Tại các khu vực có dân cư sinh sống, lượng bùn đỏ tràn vào trong nhà, vườn, ao cá nhà dân - Ảnh: Nguyễn Nam/Tuổi Trẻ
Kiểm tra cho thấy, Tân Quang Cường (tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) chưa hoàn thành việc ký hợp đồng thuê đất để khai thác khoáng sản; chưa đăng ký ngày bắt đầu khai thác theo quy định; chưa báo cáo để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã duyệt; chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng nước mặt; chưa có Giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.
Theo đó, Bộ vừa yêu cầu công ty phải tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác tại mỏ để xử lý dứt điểm sự cố, đảm đảm an toàn, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và khắc phục xong các tồn tại thiếu sót.
Trước đó, khoảng 5 giờ ngày 16.6, moong (phần thấp nhất của đáy mỏ được bao khép kín bởi bờ mỏ xung quanh - PV) chứa nước để khai thác, tuyển quặng titan tại mỏ titan Nam Suối Nhum của Tân Quang Cường bất ngờ bị vỡ, khiến một lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài. Nhiều người đang lưu thông trên đoạn đường ĐT 719 ven biển đã kinh hoàng tháo chạy khi cả núi cát từ trên cao bất ngờ đổ ập xuống.
Kiểm tra của Bộ TNMT, moong chứa có diện tích khoảng 3 ha, ở phía Tây của mỏ, có địa hình cao hơn mặt đường khoảng 50m.
Bờ moong bị vỡ đã phá bề mặt đồi cát thành khe rộng trung bình khoảng 3m, sâu trung bình khoảng 2,5m và dài khoảng 350m làm, nước cuốn theo cát chảy xuống phía biển, tràn lấp vào khu đất sân vườn và quán hải sản của nhà bà Trần Thị Nam, và một phần đất trồng cây phi lao của hộ dân Trần Văn Đức nằm phía Đông mỏ tổng diện tích khoảng 2ha (chiều dày lớp cát khoảng 0,4m), thiệt hại ban đầu xác định khoảng 778 triệu đồng.
Cát và nước cũng tràn ra đường ĐT.719 với chiều dài bị ảnh hưởng khoảng 290m, lớp cát dày khoảng 0,4m, làm đục một đoạn biển với chiều dài khoảng 500m, rộng khoảng 50m.
Nhận định ban đầu của đoàn kiểm tra, do thiếu sự theo dõi, kiểm tra lượng nước công ty bơm từ ngoài vào lòng moong để phục vụ hoạt động khai thác nên đã gây tràn nước, vỡ vách moong, tạo thành dòng áp lực lớn đẩy nước và cát trong hồ chảy tràn ra.
Tại thời điểm kiểm tra, có 3 vị trí đã được công ty Tân Quang Cường khai thác titan với tổng diện tích khoảng 6 ha.
Bình Thuận có tổng trữ lượng khoáng sản titan gần 600 triệu tấn. Cho đến nay mới chỉ khai thác được 1 triệu tấn nhưng đã xảy ra 4 vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ titan gây ô nhiễm môi trường.
Theo cơ quan chức năng quản lý về môi trường tại Bình Thuận thì đến nay, quy trình giám sát việc gia cố bờ hồ chứa, hoàn thổ sau khai thác của các dự án khai thác titan ven biển vẫn còn nhiều bất cập.
L.Quỳnh