mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

TS. Phạm Sỹ Liêm: Vì sao khủng long bị diệt vong?

 08:23 | Thứ bảy, 01/07/2017  0
Có tiếng là người phản biện nhiều, nhưng TS. Phạm Sỹ Liêm than: “Việc tốt thì các báo không hỏi, chỉ đem những việc dở hỏi ý kiến mình. Mà nói về cái dở thì dễ đụng chạm, mang tiếng. Rồi dẫu có nói mãi cũng hiếm khi được người ta nghe, chứ đừng nói sửa chữa. Thế nhưng anh có biết vì sao khủng long bị diệt vong không? Vì cái đuôi khổng lồ của nó là vũ khí mạnh nhất, nhưng từ đầu tới đuôi lại quá xa, thông tin từ đầu tới đó quá chậm, làm nó kém khả năng phản ứng...”.

Muốn phản biện chính sách hay bày tỏ ý kiến cá nhân trước bất cứ sự kiện xã hội nào cũng cần phải lập luận có căn cứ, và lòng mong muốn được lắng nghe. Vốn là một thầy giáo, ông Phạm Sỹ Liêm trải hầu hết cương vị quản lý thấp đến cao, từ chỉ huy công trường, viện trưởng thiết kế đến phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thứ trưởng Bộ Xây dựng, nghĩa là đủ trải nghiệm để hiểu rõ các công việc xây dựng và thực thi các chính sách công. Nhưng chừng ấy cũng chưa đảm bảo người ta sẽ tham dự các hoạt động phản biện, nếu họ không thiết tha với cuộc sống muôn mặt của xã hội. Có lẽ không phải là người như vậy, nên ông mới góp phần thành lập Tổng hội Xây dựng Việt Nam và tham gia lãnh đạo Tổng hội suốt 35 năm qua. Nhân dịp Người Đô Thị có cuộc

Thưa, từ khi nào ông bắt đầu tham gia hoạt động phản biện xã hội, hiểu như một hoạt động phân tích độc lập đối với một đề án xã hội đã hình thành và được công bố?

Sau khi lấy bằng tiến sĩ và trở về nước năm 1964, tôi có dịp cùng một số kỹ sư tiền bối trao đổi về việc lập một đoàn thể của trí thức ngành xây dựng để tiện tiếp nhận các thành tựu khoa học kỹ thuật quốc tế và phổ biến áp dụng trong nước. Thế nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên mãi đến năm 1982 Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng Việt Nam mới được thành lập, rồi trở thành thành viên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, được thành lập vào năm sau (1983).

Từ phải: TS. Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) và ông Vũ Quang Các (Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại cuộc trao đổi “Tư duy mới trong quy hoạch”, nhằm góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch, do VTV1 tổ chức tháng 3.2017. Ảnh B.T.S

Lúc ấy vấn đề phản biện xã hội chưa đặt ra. Từ khi đất nước đổi mới, nhu cầu xây dựng chính sách và thể chế kinh tế thị trường rất cấp bách, do đó theo sáng kiến của đồng chí Trần Xuân Bách, Chỉ thị 35-CT/TƯ ngày 14.4.1988 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VI) về Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam lần đầu tiên nêu lên chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên. Để đáp ứng chức năng mới, từ năm 2002 Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng được chuyển đổi thành Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Có thể hiểu “tư vấn - phản biện - giám định” một chính sách nào đó là ba công đoạn của hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, giai đoạn nào cũng cần khoa học, cần khách quan. Vậy nếu chỉ do một cơ quan (chủ quản) tự làm, tham vấn chiếu lệ, cho có... thì khó có được chính sách tốt?

Ở nước ta các chủ trương, chính sách, thể chế đều do các nhóm tham mưu của Đảng và Nhà nước được giao nhiệm vụ soạn thảo để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Trước khi phê duyệt, các cấp cũng có lúc đưa cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp đóng góp ý kiến phản biện trong khoảng một tuần, còn yêu cầu giám định thì ít đặt ra. Cách làm còn khép kín đó ít huy động được trí tuệ xã hội nên chất lượng “sản phẩm” ít nhiều bị hạn chế.

Thống kê hàng năm cho biết có hàng nghìn văn bản các cấp ban hành chồng chéo, cái nọ đá cái kia, ít hiệu lực, kém khả thi. Như quy định người “ngực lép” không được đi xe máy, đi ô tô phải mang theo bình cứu hỏa, thông tư ra năm 2013 cho phép Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được cộng 2 điểm thi đại học... khá “ngộ nghĩnh”. Hoặc nhiều việc gây thắc mắc đang diễn ra như chiến dịch dọn vỉa hè, dẹp chợ, chủ trương cấm xe máy, quy hoạch treo… đều có nguồn gốc từ hoạch định chính sách. Ngoài ra, các nhóm lợi ích còn có thể tác động vào việc hình thành các chính sách, đề án có lợi cho chúng.

