mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Từ chuỗi giá trị dệt may đến liên kết vùng

 16:40 | Thứ năm, 20/10/2016  0

Nan đề 

Từ một nền kinh tế đóng cách nay ba thập niên, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong, chủ động tham gia hầu khắp những hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt trong khoảng mười năm trở lại đây. Hội nhập mang lại vô vàn cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức nghiệt ngã trong khi năng lực chớp cơ hội của Việt Nam còn hạn chế. Đây chính là nan đề mà TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đặt ra. “Hội nhập mang lại bốn cơ hội lớn cho Việt Nam nói chung nhưng lại đặc biệt đúng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, động lực lớn nhất của nền kinh tế” - ông nói.

Cụ thể là mở rộng thị trường; gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu; tái cơ cấu và đa dạng hóa xuất khẩu và cải cách kinh tế; tự nâng cấp nhằm đáp ứng chuẩn mực thế giới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không là cuộc chơi dễ dàng. Hàng rào thuế quan hạ xuống theo lộ trình nhưng những hàng rào kỹ thuật lập tức được dựng lên. Nhìn vào TPP với giả định hiệp định thương mại tự do đa phương này sẽ có hiệu lực từ năm 2018, Việt Nam tham gia sân chơi với những quốc gia có mức phát triển cao hơn nhiều. Nếu không tận dụng được cơ hội để bứt phá thì cái giá phải trả là nền kinh tế tụt hậu rất sâu, nhất là trong bối cảnh năng suất lao động không tăng tương ứng chi phí tiền lương. “Cùng một quỹ lương, nếu doanh nghiệp dệt may Trung Quốc bình quân tạo ra ba đơn vị sản phẩm thì chúng ta chỉ tạo ra một” - ông Tự Anh dẫn chứng.

Đến nay, Việt Nam chưa chủ động thực hiện bất kỳ nghiên cứu định lượng về lợi ích mà TPP mang lại cho nền kinh tế. Những thông tin tích cực về việc dệt may là ngành được hưởng lợi tương đối nhiều nhất từ hiệp định thương mại tự do đa phương, đến từ kết quả nghiên cứu của những tổ chức quốc tế. Năm 2015, khối TPP chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việc thuế suất sẽ hạ theo lộ trình về 0 tại nhóm thị trường quan trọng này, đặc biệt là Hoa Kỳ, tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể, khiến nhiều học giả cho rằng dệt may sẽ lập nên kỳ tích.

Được cho là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực nhưng dệt may vẫn khó tạo ra giá trị gia tăng đáng kể cho doanh nghiệp nội địa. Ảnh TL

Khoảng thời gian 15 phút Ban tổ chức khống chế khiến ông Tự Anh không có thời gian bình luận về kết quả nghiên cứu của những học giả quốc tế. Tuy nhiên, ông nghi ngại doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong nước không gặt hái được giá trị gia tăng đáng kể do quy định “từ sợi trở đi”. Tức là sản phẩm dệt may chỉ được hưởng ưu đãi về thuế suất trong trường hợp mọi thành phần vải sợi, phụ liệu đều do Việt Nam sản xuất hoặc nhập khẩu từ những quốc gia thành viên TPP.

Thực tế cho thấy ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu. Tính riêng năm quốc gia và vùng lãnh thổ ngoại khối (Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia) đã chiếm gần 90% tổng giá trị nhập khẩu xơ và sợi. Về giá trị tuyệt đối, nhập khẩu bông, xơ và vải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ (ngoại khối) đã tăng gấp đôi, khoảng 10 tỉ USD trong giai đoạn 2010-2015. Một nghiên cứu (của Vazettti và Pham) công bố năm 2014 cho thấy các quốc gia nội khối chỉ cung ứng 5,3% kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu ngành may.

Trong chuỗi giá trị dệt may, Việt Nam mạnh nhất ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất là cắt may. Những doanh nghiệp trong nước hầu như vắng bóng ở khâu sản xuất nguyên phụ liệu. Nhà máy sản xuất sơ sợi polyester Đình Vũ (75% vốn PVN) được kỳ vọng giúp ngành dệt may tự chủ một phần nguyên liệu ngưng hoạt động vì thua lỗ sau khi vận hành.

Trong khi đó, từ năm 2014 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu từ ngoại khối TPP đã rót hơn 2,5 tỉ USD vào ngành dệt may với ý đồ mượn Việt Nam làm cửa ngõ thâm nhập khu vực thương mại tự do 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Viễn tượng “cốc mò cò xơi” rõ dần.

Những con số vừa nêu không xa xôi với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (hiện gồm tám thành viên là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may. Một ngành được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ hội nhập mà không thành công thì Đông Nam bộ chắc chắn sẽ có vấn đề.

Liên kết vùng nương theo thị trường

Một số ý kiến tại Hội thảo cho rằng liên kết vùng tại Đông Nam bộ kém hiệu quả do thiếu nhạc trưởng, đồng thời đề xuất mô hình ban chỉ đạo do một Phó thủ tướng phụ trách. Kiến nghị phát huy vai trò của cơ quan điều phối vùng, ông Võ Văn Khoa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Bình Phước nhận định thiếu sự phối hợp giữa các địa phương nhằm thu hút, phân bổ nhà đầu tư phù hợp với điều kiện, nhu cầu của từng tỉnh, thành.

Ông phàn nàn các nhà đầu tư thường đến các địa phương thuận lợi, gần sân bay bến cảng còn “xa như Bình Phước thì nhà đầu tư ngại ngần”. Dòng vốn FDI thông minh nên chảy đến những nơi kỳ vọng mang sinh lợi cao nhất. Mọi can thiệp phi thị trường đều không khả thi. Hiện cả nước đã có ba ban chỉ đạo phụ trách vùng Tây Bắc, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Thực tiễn liên kết vùng ở những khu vực này cho thấy vai trò hạn chế của cơ quan điều phối.

Ông Bùi Văn, Giám đốc kênh truyền hình FBNC nhận định “liên kết vùng kiểu hành chính không hiệu quả nhiều năm qua và cứ tiếp tục cách đó thì cũng không hy vọng có hiệu quả”. Hệ thống tổ chức của các địa phương quá chặt chẽ, biến địa giới hành chính thành địa giới kinh tế. Ông Văn khuyến nghị các địa phương giang rộng vòng tay đón chào các hiệp hội tham gia liên kết vùng.

Đồng tình với ông Văn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho rằng các địa phương chủ động hợp tác, không nhất thiết phải xin trung ương. Khuyến nghị các địa phương bỏ qua lợi ích cục bộ, thành lập cụm ngành logistics vì lợi ích của cả vùng. Năm 2015, Đông Nam bộ đóng góp khoảng 7 triệu TEU/năm trong tổng số 10 triệu TEU hàng hóa xuất cảng cả nước và 700 tấn hàng hóa qua đường hàng không (chiếm 70%). Transimex có hơn 100 xe đầu kéo nhưng mỗi đầu chỉ chạy được một chuyến/ngày trong khi cùng cự ly, nhiều nước trong khu vực “có thể chạy từ hai đến ba chuyến”. Chi phí vận tải đội lên làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khu vực Đông Nam bộ đóng góp 45% GDP, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 49% xuất khẩu, 52% thu ngân sách nhưng chỉ được giữ lại 18,5% cho đầu tư phát triển. Hệ quả là khu vực miền Nam chỉ có 100km trong tổng số 740km đường cao tốc của cả nước. “Giao thông tốt, giao thương tốt”, ông Tự Anh đề nghị lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam bộ cùng nhau hợp tác, đề xuất mạnh mẽ với Chính phủ đầu tư cho Đông Nam bộ tương xứng với vị thế động lực kinh tế lớn nhất cả nước. Chính phủ cần mạnh tay chi viện cho Đông Nam bộ.

Trở lại với tình huống dệt may. Các ngành công nghiệp hỗ trợ gần như vắng bóng, đồng thời đứng ngoài trào lưu thời trang thế giới khiến ngành này bị tắc ở khâu gia công. Thay vì cạnh tranh với nhau, các địa phương nên cùng “quay mặt ra biển”. Với chiều sâu hội nhập sẵn có, TP.HCM thuận lợi hơn khi đầu tư nghiên cứu, thiết kế, thương hiệu... còn những địa phương tập trung khâu gia công. Liên kết vùng bằng cách hợp tác xây dựng cụm ngành vô hình trung tạo ra phân công lao động trong nội bộ Đông Nam bộ, theo ông Tự Anh. Như một ngạn ngữ châu Phi: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.


Ông AmCham Herb Cochran: 

 “Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ công”

 
Ông AmCham Herb Cochran  

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 45 tỉ USD năm 2015 và dự kiến tăng lên 85 tỉ USD vào 2020. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành AmCham Herb Cochran bày tỏ “sự đáng tiếc” khi mà 90% nguyên phụ liệu hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải nhập khẩu, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi nhiều.

Cho rằng Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ công như những nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ, ông Herb Cochran dẫn chứng thủ tục thông quan kéo dài 21 ngày trong khi chỉ cần 16 ngày để hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải cập bến Hoa Kỳ: “Nếu TPP có hiệu lực, thời gian thông quan rút xuống dưới 48 giờ”.

Liên quan đến câu chuyện chi phí, ông Herb Cochran nhắc lại Hiệp định về tạo thuận lợi thương mại trong khuôn khổ WTO đã được 92 quốc gia phê chuẩn. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực nếu số lượng phê chuẩn tối thiểu đạt 110 thành viên WTO. Theo đó, nếu thực hiện đầy đủ hiệp định này thì Việt Nam có thể giảm 20% chi phí giao dịch như phát biểu của Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4.2016. Nhấn mạnh chữ “nếu”, ông Herb Cochran khẳng định lợi ích đáng kể từ chi phí giảm phụ thuộc vào nỗ lực của chính Việt Nam.


 Tường Anh

» Những hệ lụy từ nền kinh tế gia công

» Hầu hết doanh nghiệp nhà nước “phớt lờ” công bố thông tin

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.