Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập diễn ra trong hai ngày 11 và 12.6. Năm nay, TP.HCM có 108.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó 93.981 em đăng ký dự thi lớp 10 công lập. Trong số này, hơn 86.000 em thi lớp 10 thường, khoảng 6.400 thí sinh dự thi chuyên, 1.300 thí sinh dự thi lớp 10 tích hợp.
Sáng 11.6, các thí sinh sẽ làm bài thi môn ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Buổi chiều thí sinh làm bài thi môn ngoại ngữ từ 14h. Ngày 12.6, buổi sáng thi môn toán, buổi chiều thi môn chuyên hoặc tích hợp (đối với thí sinh có đăng ký dự thi vào lớp 10 chuyên hoặc lớp 10 tích hợp).
Dưới đây là nhận định đề thi và đáp án các môn: ngữ văn, tiếng Anh và Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2022 - 2023 từ các chuyên gia Hệ thống giáo dục HOCMAI.
***
Môn Ngữ văn: Nhận định chung, theo Tổ Ngữ văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI thì cấu trúc đề thi có sự hoà trộn giữa đề thi năm 2019-2020 và 2020-2021 (theo trục chủ đề và đọc hiểu 2 văn bản). Chủ đề “Thông điệp của thời gian” khá hay, độ phân hoá của đề thi rất tốt. Do vậy, dự kiến kiến phổ điểm trung bình không cao, từ 6.0 - 7.0 điểm
Ảnh: Vnexpress
Câu 1- Đọc hiểu: Kết quả lựa chọn ngữ liệu khá tốt. Câu hỏi số 4 của phần này rất hay, đặt ra những lựa chọn giá trị hoc sinh phải cân nhắc. Tuy vậy, câu hỏi thứ 3, vốn ở mức thông hiểu, lại hỏi về thông điệp rút ra từ văn bản, thuộc dạng câu hỏi vận dụng. Do vậy mức độ tư duy cần cân chỉnh lại cho phù hợp với định hướng ra đề thi của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tốt hơn.
Câu Nghị luận xã hội: Đây là một vấn đề rất hay, đặt ra cho thí sinh sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa thời gian và sự trưởng thành. Đó có thể là mối quan hệ theo tỉ lệ thuận, nhưng cũng có những cá nhân dẫu phát triển về mặt thể chất nhưng chưa chắc trưởng thành về suy nghĩ. Nêu vấn đề để học sinh nhận thức sự phân biệt giữa “lớn thêm” và “trưởng thành” là một hướng đi rất hay và cũng là một yêu cầu phân hoá rất tốt, dành điểm cao cho những thí sinh biết tìm tòi, đào sâu suy nghĩ.
Câu Nghị luận văn học: Với 2 sự lựa chọn cho thí sinh:
Đề 1: “Sang thu” của Hữu Thỉnh là một bài thơ hay, hàm súc, tinh tế. Hai khổ thơ yêu cầu phân tích sát với định hướng “biến chuyển của thiên nhiên, con người theo bước đi của thời gian”. Bản thân việc phân tích khổ thơ thứ 2 trong đề cũng yêu cầu thí sinh có những cảm nhận sâu sắc, đáp ứng yêu cầu phân hoá. Phần liên hệ so sánh có phạm vi ngữ liệu khá rộng, mở ra lựa chọn từ thơ sang cả truyện. Vấn đề là thí sinh có khả năng lựa chọn tốt ngữ liệu so sánh trong thời gian ngắn để đưa ra những kiến giải phù hợp, xác đáng hay không mà thôi.
Đề 2: Yêu cầu đề không mới, nếu không muốn nói là rất quen thuộc với thí sinh. Tuy vậy, cách đặt vấn đề của đề thi hơi rườm, nhiều khả năng gây nhiễu thông tin cho thí sinh. Do vậy, người ra đề cần cân nhắc hơn về kĩ thuật thực hiện đề thi, nhất là với các lớp ở bậc THCS và với một kì thi nhiều áp lực như kì thi tuyển sinh lớp 10, đặc biệt là ở TP.HCM.
>> Xem gợi ý đáp án bài môn Ngữ văn.
Môn Tiếng Anh: Nhận định chung đề thi kiểm tra được toàn diện các kỹ năng đọc hiểu và vận dụng kiến thức Chương trình Tiếng Anh bậc THCS. Đề thi có sự thay đổi nhẹ về cấu trúc mà Sở GD & ĐT TP.HCM đã công bố vào năm 2021: thay vì 36 câu (gồm trắc nghiệm và tự luận) làm trong vòng 60 phút thì số lượng câu của đề thi tăng lên 40 câu (bao gồm trắc nghiệm và tự luận) làm trong vòng 90 phút. Đây là một điểm mới của đề thi năm nay.
