năng, là phản xạ, tất yếu, khi hữu sự. Chia tay thôi, đô thành ơi. Chào thôi, ước mơ kiếm được nhiều tiền, và đâu đó giấc mơ thành Thị dân. Quê nhà ơi, xa xăm quá. Xa xăm nhưng chắc chắc yên bình, ấm áp. Thành phố nào thì cũng chỉ là phần le lói lọt thỏm giữa sông biển, rừng núi, đồng quê, cỏ cây, và thời tiết, mùa màng.

Tôi thương loài tôi hơn lúc nào khác. Thị thành những lúc thế này mới biết mình bé mọn, nhạy cảm, dễ vỡ, bởi rằng oan nghiệt suốt bao ngàn năm nay ở lịch sử loài người dịch bệnh cứ hay chọn thị thành để gieo rắc, tấn công, tàn phá. Virus Sars-coV-2 dù là sản phẩm nhân tạo hay thiên tạo, thì con người cũng là sản phẩm của tạo hóa. Nhưng tôi không thể can gián tạo hóa và không thể đàm phán với Thượng đế. Ai “thị dân” bao đời thì ở đấy mà phòng thủ, thích nghi, và chống đỡ, bởi phố đã là “quê xứ”. May cho ai “có” “Quê mùa” để về. 

Cỏ cây vườn cũ lặng câm/Quỳ hôn còn thấy xa xăm bóng người (thơ của Trần Xuân Kiêm). Nhà quê, đồng ruộng, rẫy nương, mùa màng sẽ che chở. Nơi ấy, có gì ăn đó. Cho dẫu dưa cà, mắm muối, canh rau, vắng thịt, vắng tiệc tùng, phù hoa, vắng người. Còn “đất”, còn người. Còn chịu lao động, còn người. Nghèo mà an toàn. Nơi nào phù hoa mà chẳng như những thợ săn, săn từ mồ hôi, tâm trí, đến thân xác. Cơ hội càng nhiều nguy khó càng bao la. Làng quê bao la nhưng dễ hiểu. Thành thị chật chội nhưng chẳng dễ hiểu chút nào - mênh mông khắc nghiệt. Ai đó lạc phương có thể gõ cửa ở nhờ nhà một người quê, nhưng có bao giờ gõ cửa ở nhờ được nhà một người thành phố. Ai đó nhỡ đường sao mà quá giang được một thị dân. Thị dân không xấu, nhưng đặc điểm đời sống thành phố nó thế. Thành mong manh nên thành phố cần hoài nghi và tự vệ. Thị thành luôn yếu đuối và dễ bị tổn thương. Hào phóng và mã thượng không điều kiện chỉ có thể ở chốn Quê mùa. “Về quê thôi”, bởi giữa trời đất thênh thang còn có mẹ cha, dòng họ, xóm giềng, cây xanh. Làng quê, đất trống, người thưa, nhưng đâu đó nó “sâu” vô vàn.

Dịch bệnh xảy ra, mới hay vai trò của “Quê nhà”. Thành phố hãi hùng mới thấy giá trị của “Nhà quê”. Cao vời, và thiêng liêng lắm, hình như hơn cả Ngôi nhà.

Thành trì “Quê mùa”. Tôi nhớ ai đó đã làm thơ: Cuối con phố đã là quê/Người qua đó với bộn bề màu xanh.

Nhưng loài người ơi, loài người còn có “Quê” để về. Nơi mặt đất này, có những loài không còn quê để về nữa. Bao loài vật đã “ra đi” vĩnh viễn, tuyệt chủng, khi rừng già đã biệt tăm. Quê quán mình nhiều lúc không phải do mình quyết định sự tồn tại của nó. Bởi mặt đất đã xáo động hết rồi. Dịch bệnh đang diễn ra hai năm rồi, phát lộ ra bao điều để người đời nhận ra và nghĩ lại. 

Các loài khác ít đau khổ hơn, vì nó không biết điều đó.

Nguyễn Hàng Tình

 

Nguồn Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 188
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.