Cả nhà “náo loạn” vì học online…
Từ hơn một tháng nay, chị Hoa ở quận Hà Đông (Hà Nội), sau mỗi giờ đi làm lại tất bật về nhà để chuẩn bị cơm nước, kịp cho con gái kịp ăn trước giờ học online. Con gái chị hiện đang học lớp 3 tại một trường gần nhà, học online vào các buổi tối trong tuần, bắt đầu vào 19 giờ tối và kết thúc vào 21h hàng ngày. Theo chị Hoa, mặc dù con đã tự ngồi học online, nhưng vợ chồng chị không có thời gian kèm con làm bài tập về nhà vì buổi tối thì quá muộn, còn ban ngày, anh chị bận đi làm.
Trường hợp chị Huyền ở huyện Đan Phượng lại gặp khó khăn trong việc chuẩn bị thiết bị cho con học tập. Nhà có 3 con đang học cấp 1 và cấp 3, nhưng gia đình chỉ có một cái máy tính, điện thoại của hai vợ chồng chị được “trưng dụng” cả sáng và chiều. Mỗi lần có việc ra ngoài, chị Huyền buộc phải “căn” vào thời điểm con không học. Đó là chưa kể, vào những thời điểm cả 3 đứa trẻ cùng học online, tình trạng rớt mạng, thoát ra khỏi phòng học thường xuyên xảy ra.
Học sinh lớp 1 gặp khó khăn khi học online. Nguồn: Zing
Nan giải hơn cả là những gia đình năm nay có con vào học lớp 1. Làn sóng dịch thứ 4 khiến các trường học phải đóng cửa từ đầu tháng 5. Nhiều học sinh mẫu giáo chưa được làm quen với mặt chữ, mặt số, tập viết nên việc học online rất vất vả. Hầu hết các phụ huynh buộc phải ngồi học cùng để hỗ trợ con trong suốt các buổi học, đồng thời hướng dẫn, kèm con học ở nhà.
Ngay cả với những trẻ lớn hơn, theo nhiều phụ huynh, việc học online cũng khó hiệu quả. Trẻ con mất tập trung, dễ bị chi phối bởi những hoạt động xung quanh, hoặc tìm tòi, khám phá những tính năng trên thiết bị. “Cô giáo yêu cầu cả lớp bật cam, bé nhà tôi lại tò mò, tìm thêm nhiều tính năng thay đổi hình nền, đổi màu son môi, tóc cho hình ảnh trên zoom”, chị Thái Hòa, ở Hà Nội chia sẻ.
Chứng kiến những buổi học online của con, anh Hưng ở quận Hai Bà Trưng lắc đầu ngao ngán. Tiếng cô giáo giảng bài, xen lẫn tiếng phụ huynh quát con và tiếng trẻ nhỏ nói chuyện tự do trong giờ khiến căn phòng nhỏ lúc nào cũng ồn ã. Đành rằng, việc học online là giải pháp tình thế trong thời điểm này, nhưng anh Hưng cho rằng, sẽ không ổn tý nào nếu tình trạng này cứ kéo dài.
Giáo viên cũng chịu nhiều áp lực
Một số giáo viên lớp 1 chia sẻ, nếu như đợt dịch năm 2020, học sinh học online rơi vào cuối năm học khi các em cơ bản đã biết đọc biết viết nên không quá khó khăn. Năm học 2021-2022, học sinh lớp 1 học online ngay từ đầu năm nên giáo viên gặp nhiều khó khăn trong truyền thụ kiến thức, đặc biệt là hướng dẫn các em cầm bút và tập viết. Để các em có thể thuộc bảng chữ cái, ghép vần và tập viết cần nhiều sự hỗ trợ và đồng hành của các phụ huynh.
Việc chuyển đổi sang hình thức học online cũng khiến nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi vất vả. Ngoài việc chuyển đổi giáo trình sang các hình thức online, giáo viên cũng cần thành thạo trong sử dụng các thiết bị công nghệ, phần mềm giảng dạy. Không ít giáo viên gặp lúng túng khi thực hiện trao quyền lớp học giữa các tiết học cho giáo viên bộ môn vởi vậy xảy ra tình huống, giáo viên âm nhạc chỉ có thể nói mà không thể gọi học sinh trả lời vì không có quyền mở mic.
Để chuẩn bị một buổi giảng online 2 giờ đồng hồ, giáo viên có thể phải mất 4 giờ để chuẩn bị và thêm 1 giờ nữa để chấm bài, cùng nhiều thời gian khác để đọc, tìm hiểu tài liệu.
Các giáo viên giảng dạy online cũng gặp nhiều áp lực trong việc thu hút học sinh tập trung vào bài giảng. Không ít trường hợp, cô giáo gọi học sinh không trả lời, hay cô giáo vừa giảng xong, học sinh hỏi lại, đó là chưa kể học sinh thường xuyên xin cô ra ngoài làm việc riêng như đi vệ sinh, uống nước, thậm chí, nhiều bạn trong lớp nghịch ngợm vẽ bậy lên màn hình của cô, chát với nhau để cô giáo phải thường xuyên nhắc nhở.
Dạy online, đồng nghĩa với việc giáo viên chịu sự giám sát của hàng chục các phụ huynh trong suốt buổi học. Chỉ cần một vài sai sót nhỏ trong lời nói, trong bài giảng… phụ huynh cũng có thể phản ánh lên nhóm lớp hay báo cáo với hiệu trưởng.