Ảnh: Vnexpress
Đề thi có độ khó cao hơn so với đề thi năm 2020 (năm 2021 không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 do tình hình dịch bệnh) và có tính phân hóa tương đối tốt, nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn cao với các tình huống xã hội quen thuộc, gần gũi; cách ra đề hiện đại nhưng không xuất hiện những câu hỏi đánh đố. Bên cạnh đó, đề thi cũng bám sát mục tiêu tuyển sinh vào lớp 10. Với đề thi này, thí sinh cần phải nắm chắc các kiến thức ngữ âm, ngữ pháp nền tảng, học sâu, hiểu kỹ bản chất, vốn từ vựng phong phú và có kỹ năng xử lý các dạng bài tốt thì mới có thể đạt điểm cao. Đề thi cũng yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận của thí sinh, đặc biệt đối với dạng bài viết.
Về nội dung đề thi: Đề thi không chú trọng kiểm tra nhiều về các kiến thức ngữ pháp mà khai thác sâu vốn từ vựng của thí sinh và có thêm dạng bài kiểm tra về phần phát âm và trọng âm.
Về độ khó của đề thi: 62,5% câu hỏi ở mức độ nhận biết-thông hiểu, 37,5% câu hỏi mức độ Vận dụng - Vận dụng cao. Đề thi được thiết kế với các câu hỏi mang tính thực tiễn cao, quen thuộc trong đời sống hàng ngày mà vẫn đảm bảo độ phân hóa tốt, đây là một điểm hay và “hiện đại” trong đề thi vào 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Các câu hỏi có tính phân loại chủ yếu nằm ở dạng bài cho dạng đúng của từ, viết và đọc hiểu, ví dụ như câu số 19, 20, 24, 25, 39. Đề thi không có các câu hỏi quá khó nhưng để chọn được đáp án đúng cần sự tập trung cao vì độ nhiễu giữa các phương án tương đối tốt, câu hỏi được thiết kế lồng ghép nhiều kiến thức. Số lượng câu hỏi kiểm tra về từ vựng nhiều, mà từ vựng thường là điểm yếu của thí sinh khi học Tiếng Anh. Học sinh phải thật cẩn thận trong quá trình làm bài, nếu không sẽ rất dễ mất điểm.
Nhìn chung, để hoàn thành tốt bài thi này, các thí sinh cần phải nắm chắc các kiến thức cơ bản, vốn từ vựng phong phú, kỹ năng làm các dạng bài ở mức độ khá trở lên. Với đề thi này, mức điểm phổ biến có thể sẽ rơi vào khoảng 5-6 điểm. Đề thi có thể có nhiều điểm 7-8 nhưng số điểm 9-10 thì sẽ không nhiều.
>> Đáp án môn tiếng Anh.
Môn Toán: đề thi giữ được tính ổn định về cấu trúc so với năm 2020-2021 đồng thời các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng đã được giảm nhẹ để phù hợp với tình hình học tập thực tế của học sinh (học trực tuyến gần hết học kỳ I).
Đề thi gồm 8 bài toán lớn và có tính ứng dụng thực tế cao, tiệm cận với xu hướng học Toán chung trên thế giới. Mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ với cấu trúc điểm ổn định và được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Về phạm vi kiến thức và độ khó: So với đề thi năm 2020-2021, đề năm 2022-2023 có cấu trúc tương đồng và có sự giảm nhẹ về độ khó. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS và không chứa kiến thức tinh giản của Bộ giáo dục và Đào tạo. Bài số 7 (ý b) là bài tập khó nhằm đánh giá khả năng lập luận, tư duy logic của học sinh và đây là câu hỏi mang tính chất phân loại thí sinh. Nhận định cụ thể về từng câu hỏi trong đề như sau:
Nhìn chung, đề thi năm 2022-2023 về cơ bản không có sự thay đổi so với năm 2020-2021. Cấu trúc bài thi hướng đến đánh giá năng lực toàn diện của người học, áp dụng các kiến thức toán học để giải các bài toán trong thực tế và rất thời sự. Đồng thời, đề thi có câu hỏi chứa vấn đề toán học có nội dung kiến thức tiệm cận với nội dung kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (bài 7).
Đề bài dài nhưng khá hợp lý. Đề thi giảm về độ khó của câu hỏi cho phù hợp với thực tế học tập của học sinh trong suốt gần 1 năm qua.
>> Đáp án môn Toán.
Tr.Văn