mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

“Rửa tiền” có từ bao giờ?

 14:59 | Chủ nhật, 14/01/2024  0
“Rửa tiền” - Tổ hợp gồm hai âm tiết này, bắt đầu bằng một thành tố giữ vai trò chính, là động từ rửa. Đó là một động tác “dùng nước hoặc chất lỏng làm cho sạch (một vật nào đó)”. Như ta thường nói: rửa tay, rửa rau vo gạo, rửa xe, rửa vết sơn trên quần áo (bằng xăng),...

Trong cuộc sống hàng ngày, không ít lần ta phải thực thi công việc rất cần thiết đó. Và trong nhiều loại chất lỏng dùng cho việc tẩy rửa (nước, cồn, xăng, rượu, a xít,...) thì nước vẫn là dung dịch thông dụng, giữ vai trò quan trọng nhất. Chả thế mà cha ông ta vẫn thường nói: lấy muối làm ngon, lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu (tục ngữ).

Nghĩa đen của rửa là như vậy. Nhưng rửa tiền lại có một hàm nghĩa hoàn toàn khác. Cụm từ này chỉ một hành vi của ai (hay một tập thể nào đó) muốn cố tình "hợp pháp hoá số tiền bất chính" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) nhằm che đậy những khoản thu nhập mờ ám, không rõ ràng của mình. Chuyện này đã khá phổ biến trong mọi lĩnh vực làm ăn kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng nguyên do từ đâu mà người ta lại trao cho từ rửa trọng trách này (mà không phải là từ nào khác)?

Minh hoạ: DAD


Số là, vào khoảng thời gian sau Chiến tranh Thế giới I (1914 - 1918), có một thương gia chuyên lo tiền bạc cho một băng đảng xã hội đen ở Miami (Mỹ), nghĩ ra một kế để hợp thức hoá số tiền “làm ăn” phi pháp của mình. Ông ta xin phép cho mở một hiệu giặt là quần áo (cả thủ công và bằng máy).

Sau mỗi ngày, ông ta quyết toán khoản thu chi và nộp một số tiền tỷ lệ phần trăm theo quy định đóng thuế môn bài của Mỹ. Nhân đó, ông ngấm ngầm khai tăng số tiền thu nhập (nhờ làm ăn bất chính mà có). Cục Thuế vụ Mỹ cứ thế nhập vào tài khoản số tiền lãi và thế là ông ta nghiễm nhiên sở hữu một khoản tiền ngày một lớn dần quá mức thực tế.

Điều quan trọng là ông ta đã “làm xiếc” với nhà chức trách, dùng mẹo biến số tiền bẩn (thu nhập bất hợp pháp) thành tiền sạch (thu nhập chính đáng). Dĩ nhiên, sau đó ông cứ việc rút tiền ra chi tiêu một cách đàng hoàng mà chẳng ai có cớ hạch sách, bắt bẻ. Vậy từ rửa ở đây có liên quan và cùng trường nghĩa với từ giặt (một bên là giặt quần áo, một bên là “giặt” tiền).

Chính vì thế mà sau này, tiếng Anh xuất hiện từ "launder money", một dạng lóng, có nghĩa là “rửa tiền” (money laundering). Thế rồi, tiếng Việt đã “nhập tịch” cho từ này và Việt hoá tới mức giờ đây nó biến thành tài sản riêng trong kho từ vựng của mình. Nhưng dù có mặt trong ngôn ngữ nào đi nữa thì “bản chất” của vấn đề cũng không khác nhau là bao, dù hành vi rửa tiền bây giờ đã biến tướng thiên hình vạn trạng.

Đây rõ ràng là một hiện tượng tiêu cực, bất hợp pháp, không những phải lên án mà cần phải xoá bỏ hoàn toàn trong xã hội văn minh.

“Tiền bẩn” thì rửa chứ sao

“Người bẩn” thì rửa thế nào được đây?

PGS-TS. Phạm Văn Tình (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Tham khảo Thu nhập ổn định Xem kết quả xổ số miền Nam

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.