Nhiều giáo viên, phụ huynh mong chờ ngày được quay lại trường. Nguồn: Zing
PGS-TS. Đinh Thị Kim Thoa, chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo các trường cắt giảm chương trình, thiết kế lại bài giảng cho phù hợp với hình thức học online. Đối với học sinh lớp 1, theo bà Thoa, phụ huynh và giáo viên không nên quá cầu toàn, đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc chỉ thời gian ngắn các con có thể viết chữ đẹp hay phải đọc thông viết thạo. Các con cần quá trình dài để hoàn thiện, các phụ huynh không nên sốt ruột.
Để có thể thu hút, hấp dẫn học sinh trong quá trình học online, nhiều giáo viên đầu tư rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi các nguồn tài liệu, phương pháp truyền đạt. Bà Thoa cho rằng có hai yếu tố quan trọng để thực hiện buổi học online hiệu quả. Thứ nhất, là nghệ thuật quản lý lớp học. Giáo viên cần làm thế nào đó để cho tất cả các học sinh tham gia lớp học đều cảm thấy cô đang chú ý đến mình. Bởi khi trẻ nhỏ cảm thấy mình không chú ý dễ dẫn đến sự mất tập trung.
Thứ hai, các nội dung dạy được thiết kế theo trò chơi hóa. Phần kiến thức cô giảng ngắn gọn, đơn giản và dành thời gian tạo điều kiện cho học sinh được nói, được phát biểu và được chia sẻ. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng nên khai thác thêm những phần mềm, những ứng dụng tương tác giữa cô và trò, giúp cô giáo có thể nhận được tất cả những câu hỏi, nhưng thắc mắc của học sinh để giải đáp kịp thời.
Phụ huynh, học sinh mong ngóng ngày quay lại trường
Tính đến 14.10, học sinh tại Hà Nội đã nghỉ đã ở nhà hơn 5 tháng. Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần lo ngại về những ảnh hưởng, tác động của việc giãn cách quá lâu làm gia tăng các trường hợp trẻ bị stress, trầm cảm…
PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng học sinh ở nhà trong thời gian quá lâu không chỉ khiếm khuyết về kiến thức học tập mà còn khiếm khuyết cả về thể chất, tinh thần, các em không được giao tiếp với thầy cô, không được tương tác với bạn bè.
Theo số liệu thống kế, Hà Nội có hơn 2 triệu học sinh của hơn 2.000 trường học từ mầm non đến THPT, trong đó 690 trường tiểu học, gần 400 trường THPT và hàng trăm trường THCS.
Khi thành phố nới lỏng giãn cách, nhiều phụ huynh đã quay trở lại công việc, rất mong muốn các con sớm được quay lại trường học, nhất là các khu vực ngoại thành, các khu vực “xanh” không có các ca mắc covid. Theo một số chuyên gia giáo dục, việc sớm cho học sinh ở những vùng an toàn, quay trở lại trường cũng giúp cho các em hoàn thành kế hoạch học tập và sớm ổn định lại nề nếp học tập.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128 quy định lại các cấp độ dịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo văn bản này, việc đánh giá nguy cơ dịch dựa trên 3 tiêu chí: tỷ lệ các ca nhiễm mới, tỷ lệ tiêm chủng và khả năng đáp ứng của việc điều trị, thu dung bệnh nhân mắc COVID-19… Chính phủ giao cho Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tại hướng dẫn về các quy định triển khai phù hợp.
Theo ông Phu, việc cho học sinh trở lại trường sẽ căn cứ vào việc đánh giá nguy cơ cấp độ dịch của từng địa phương và theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, đánh giá nguy cơ cấp độ dịch sẽ không áp dụng cả một tỉnh, thành phố, mà đánh giá quy mô rất nhỏ, cấp phường, cấp xã, cấp huyện…
“Trong trường hợp học sinh được phép trở lại trường học, cần phải có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh đối với giáo viên, nhân viên trong trường, học sinh, người nhà… Tất cả giáo viên, học sinh, nhân viên trong trường thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Trong lớp học, nếu học sinh hay người nhà có bị sốt thì học sinh đó phải nghỉ học, thông báo với cơ quan y tế, và nhà trường. Học sinh giữa các lớp cũng không nên tương tác với nhau nếu xảy ra dịch rất khó truy vết…”, ông Phu nhấn mạnh.
Với biến chủng virut Delta, chính phủ nhiều nước trong đó có Việt Nam đã xác định không thể thực hiện "Zero Covid" mà buộc phải sống chung với Covid. Trong tình hình mới, các trường học cũng sẽ từng bước mở cửa trở lại, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nên mở cho phép cửa dần các trường ở khu vực có nguy cơ ở cấp độ 1 và sớm cho phép tiêm chủng vắc xin cho trẻ nhằm đảm bảo an toàn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128 quy định lại các cấp độ dịch. Theo đó, có 4 cấp độ dịch gồm:
Cấp độ 1: Nguy cơ thấp - bình thường mới
Cấp độ 2: Nguy cơ Trung bình
Cấp độ 3: Nguy cơ cao
Cấp độ 4: Nguy cơ rất cao
Hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Trong đó yêu cầu việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10.2021.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục sản xuất, phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số; phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện.
Phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, quan tâm hơn đến công tác tuyển sinh hệ cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khó khăn có đủ điều kiện học tập trực tuyến...
Nguyễn Lê