Khám tiền hôn nhân được gọi là khám dịch vụ, tức là tầm soát các bệnh có nguy cơ mắc phải. Vì vậy, việc tầm soát này không được bảo hiểm y tế chi trả. Thông thường giá gói khám sẽ dao động tùy theo loại xét nghiệm được làm.
Sau khi khám tiền hôn nhân, nếu vợ hoặc chồng có xét nghiệm bất thường sẽ được tư vấn các loại xét nghiệm di truyền. Hiện tại y học Việt Nam đã phát triển rất nhiều, có nhiều xét nghiệm di truyền đã thực hiện được. Vì vậy, cần xét nghiệm bệnh lý di truyền bản thân mắc phải và có hướng điều trị để kết hôn và sinh con khỏe mạnh. Chi phí khám tiền hôn nhân sẽ tùy theo xét nghiệm, tùy theo kết quả bất thường của mỗi người.
Có thể thấy, vai trò của khám tiền hôn nhân rất quan trọng. Mặc dù tốn kém nhưng sẽ biết sức khỏe của hai vợ chồng trước khi kết hôn để có hướng điều trị an toàn.
Ví dụ một số trường hợp mắc bệnh lý di truyền đơn giản như đột biến gen MTHFR. Đây là loại đột biến nhẹ, nếu phụ nữ mắc có thể dẫn đến sảy thai liên tiếp, thiếu máu. Nhưng nếu phát hiện sớm, chỉ cần bổ sung axit folic đã chuyển hóa, bổ sung rau xanh có chất đó thì cơ thể phụ nữ sẽ hấp thu hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc tầm soát đột biến MTHFR không là tầm soát thường quy, không phải lúc nào khám tiền hôn nhân cũng được tầm soát bệnh lý này. Khi bác sĩ sản phụ khoa hỏi tình trạng, yếu tố gia đình như gia đình đã có người mắc đột biến MTHFR, hoặc phát hiện có tiền căn trước đó, bác sĩ sẽ tầm soát. Có thể can thiệp nhẹ nhàng sau khi phát hiện bệnh lý di truyền.
Ảnh minh họa: CTV
Đối với một số đột biến trầm trọng hơn, bác sĩ cũng sẽ tư vấn di truyền sau khi phát hiện. Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn có nhiều vấn đề xảy ra nhưng không thể phòng ngừa, để lại hậu quả đáng tiếc về sau.
Ngoài ra, khi khám tiền hôn nhân, bác sĩ cũng tư vấn kế hoạch sinh con cho hai vợ chồng. Đôi khi có nhiều cặp muốn em bé ngay sau khi kết hôn. Vì vậy, khi muốn có em bé phải có giai đoạn chuẩn bị. Bác sĩ thường khuyên nên khám tiền hôn nhân 3 - 6 tháng trước khi kết hôn. Trước khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung sắt và axit folic trong 3 - 6 tháng. Điều này giúp dự trữ sắt tốt hơn, axit folic có thể ngừa dị tật ống thần kinh - một dị tật khá nặng cho em bé.
Tại Việt Nam, có rất ít người quan tâm đến việc tiêm ngừa trước khi mang thai. Trước khi mang thai, phụ nữ nên tiêm ngừa viêm gan B. Nếu người mẹ mắc viêm gan B có thể gây biến chứng trong thai kỳ như bùng phát bệnh nặng hơn. Bên cạnh đó, viêm gan B là bệnh lý có thể lây truyền cho con. Vì vậy, nếu chưa mắc bệnh cần tiêm ngừa, nếu đã mắc thì cần phải biết để khi mang thai có chế độ theo dõi khác. Phụ nữ viêm gan B nếu sinh em bé mà em bé có chế độ phòng ngừa tốt, được tiêm vắc xin ngay sau sinh thì nguy cơ lây truyền rất thấp.
Một bệnh lý cũng rất quan trọng là rubella. Khi khám tiền hôn nhân, phụ nữ sẽ được xét nghiệm xem có kháng thể hay đã từng nhiễm rubella trước đây chưa. Nếu chưa thì cần phải tiêm ngừa. Khám tiền hôn nhân trước 3-6 tháng là giai đoạn an toàn. Nếu đi khám trong giai đoạn này, sau khi kết hôn bạn có thể an tâm mang thai. Đây cũng là giai đoạn vàng để tiêm ngừa một số loại vắc xin, vì sau khi tiêm rubella cần 3 tháng để ngừa thai, vì vậy tốt nhất không nên có thai trong 3 tháng sau khi tiêm ngừa.
Không riêng tiền hôn nhân mà khi đi khám bất cứ bệnh lý nào, mọi người cũng nên mang theo hồ sơ. Do có những loại thuốc chống chỉ định với nhau và nhiều bệnh lý có liên quan đến nhau. Nếu có hồ sơ sẵn, bác sĩ sẽ dễ dàng thăm khám và điều trị.
Phụ nữ trên 21 tuổi đã quan hệ sẽ được chỉ định tầm soát ung thư cổ tử cung. Do đó, chị em nên đi khám vào giai đoạn không hành kinh. Vì nếu đang vào ngày hành kinh bác sĩ không thể khám, nếu khám được kết quả cũng không chính xác.
Bên cạnh đó, nên kiêng giao hợp trong vòng 3 - 5 ngày trước khi đi khám để có xét nghiệm chính xác hơn.
Khám tiền hôn nhân không chỉ khám phụ khoa mà còn làm một số xét nghiệm khác. Vì vậy tốt nhất nên đi khám vào sáng sớm, nhịn ăn trong vòng 8 tiếng trước khi khám để có kết quả chính xác hơn.
BS-CK1. Nguyễn Lệ Quyên (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM)