mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Thảm họa Formosa: Pháp lý của việc bồi thường và quyền của người dân bị thiệt hại

 16:32 | Thứ sáu, 08/07/2016  0

 

 

 

 

 

 

 luật sư Nguyễn Vân Nam

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Vân Nam

Theo luật pháp Việt nam, Đài Loan hay chuẩn mực quốc tế, cam kết bồi thường 500 triệu USD của Formosa, trừ phi nó đã được Chính phủ Việt Nam ký xác nhận đồng ý, vẫn chỉ là một tuyên bố ý chí đơn phương có thể không thực hiện, hoặc rút lại bất cứ lúc nào.

Cam kết bồi thường cần được hợp pháp hóa dưới hình thức một Thỏa thuận (Hợp đồng) bồi thường với chữ ký xác nhận của các bên liên quan. Nó sẽ là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tiền bồi thường và qui định các hệ quả pháp lý.

Thông thường, một Thỏa thuận như vậy ít nhất cũng phải xác định rõ ý nghĩa và mục đích của khoản tiền; phạm vi, đối tượng những người được nhận tiền; quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của bên trả tiền cũng như của bên nhận tiền sau khi nhận tiền. Đặc biệt phải qui định cụ thể, với việc trả bồi thường, bên trả tiền sẽ được loại trừ, giải phóng khỏi những nghĩa vụ, trách nhiệm nào; người nhận tiền sẽ không còn các quyền nào.

Thưa ông, nhà nước có quyền yêu cầu Formosa bồi thường những gì?

Chính phủ Việt Nam có quyền yêu cầu Formosa bồi thường những tổn thất về môi trường biển, làm mất giá trị kinh tế biển và thất thu về thuế do kinh tế biển ở các vùng bị ô nhiễm giảm sút, v.v... Khoản tiền 500 triệu USD cho các thiệt hại như vậy vẫn có thể chưa thỏa đáng.

Chính phủ còn có quyền yêu cầu Formosa trả tiền khắc phục hậu quả ô nhiễm và đưa vùng biển bị ô nhiễm trở lại trạng thái như trước khi ô nhiễm. Khoản tiền này chắc chắn lớn hơn 500 triệu USD rất nhiều.

Theo thông lệ quốc tế, các khoản tiền được gọi là tiền bồi thường không phải là tiền nhằm hỗ trợ những người thiệt hại để họ có tương lai tốt hơn, hay phát triển kinh tế ở những địa phương bị thiệt hại; cũng không phải là khoản tiền đã bao gồm chi phí tái tạo môi trường.

Chính quyền địa phương nơi chịu ảnh hưởng ô nhiễm có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại cho địa phương mình như: thất thu thuế (đánh bắt và tiêu thụ hải sản giảm, dân cư chuyển đến sinh sống ở địa phương khác); doanh thu của các ngành kinh doanh khác như du lịch giảm; do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trên địa bàn; cũng như yêu cầu Formosa chịu chi phí chuyển đổi ngành nghề cho những ngư dân nào bị thiệt hại do Formosa gây nên đến mức không muốn tiếp tục đánh bắt hải sản nữa,...

Các Hiệp hội nghề nghiệp có quyền khởi kiện buộc Formosa bồi thường tổn thất do giảm tiền hội phí vì hội viên giảm thu nhập; tổn thất do bảo lãnh vay vốn cho hội viên là ngư dân, v.v...

Các cá nhân có quyền yêu cầu Formosa bồi thường các thiệt hại vật chất, tính mạng và sức khỏe do Formosa gây ra cho bản thân. Hiện nay, do Formosa đã thừa nhận mình gây ra ô nhiễm, nên việc khởi kiện của các cá nhân rất thuận lợi.

 formosa

Người dân các vùng biển miền Trung lao đao vì cá chết hàng loạt. Ảnh: NLĐ

Ở vụ Vedan, sau này là Sonadezi, ông từng lên tiếng rất nhiều và ủng hộ về ý thức của người dân về quyền và trách nhiệm bảo vệ bản thân bằng pháp luật khi họ bị xâm phạm. Cụ thể là hàng loạt người dân bị tổn hại vì ô nhiễm môi trường đã nộp đơn khởi kiện công ty gây ô nhiễm. Còn trong trường hợp Chính phủ VN nhận bồi thường 500 triệu USD này, ông nói gì?

Trong bất kỳ trường hợp nào, người bị thiệt hại cũng phải được đảm bảo có quyền trực tiếp khởi kiện người gây ra thiệt hại cho họ. Bảo đảm được quyền này cũng là một trong những nền tảng tạo dựng niềm tin của người dân vào pháp luật.

Nếu Chính phủ nhận 500 triệu USD bồi thường của Formosa - điều tôi vẫn hy vọng là chưa có hiệu lực pháp lý – thì đây cũng chỉ là khoản tiền đáp ứng các yêu cầu bồi thường mà Chính phủ có quyền yêu cầu mà thôi.

Đạt được một Thỏa thuận bồi thường cho các yêu cầu của Chính phủ cũng là một việc hoàn toàn không dễ dàng, mà ngược lại, rất dễ “sai một ly đi một dặm”. Vì Formosa là người rất có kinh nghiệm đối phó với những vụ tương tự.

Tuy vậy, phía Việt nam có hai “vũ khí” đàm phán rất hiệu quả là: quyền buộc Formosa tạm ngừng hoạt động vô thời hạn và quyền khởi kiện cá nhân của người bị thiệt hại.

Mục tiêu đàm phán nên là: buộc Formosa phải ký cam kết thực hiện tối thiểu ba nghĩa vụ cơ bản: (1) Đưa môi trường bị hủy hoại trở về trạng thái ban đầu khi chưa bị ô nhiễm; (2) Bảo đảm không tái phạm gây ô nhiễm dưới bất kỳ hình thức, mức độ nào; và (3) Bảo đảm đền bù thỏa đáng cho những người bị thiệt hại, bảo đảm quyền khởi kiện khi họ thấy tiền bồi thường chưa thỏa đáng.

Khi đàm phán với Chính phủ, chắc chắn Formosa sẽ yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo cho họ không bị những cá nhân chịu thiệt hại khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, Chính phủ không có quyền tổng quát thay mặt các cá nhân bị thiệt hại nói chung, mà phải được sự ủy quyền của riêng từng người. Do đó, dù trong Thỏa thuận có điều khoản buộc Chính phủ bảo đảm như vậy, nó cũng không giúp được gì cho Formosa khi có tranh chấp về thẩm quyền tại một Tòa án ở Đài loan.

Cơ quan công quyền Đài loan nói họ hoan nghênh Thỏa thuận đã đạt được giữa chính phủ VN và Formosa. Nếu đúng vậy, Chính phủ cần công bố toàn văn Thỏa thuận đó cho công luận biết.

Ngay cả khi Thỏa thuận bồi thường buộc chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Formosa không bị các cá nhân khởi kiện đi chăng nữa, họ vẫn có thể kiện Formosa tại một Tòa án có thẩm quyền của Đài loan, nếu thấy mình không được bồi thường thỏa đáng.

Tòa án Đài loan sẽ quyết định người khởi kiện cá nhân có bị ràng buộc bởi Thỏa thuận giữa Formosa và Chính phủ Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Không!

Ông nhìn nhận như thế nào về kế hoạch sử dụng 500 triệu USD do Formosa bồi thường hiện nay của nhà nước, trong đó có những chính sách hỗ trợ cho những người về thiệt hại bằng nhiều phương cách khác nhau, thậm chí là chuyển đổi ngành nghề, dùng khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ chỉ còn 1%-1,5%...?

 formosa

Thuyền thu mua, đánh bắt cá xa bờ đang ban hàng cho các cơ sở thu mua cá tại cảng cá Sông Gianh, Quảng Bình ngày 5/7. Theo các cơ sở thu mua tại đây, cá này chỉ thu mua về làm thức ăn chăn nuôi, người không ăn - Ảnh: Kimdung

Để trả lời chính xác vấn đề này thì phải căn cứ vào Thỏa thuận bằng văn bản giữa Chính phủ Việt Nam và Formosa mới có thể biết khoản tiền đó được phép sử dụng thế nào, vì mục đích gì, và cho ai.

Dù đó là khoản tiền Formosa đồng ý bồi thường theo yêu cầu của chính phủ,  nó cũng chỉ được phép sử dụng cho các mục đích do hai bên thỏa thuận.

Nếu Thỏa thuận cho phép sử dụng nó để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, để tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ thì Chính phủ mới có quyền làm như vậy.

Trong trường hợp Thỏa thuận không qui định đủ rõ về mục đích sử dụng tiền bồi thường, thì theo thông lệ quốc tế, nó chỉ được hiểu là tiền đền bù thiệt hại, chứ không phải là đã bao gồm tiền khắc phục hậu quả, tiền tái tạo môi trường, hay tiền hỗ trợ sinh kế trong tương lai.

Trừ khi Thỏa thuận giữa chính phủ và Formosa qui định rõ tiền bồi thường được chuyển cho Quỹ bảo vệ môi trường Việt nam, nếu không, nó không thể được chuyển vào quĩ này. Vì  Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam chỉ là nơi tiếp nhận nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tài trợ đóng góp của các nguồn khác. Tiền bồi thường không phải nguồn thu ngân sách Nhà nước, càng không phải là tài trợ của Formosa.

Trừ trường hợp bồi thường cho Chính phủ Việt Nam, không nên thành lập một Quĩ bồi thường hay bất kỳ hình thức Quĩ nào để quản lý các khoản tiền bồi thường của Formosa. Chỉ cần thành lập ban quản lý tiền bồi thường là đủ. Các cá nhân bị thiệt hại cần có người đại diện tại ban quản lý. Những đại diện này nên là các luật sư có kinh nghiệm, mỗi luật sư chỉ nên đại diện cho một số có giới hạn những người bị thiệt hại.

 Người dân và các tổ chức bị thiệt hại có thể nộp đơn khởi kiện Formosa ở đâu thưa ông? Họ cần phải trang bị cho mình những gì khi ra tòa?

Người dân hoặc các tổ chức phi chính phủ có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại tại các Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của Đài Loan.

Đối tượng bị kiện có thể là Formosa Việt Nam, hoặc Formosa Đài loan (Công ty mẹ của Formosa VN), hoặc cả hai.

Khi khởi kiện ở Việt nam, họ sẽ vấp phải hàng loạt khó khăn, đặc biệt là nếu trong Thỏa thuận về 500 triệu USD mà Formosa công bố cam kết bồi thường có nội dung buộc chính phủ có trách nhiệm bảo đảm Formosa không bị các cá nhân chịu thiệt hại khởi kiện. Khi đó, được Tòa án nhận đơn khởi kiện cũng sẽ là một thắng lợi rồi. Quá trình chứng minh thiệt hại thực tế cũng có thể kéo dài vô tận với đơn vị tính thời gian là năm, chứ không còn là ngày, tháng, v.v...

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là họ sẽ không còn có thể khởi kiện Formosa tại Đài loan được nữa, khi một Tòa án Việt nam đã thụ lý và xét xử tranh chấp.

Mặc dù vậy, nếu khéo léo, người bị thiệt hại Việt Nam vẫn có thể sử dụng được khả năng khởi kiện dân sự cả ở Việt Nam lẫn Đài Loan.

Đoàn công tác của bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khảo sát trực tiếp nơi xử lý nước thải của Formosa hôm 28.4 - Ảnh: Văn Định - Tuổi trẻ

Một câu hỏi mà rất nhiều người dân VN hiện nay quan tâm là có thể đóng cửa những nhà máy gây nguy cơ ô nhiễm lớn như Formosa, hay Lee&Man,... hay không?

Tất nhiên, nhiều người muốn đóng cửa Formosa. Nhưng một mặt, chúng ta không biết trong giấy phép, hay thỏa thuận đầu tư với Formosa có những quy định nào có thể loại trừ một số quyền của chính phủ VN, hay về các điều kiện để đóng cửa một dự án đầu tư? Mặt khác, không cần phải đóng cửa vĩnh viễn, cơ quan chức năng vẫn có thể tạm ngừng không cho nhà máy này hoạt động, cho đến khi nó đảm bảo được các tiêu chuẩn về môi trường, các điều kiện đảm bảo không tái phạm gây ô nhiễm.

Vedan, Formosa, Lee & Man có điểm chung là đều cho rằng người Việt Nam sẽ chấp nhận tất cả để làm kinh tế. Vì vậy họ đều thích đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đều rất ngoan cố khi phải chấp nhận có lỗi và cũng rất láu cá khi đàm phán bồi thường thiệt hại. Vì thế, cũng nên tạm thời đóng cửa nhà máy giấy Lee &Man ở Hậu Giang cho đến khi nó đảm bảo hoạt động mà không gây ô nhiễm.

Nên mời chuyên gia nước ngoài, các tổ chức, Hiệp hội có chuyên môn sâu về bảo vệ môi trường tham gia vào Ủy ban kiểm tra điều kiện an toàn môi trường đối với các dự án, nhà máy tương tự như Formosa, Lee & Man.

Sự tham gia của họ một mặt cho các nhà đầu tư khác thấy Việt nam cương quyết nói không với các công nghệ bẩn; mặt khác, kết luận của một ủy ban có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài cũng sẽ là các bằng chứng có tính thuyết phục cao khi phải tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài tại các Hội đồng xét xử quốc tế.

Lê Quỳnh (thực hiện)

» Formosa Hà Tĩnh cúi đầu nhận lỗi, cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng

» Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Formosa Hà Tĩnh có 53 hành vi vi phạm'

» Dân Đài Loan gây sức ép lên Formosa về vụ cá chết ở Việt Nam

» Từ cá chết Vũng Áng đến Formosa: Nhìn lại quy hoạch môi trường

» Trợ giúp pháp lý và thu thập chứng cứ cho ngư dân do cá chết

» Thảm họa Formosa: đã làm được gì và còn phải làm gì?

» Bốn bài học rút ra từ thảm họa môi trường Formosa

» Thảm họa cá chết miền Trung: Nguồn độc có khả năng lan xuống tận Phú Quốc

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.