Ông muốn nói các tổ chức xã hội dân sự cũng có thể tham gia việc này?

Xã hội hiện đại bao gồm Nhà nước, khối thị trường và khu vực công dân. Ý kiến, nguyện vọng của công dân đối với Nhà nước và khối thị trường không chỉ được thể hiện trực tiếp qua các đại biểu dân cử, mà còn được trình bày qua các tổ chức quần chúng hoạt động phi lợi nhuận trong khuôn khổ pháp luật, và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó hiện nay hoạt động giám sát, phản biện được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai rộng rãi, trong đó có Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu.

Nhiều người vẫn còn nhớ các công trình nghiên cứu phản biện thuyết phục của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, và mong muốn các ông tiếp tục giữ vai trò đó trong bối cảnh chống tham nhũng rất khó khăn hiện nay...

Chống tham nhũng là một trong những quyết sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước, vì vậy Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã rất tích cực tham gia cuộc chiến đấu cam go này, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Chẳng hạn mấy năm trước, đề tài “Nghiên cứu đánh giá mức độ thất thoát trong các dự án đầu tư xây dựng, và những giải pháp ngăn ngừa, khắc phục” của Tổng hội đã đánh giá mức độ lãng phí và tham nhũng vào khoảng 30% tổng vốn đầu tư công, gây tiếng vang lớn trong xã hội. Nhưng mức độ tham nhũng lãng phí khi đó chưa thấm gì so với mức đội vốn dù chỉ ở một dự án như “Đường sắt trên cao của Hà Nội” hiện nay.

Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tham gia phản biện, đánh giá 9 phương án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và đề xuất chọn biểu tượng của sân bay Long Thành là hoa sen. Ảnh A.C.V

Để chống tham nhũng, lãng phí thì phải mở rộng dân chủ và hoàn thiện thể chế thị trường, do đó tôi cố gắng nghiên cứu học thuyết Tân kinh tế học thể chế vừa mới hình thành vào cuối thế kỷ trước. Học thuyết này cho rằng muốn tiến hành giao dịch thị trường thì trước tiên phải xác định rõ quyền tài sản thuộc về ai, vì người ta chỉ có thể đưa ra giao dịch phần tài sản của chính họ mà thôi. Việc này không dễ dàng vì nhiều tài sản gắn liền với đất, mà đất đai lại thuộc quyền sở hữu toàn dân, một khái niệm không có ranh giới rõ ràng.

Thể chế được định ra là nhằm đảm bảo tính vững chắc của kết quả giao dịch. Thế nhưng hoạt động giao dịch lại đòi hỏi phải bỏ chi phí cho việc thu thập thông tin, đi lại, gặp gỡ thương lượng, bôi trơn v.v.., gọi chung là chi phí giao dịch (transaction cost). Vì vậy để đánh giá hiệu quả của thể chế nào đó thì phải căn cứ vào mức chi phí giao dịch theo thể chế đó, và thể chế hiệu quả nhất chính là thể chế đòi hỏi chi phí giao dịch thấp nhất.

Đổi mới thể chế trở nên cấp thiết, nếu không muốn lâm vào tình trạng của con khủng long (cười). Chúng tôi đang chuẩn bị Đại hội VIII và kỷ niệm 35 năm thành lập tổ chức của mình, công tác phản biện xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tham gia cùng Đảng, Chính phủ đổi mới thể chế.

Xin cảm ơn ông.

Trần Vũ thực hiện 

Tổng hội Xây dựng Việt Nam: tư vấn phn biện nhiều chính sách, dự án lớn

Tư vấn phản biện là một nhiệm vụ chính và quan trọng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Với nhiệm vụ này, Tổng hội đã trực tiếp tham gia tư vấn phản biện nhiều dự thảo luật, nghị định, pháp lệnh, thông tư, chỉ thị... liên quan đến hoạt động xây dựng; các dự án công trình lớn quy hoạch theo chương trình của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Tổng hội đã triển khai “Đánh giá thực trạng tham nhũng và kết quả công tác phòng chống tham nhũng” theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Nhiều chuyên gia của Tổng hội đã tham gia tư vấn phản biện các vấn đề lớn như: Đánh giá hiệu quả dự án bô xít Tây Nguyên, Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Luật về Hội, Luật Khoa học công nghệ, Quy hoạch công trình thủy điện...; tổ chức hội nghị góp ý kiến cho Đề án tái cơ cấu ngành xây dựng, chương trình phát triển nhà ở xã hội...; tham gia các hội đồng thẩm định các dự án quy hoạch đô thị, nâng cấp và công nhận các đô thị, chương trình quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, chương trình sử dụng vật liệu xây không nung,...

(Lược trích từ tài liệu Hội nghị Ban chấp hành trung ương Tổng hội Xây dựng Việt Nam lần thứ V Khóa VII, 2012-2017)

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.